Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nghị quyết 128 - Bước tiến mới trong giải pháp phòng, chống dịch

Thanh Hải - 15:42, 27/10/2021

Đại dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại. Có thể có những chủng virus mới và phát sinh những đợt dịch tiếp theo. Thế nên, không thể cứ mãi chạy theo câu chuyện cách ly, giãn cách xã hội mỗi nơi mỗi kiểu. “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong giai đoạn hiện nay theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, chính là quan điểm chỉ đạo thống nhất, kịp thời và sáng tạo.

(Đứng trang) Nghị quyết 128 - Thống nhất phương án chống dịch

Nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong cả 4 đợt bùng phát dịch bệnh, nhưng trước sự diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, có thể có những chủng virus mới và sẽ còn phát sinh những đợt dịch tiếp theo, thì “mục tiêu kép” đang đặt ra nhiều thách thức. 

Thách thức ấy là làm sao chống dịch hiệu quả, phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả trên tinh thần chỉ đạo phải thực sự thống nhất, “nới lỏng” các điều kiện hoạt động có thể, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người sản xuất, người dân.

Nhìn ra thế giới, các quốc gia khác đang từng bước thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang “chung sống an toàn”. Trong bối cảnh ấy, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128, thống nhất chương trình hành động, nội dung thực hiện theo nguyên tắc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” một cách chủ động, sáng tạo, kịp thời. Theo đó, 4 cấp dịch của Nghị quyết 128 là: Nguy cơ thấp - bình thường mới, nguy cơ trung bình, nguy cơ cao và nguy cơ rất cao. Tương ứng với các cấp độ này, là các quy định về sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt của người dân được phép hoạt động.

Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp và người dân, thì việc phân loại cấp độ dịch (4 cấp) là điểm tích cực nhất của Nghị quyết 128. Đây cũng là dấu mốc của giai đoạn bình thường mới trong phòng, chống dịch bệnh. Từ bản đồ 4 cấp độ dịch này, doanh nghiệp, người dân có thể dự báo được các kịch bản ứng phó của Chính phủ, với diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra, nên sẽ chủ động, linh hoạt hơn trong việc thay đổi các điều kiện, phương thức sản xuất, hoạt động cho phù hợp.

Nhiều doanh nghiệp, hộ buôn bán, sản xuất kinh doanh đề nghị: Các biện pháp phòng, chống dịch phải được điều chỉnh một cách linh hoạt, phù hợp hơn với thực tiễn. Tiến hành khoanh vùng, cách ly ở diện tích nhỏ nhất có thể và hạn chế các biện pháp phong tỏa kéo dài trên diện rộng; triển khai quyết liệt điều trị cho các ca lây nhiễm; điều trị từ sớm, từ xa, giảm tỷ lệ tử vong.

 Bên cạnh đó, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh như giao thông vận tải, hàng hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… Qua đó, từng bước đưa ra giải pháp vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế một cách chắc chắn, hiệu quả, phù hợp, bảo đảm an toàn.

Ở góc độ quản lý của địa phương, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 là một quyết sách rất đúng đắn, rất hợp lý trong thời điểm hiện nay. Bởi, đây sẽ là cơ sở để thống nhất phương án chống dịch từ Trung ương xuống địa phương. Từ việc “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, Quảng Trị đang rất quyết tấm vừa thực hiện mục tiêu khôi phục và phát triển kinh tế cho giai đoạn mới, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Cần chống dịch trên nguyên tắc bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu
Cần chống dịch trên nguyên tắc bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu

Nghị quyết 128 được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí cụ thể, hợp lý, có thể áp dụng chung cho cả nước, là: Số người bị nhiễm/100.000 dân/tuần, số người đã tiêm, khả năng thu dung điều trị... Do đó, để Nghị quyết 128 phát huy hiệu quả tốt nhất, thì phải triển khai thực hiện trên nguyên tắc vừa bảo đảm thống nhất, thông suốt trên toàn quốc, không chia cắt, tránh mỗi nơi làm một kiểu, vừa đồng thời phát huy được sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương.

 Các địa phương cũng không nên tự ý quy định các mức thời gian xét nghiệm 24 giờ, 48 giờ, 72 giờ như trước. Muốn thực hiện đúng Nghị quyết 128, thì mỗi địa phương phải đánh giá đúng tình hình dịch bệnh của địa phương mình, từ đó mới có thể ban hành các văn bản, triển khai các giải pháp, biện pháp sát thực tế, phù hợp thực tiễn.

Thực tế thì, chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 về phòng, chống dịch bệnh. Nay, với Nghị quyết 128, Chính phủ đã trao quyền thích ứng cho các địa phương. Vấn đề là các địa phương sẽ triển khai, tổ chức thực hiện như thế nào.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên từng nhấn mạnh trước diễn đàn báo chí rằng, Nghị quyết 128 đã giao các bộ, ngành liên quan sớm ban hành các hướng dẫn chung để áp dụng trong toàn quốc. Các địa phương căn cứ vào những hướng dẫn chung đó, để tổ chức triển khai một cách thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Nhưng tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể, nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.

Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, quá trình thực hiện Nghị quyết 128 có vướng mắc, khó khăn cần báo cáo kịp thời về các cơ quan của Trung ương, để có giải pháp tháo gỡ hợp lý. Các địa phương không đưa ra các biện pháp bổ sung không phù hợp với Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Có thể khẳng định, “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128 là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu kép đang trở nên có cơ hội dễ dàng thực hiện hiệu quả hơn.

Tin cùng chuyên mục
Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Chậm trễ sắp xếp dôi dư tài sản công sau sáp nhập - lãng phí kéo dài

Để sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công dôi dư sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC), Bộ Tài chính có Văn bản số 8006/BTC-NSNN ngày 31/7/2023 hướng dẫn thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030. Tuy nhiên hiện nay, vẫn còn rất nhiều địa phương vẫn còn nhiều tài sản công bị bỏ hoang, chưa có phương án sắp xếp, gây lãng phí kèo dài.