Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Xòe Thái được đệ trình xin công nhận là di sản văn hóa phi vật thể

Nga Anh (T/h) - 10:12, 14/12/2021

Kỳ họp thứ 16 Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể họp ở Paris và tại đây, hồ sơ nghệ thuật xòe Thái của Việt Nam cũng được đệ trình để xin được công nhận.

Múa Xòe Thái (Ảnh TL)
Múa Xòe Thái (Ảnh TL)

Kỳ họp lần thứ 16 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được khai mạc ngày 13/12 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ở thủ đô Paris.

Phiên họp thường niên bằng hình thức trực tuyến này sẽ kéo dài đến ngày 18/12, dưới sự chủ trì của ông Punchi Nilame Meegaswatte - Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Sri Lanka. Phiên họp thu hút sự tham dự đông đảo của hàng trăm đại biểu là đại diện các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, viện văn hóa nghệ thuật và các bên liên quan trên khắp thế giới.

Phía Việt Nam có Đại sứ, Trưởng đại diện Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân tham dự tại đầu cầu Paris.

Đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng tỉnh Yên Bái, nơi có hồ sơ Xòe Thái đệ trình lần này, tham dự các phiên họp từ đầu cầu Hà Nội và Yên Bái.

Kỳ họp này sẽ xem xét ghi danh các di sản mới trên cơ sở 48 hồ sơ đệ trình xin danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 6 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, 5 đề xuất về thực hành tốt và 3 dự án cần hỗ trợ của Quỹ Di sản phi vật thể.

Hồ sơ nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam cũng được đệ trình để xin được công nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

UNESCO nhận xét Việt Nam là một trong số các quốc gia có chính sách và hoạt động tích cực, hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, thể hiện ở việc xây dựng, ban hành và áp dụng luật và các chính sách bảo vệ di sản văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể; phục hồi và phát huy các loại hình nghệ thuật trình diễn, nghề thủ công truyền thống, phong tục, tập quán.../.

Nghệ thuật Xòe Thái được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Đây là loại hình múa truyền thống đặc sắc gắn liền với đời sống của đồng bào Thái vùng Tây Bắc Việt Nam trong các lễ hội cộng đồng, nghi lễ tín ngưỡng và sinh hoạt văn hóa. Xòe Thái đã được trao truyền và bảo tồn khá nguyên vẹn qua hàng trăm năm với nhiều hình thái khác nhau.

Xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe có ba loại chính: xòe nghi lễ, xòe vòng, xòe biểu diễn. Các điệu xòe nghi lễ và xòe biểu diễn thường kết hợp với các đạo cụ và được gọi theo tên đạo cụ như xòe khăn, xòe nón, xòe quạt, xòe sạp, xòe nhạc, xòe gậy, xòe hoa… Trong đó, xòe vòng phổ biến nhất, là màn đồng diễn mà người xòe nối thành vòng tròn trong sự hòa đồng với tất cả mọi người.

Những động tác múa uyển chuyển hòa với âm nhạc, bài hát, trang phục áo cóm bó chặt người, âm thanh phát ra từ trang sức bạc đeo quanh thắt lưng của người phụ nữ Thái tạo nên một loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa của người Thái ở vùng Tây Bắc. Nếu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc sẽ có thêm cơ hội bảo tồn, phát huy giá trị của Xòe Thái trong đời sống đương đại. Đến nay, Việt Nam có gần 30 di sản được UNESCO vinh danh ở tầm thế giới.