Hiện nay, trên địa bàn huyện Nậm Nhùn, người dân tộc Mảng có 1.480 hộ, với 6.828 nhân khẩu sinh sống tại 5 xã với 14 bản. Lễ hội Mừng Lúa mới được người dân tộc Mảng tổ chức với ý nghĩa tạ ơn ông bà, tổ tiên và các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho cây trồng tốt tươi, không sâu bệnh phá hoại, chim, sóc, thú rừng phá, mùa màng mới được bội thu, cuộc sống ấm no, đầy đủ và hạnh phúc như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp khác.
Tiến trình Nghi lễ “Gọi hồn lúa”, để mang lúa về nhà được diễn ra, trước khi tiến hành tổ chức Lễ “Mừng Lúa Mới” 3 ngày tại 1 đám nương lúa đã định sẵn. Nghi lễ “Gọi hồn lúa” do những người phụ nữ thực hiện, được tiến hành trước khi thu hoạch.
Vào buổi sáng ngày đã chọn người dẫn đầu tiến vào đám nương sẽ là người tiến hành nghi lễ (người thực hiện nghi lễ gọi hồn là người phụ nữ là chủ gia đình hoặc là người trong bản có uy tín được nhiều người trong bản quý trọng). Lễ vật mang theo là một nắm xôi nếp, đuôi cá suối nướng (hoặc một miếng thịt gà, hay một quả trứng gà luộc) được để trong một cái tẻ.
Hai vợ chồng chủ nhà chọn một khóm lúa có ba cây lúa, bông chắc hạt. Bà chủ nhà vặn các thân lúa quấn vào nhau rồi cuộn tròn từ gốc lên ngọn khóm lúa giống như quả bóng. Sau đó, bà lấy một hòn đá đè lên cạnh khóm lúa đã cuộn lại thành bó, đồng thời hái 3 bông lúa to đẹp, nhiều hạt rồi buộc lại với nhau rồi để lên khóm lúa đã được cuộn tròn đó.
Bà chủ nhà lấy gói xôi, thịt (hoặc trứng) gà luộc đặt bên khóm lúa mời hồn lúa ăn, miệng gọi “bập, bập bập” (giống như người Kinh hay gọi gà về cho ăn) và khấn xin: Pập! pập! pập! À mỉn mỉ dứa, ù chô, puòng lẳm đô mỉ dứa, lá lẳm pà to đó, đô mỉ dứa, bặt lấp nhủa, lắp tàng, đà huy no me tần lẳm to xá cỏm, lóc ha lóc lể chi pà to đó lẳm mể đà nòng huy, chặt chú dân mán đà bô, đà dúa, đà huy, chi pá to đó lẳm, chặt chú dân mắn, ê vẳn mể tủn, tuốt mảng sơ mi, chi nhải, chi nà pà to xá, to chông đà nòng huy.
Dịch tiếng phổ thông là: "Hôm nay là ngày đẹp, tháng tốt, gia đình chọn ngày để hái lúa, để thu hoạch được nhiều. Những năm trước lúa được ít lắm, năm nay phải được nhiều lên. Gia đình tôi xin gặt lúa để lúa nhiều bông, thu được nhiều thóc. Hỡi hồn lúa hãy còn đang rong chơi lưu lạc ở các bản các mường gần xa! Hỡi hồn lúa còn đang ăn cỗ với họ hàng ở đám bên cạnh về thôi! Về nhà, về với gốc lúa nơi mình được sinh ra! Về với tẻ, về với tá, về với kho thóc đẹp đã được dựng mới. Lúa ơi hãy nhanh đầy tẻ, nhanh đầy thúng, sớm đầy kho, mong cho cuộc sống no đủ quanh năm. Và xin hồn lúa cho phép gia đình gặt lúa".
Sau khi khấn gọi hồn lúa xong, người chủ lễ bỏ 3 bông đã hái vào tẻ những người đi cùng bắt đầu tiến hành thu hoạch, 3 bông to cầm trên tay, bông nhỏ cho vào tẻ rồi cứ thế hái lúa đến khi xong.
Kết thúc nghi lễ, số thóc lúa thu được sẽ được đem về nhà chế biến (lúa non làm cốm non, lúa ương làm xôi cốm, hạt già làm xôi cơm), sau khi thóc, lúa chế biến thành cốm thành xôi, thì tổ chức ăn “mừng lúa mới”. Thời gian thu lúa và tổ chức ăn mừng lúa mới diễn ra từ 2- 3 ngày. Sau nghi lễ “Gọi hồn lúa” sẽ là Lễ “Mừng lúa mới”.
Theo ông Hà Văn Ruệ,Trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Nậm Nhùn (Lai Châu): Hiện nay, lễ hội “Mừng lúa mới” của người dân tộc Mảng đã được thống kê vào danh mục tổ chức các Lễ hội trên địa bàn huyện. Trong những năm tới, Phòng Văn hoá và Thông tin huyện sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền phục vụ bảo tồn lễ hội truyền thống, góp phần tôn vinh giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của người DTTS, góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc; đồng thời, cũng góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp uỷ, chính quyền và Nhân dân về vai trò và vị trí của văn hoá đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Việc khôi phục Lễ hội “Mừng lúa mới” là việc làm rất cần thiết, nhằm cụ thể hóa việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc cho đồng bào dân tộc Mảng thuộc Dự án 9 "Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn" (Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030).
Các hoạt động trong Lễ hội đã và đang được tiến hành đúng tiến trình, đảm bảo giữ được bản sắc văn hóa truyền thống, loại bỏ những yếu tố mê tín dị đoan; phải gắn với các phong trào thi đua yêu nước, thi đua lao động sản xuất, tăng thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Có thể thấy, bản làng người Mảng ở huyện vùng cao Nậm Nhùn hôm nay luôn tươi vui rộn rã. Nhân dân phấn khởi vì cái đói nghèo đã lùi xa nhờ các chính sách thiết thực của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ chính quyền các cấp. Đồng bào hiện đang cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đoàn kết, chung sức xây dựng bản làng, quê hương ngày càng ấm no, phát triển hơn.