Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ sĩ nhiếp ảnh với Xuân vùng cao

Hồng Minh - 19:19, 06/02/2021

Những cành đào bung nở khắp núi rừng, những đứa trẻ tung tăng trong bộ quần áo mới, đồng bào vùng cao gùi hàng xuống chợ… đã trở nên quen thuộc, gần gũi với người nghệ sĩ nhiếp ảnh. Tuy nhiên, những hình ảnh về cảnh vật, con người vùng cao ấy luôn mới mẻ và sinh động sau mỗi khoảnh khắc bấm máy của người nghệ sĩ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh với Xuân vùng cao

Thiên nhiên mê hoặc

Năm nào cũng vậy, vào dịp Tết đến Xuân về, các nghệ sĩ nhiếp ảnh lại bận rộn đi sáng tác ở khắp các nẻo đường của Tổ quốc. Đặc biệt, mùa Xuân ở vùng cao luôn là điểm đến của những người nghệ sĩ sáng tác ảnh.

Là người mê chụp ảnh, đặc biệt là ảnh vùng cao, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng không còn nhớ nổi mình đã đi mòn đế bao nhiêu đôi giày, nhưng mỗi lần bấm máy, thì anh vẫn còn nhớ như in câu chuyện đằng sau đó. “Hà Giang bước vào mùa Xuân khoác lên mình chiếc áo mới tươi trẻ đầy sức sống. Ở khắp các bản làng, hoa đào, hoa mận, hoa cải nở rộ, tạo nên những sắc màu sinh động tưng bừng dưới nắng Xuân. Cái rét tê tái không còn nữa, ánh nắng nhè nhẹ của mùa Xuân len lỏi qua những rặng núi cao, tỏa khắp những con đường nhỏ uốn lượn ngoằn ngoèo”, đó là trải nghiệm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng trong chuyến trở lại Hà Giang vào đầu tháng 12 vừa qua.

Cầm máy được 7 năm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng đang có trong tay một gia tài khá lớn các bộ sưu tập ảnh chủ đề phong cảnh, cuộc sống con người vùng DTTS. Những đề tài này đã mang về cho anh nhiều giải thưởng nhiếp ảnh danh giá như giải Nhì “Cuộc thi ảnh Nikon châu Á”; giải Xuất sắc Cuộc thi Nhiếp ảnh Quốc tế Orhan Holding lần thứ 16 (năm 2020), được tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ với tác phẩm “Nước mắt đại ngàn”.

Được đi nhiều nơi, trải nghiệm cuộc sống của nhiều dân tộc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng có một kho kiến thức rất phong phú về phong tục, tập quán, cuộc sống đồng bào DTTS. Anh chia sẻ, với đồng bào DTTS, ngày Tết đặc biệt lắm. Nó không chỉ đơn thuần là một ngày lễ quan trọng, mà thông qua ngày Tết có thể thấy được sự đổi thay trong cuộc sống từ năm này, qua năm khác.

“Trong những ngày Tết, các hộ gia đình người Dao làm dịch vụ Homstay ở Hoàng Su Phì hay ở Nậm Đăm, huyện Quản Bạ còn phấn khởi chào đón khách du lịch đến trải nghiệm văn hoá. Đồng bào mặc những bộ quần áo đẹp nhất cùng trang sức bạc trắng để đón khách”, nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng cho biết.

Khung cảnh mùa Xuân vùng cao dưới góc máy của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng
Khung cảnh mùa Xuân vùng cao dưới góc máy của nhiếp ảnh gia Nguyễn Sơn Tùng

Trân quý nghĩa tình đồng bào

Vùng cao không chỉ quyến rũ bởi vẻ đẹp thiên nhiên, mà còn đậm đà bởi tình cảm chân chất, mộc mạc của đồng bào nơi đây khiến ai dừng chân lại cũng đều nhớ nhung khi trở về.

“Một cụ già ngoài 70 tuổi trên lưng cõng đứa cháu nhỏ chăm chú nhìn tôi chụp ảnh. Thấy vậy, tôi cười hỏi cụ: “Cụ có chụp ảnh không, cháu chụp cho?”. Cụ già gật đầu lia lịa như sợ tôi nói đùa hay đổi ý. “Thật nhá, chụp cho ông nhá. Ông chưa được chụp ảnh bao giờ đâu đấy!”. Tôi chụp cho hai ông cháu gần chục kiểu rồi hứa sẽ in và gửi đến Ủy ban xã để cụ cho con cháu ra lấy. Ông cụ cảm động quá, bảo người nhà về lấy ít gạo nếp để cảm ơn tôi. Từ chối mãi mà cụ cứ ấn túi gạo vào tay, cực chẳng đã, tôi đành cất túi gạo vào nhà anh trưởng xóm và dặn anh đưa lại cho cụ, nói rằng tôi cảm ơn cụ nhưng vì đường xa nên không thể nhận quà của cụ”.

Không khí chuẩn bị Tết của đồng bào DTTS luôn có một sức hút riêng với nhiều người mê ảnh
Không khí chuẩn bị Tết của đồng bào DTTS luôn có một sức hút riêng với nhiều người mê ảnh

Đó là câu chuyện của Nhà báo Nông Quốc Đạt, Trưởng Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Cao Bằng trong chuyến đi tác nghiệp vào những ngày cận Tết tại xã Quang Trọng, huyện Thạch An. Câu chuyện của Nhà báo Nông Quốc Đạt cách đây đã 8 năm, nhưng với Nhà báo đó lại là cái Tết ấm áp nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc đời làm nghề của mình.

Giới nhiếp ảnh thường nói vui với nhau rằng “Tất cả sẽ qua đi, chỉ còn những bức hình ở lại”, sự ví von này quả thực rất đúng. Những bức ảnh được chụp lại sẽ trở thành nguồn tư liệu quý đánh dấu cho sự đổi thay của đồng bào DTTS. Mai đây, dù cuộc sống kinh tế vùng đồng bào DTTS có nhiều thay đổi, khởi sắc hơn nữa thì vẻ đẹp thiên thiên, tình cảm của đồng bào vẫn luôn là thứ thuốc mê làm say lòng những người cầm máy.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.