Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ thuật "kết tinh" trong những điệu Xòe: Một thương hiệu “rất riêng” của người Thái (Bài 1)

Văn Hoa - 07:27, 06/11/2022

Xòe Thái là một di sản văn hóa có tính đại diện, thể hiện những gì cô đọng nhất, đại diện nhất của văn hóa tộc người, trở thành biểu tượng của văn hóa Thái. Với những giá trị đặc biệt đó, "Nghệ thuật Xòe Thái" đã được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một lần nữa nhân lên niềm tự hào, một thương hiệu “rất riêng” của người Thái.

"Nghệ thuật Xòe Thái" - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
"Nghệ thuật Xòe Thái" - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

“Điệu Xòe, điệu Xòe có tự bao giờ” chưa ai biết rõ. Kể từ khi có điệu Xòe, sự gắn kết cộng đồng người Thái thêm bền chặt hơn và người Thái coi Xòe là bản sắc riêng có, là báu vật vô giá mà họ cố gắng gìn giữ và phát huy qua nhiều thế hệ.

Điệu Xòe có tự bao giờ?

Xòe được dịch ra tiếng Thái có nghĩa là “xe”, Xòe cổ là “xe cáu ké”, nhằm chỉ một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian tập thể, có một vai trò đặc biệt trong đời sống của đồng bào dân tộc Thái từ bao đời nay. 

Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái
Xòe được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái

“Xòe ” có nghĩa là múa. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Xòe có ba loại chính là Xòe nghi lễ, Xòe vòng, Xòe biểu diễn. Xòe nghi lễ và Xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe gậy, Xòe hoa... Xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người Xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Nói đến điệu Xòe, chắc hẳn ai cũng vấn vương và thuộc bài hát “Điệu xòe thương nhau” của nhà thơ, nhạc sĩ Vương Khon, với những ca từ vui nhộn: “Điệu xòe, điệu xòe có tự bao giờ/ Mà vẫn mê say như thuở nào/ Điệu xòe, điệu xòe nhớ thuở ban đầu/ Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối/ Tay trong tay đêm nay/ Chân bước đi rộn ràng...”.

Xòe được hình thành và phát triển, cùng với quá trình lịch sử hình thành bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Thái, nó gắn liền với cuộc sống sinh hoạt, thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người Thái.

Kể từ khi có điệu Xòe, sự cố kết cộng đồng của người Thái thêm bền chặt hơn
Kể từ khi có điệu Xòe, sự cố kết cộng đồng của người Thái thêm bền chặt hơn

Mường Lò được người Thái Đen ở Tây Bắc Việt Nam coi là quê tổ, bởi thế đồng bào cũng quan niệm, đây là nơi sản sinh ra các điệu Xòe cổ, là ngọn nguồn của những vòng Xòe.

Người Thái khi đặt chân đến Mường Lò, kinh tế truyền thống là nông nghiệp, sống quần tụ trong các bản làng ở các vùng lòng chảo, ven các sông suối. Trong cuộc mưu sinh để tồn tại và phát triển, người Thái luôn cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, anh dũng đấu tranh chống lại thú dữ..

Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, chinh phục được thiên nhiên hay chiến thắng kẻ thù, thú dữ, mọi người lại nắm tay nhau không phân biệt nam, nữ, già, trẻ và nhảy múa ăn mừng quanh đống lửa. Hoạt động ấy lặp đi lặp lại nhiều lần, dần dần được nâng lên cả động tác lẫn ý thức, hình thành lên các điệu Xòe.

Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến phát biểu tại Lễ Ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến phát biểu tại Lễ Ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Biết yêu nhau là có Xòe

Để trả lời câu hỏi Xòe Thái có tự bao giờ, chúng tôi tìm về Mường Lò, gặp Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến, bản Cang Nà, Thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Nghệ nhân Lò Văn Biến, được coi là cây đại thụ trong văn hóa dân tộc Thái, người có nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm về văn hóa Người Thái một cách bài bản. Theo ông Biến thì, chỉ có ở Mường Lò mới lưu giữ được cuốn tài liệu viết về sáu điệu Xòe cổ bằng chữ Thái cổ. 

Nói về nguồn gốc Xòe Thái, ông Biến cười tươi, không biết Xòe Thái có tự bao giờ, nhưng con người Thái biết săn bắn, biết làm nhà là có Xòe rồi; biết yêu nhau, cưới nhau là có Xòe. Xuất phát từ niềm vui mừng nhà mới, vui mừng dâu mới, vui mừng vì săn bắn được thú rừng… Xòe từ đó mà ra.

Như vậy có thể nói, chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần của dân tộc Thái, đã hình thành nên những điệu Xòe, để mô phỏng những hoạt động lao động sản xuất từ việc khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước và phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của người Thái.

Xòe có một vị trí quan trọng trong đời sống người Thái từ bao đời nay
Xòe có một vị trí quan trọng trong đời sống người Thái từ bao đời nay

Đồng bào Thái quan niệm: "Không Xòe không vui/ Không Xòe cây lúa không trổ bông/ Không Xòe cây ngô không ra bắp/ Không Xòe trai gái không thành đôi”.

Bởi vậy, Xòe có một vai trò quan trọng đặc biệt, được lưu giữ và phát triển thành một không gian văn hóa hết sức đồ sộ về khối lượng trong cộng đồng, được thực hành thường xuyên vào những dịp vui hội, lễ tết hay bất cứ một buổi sinh hoạt lớn nhỏ nào đó.

Có thể nói, Xòe rất gần gũi, gắn bó và không thể thiếu được trong đời sống văn hóa của người Thái. Với ý nghĩa lớn lao đó, trong suốt quá trình phát triển của tộc người, đồng bào Thái đã đúc kết nên những động tác cơ bản trong điệu Xòe với sáu điệu Xòe cổ được coi là hồn cốt của Xòe Thái.


Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.