Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp của Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, tiếp tục cho ý kiến về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VGPHiện nay cả nước có 63 tỉnh, thành, 696 đơn vị cấp huyện và khoảng hơn 10.000 đơn vị cấp xã. Như vậy bộ máy ở địa phương quá lớn, trải theo chiều rộng, nhiều tầng nấc trung gian, gây tốn kém chi phí. Do đó, việc tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính sẽ giúp tạo ra một bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Về định hướng sáp nhập cấp tỉnh, theo Kết luận 126 và Kết luận 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ngoài căn cứ về quy mô dân số, diện tích, cần nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, chiến lược phát triển KT-XH, phát triển ngành, mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế so sánh, đáp ứng yêu cầu phát triển đối với từng địa phương và yêu cầu, định hướng phát triển của giai đoạn mới... làm cơ sở, căn cứ khoa học trong sắp xếp tỉnh.

…Sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi tiêu, đó là một phần thôi nhưng động lực để cho phát triển, dư địa để cho phát triển mới là quan trọng”.
Tổng Bí thư Tô Lâm (Trích phát biểu tại buổi làm việc với Tiểu ban KT-XH Đại hội toàn quốc lần thứ XIV tại trụ sở Chính phủ vào sáng 17/3/2025)
Trên tinh thần đó, tại cuộc họp ngày 11/3, Thường vụ Đảng ủy Chính phủ đã thống nhất mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hai cấp: Cấp tỉnh (gồm các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp cơ sở. Đồng thời, thống nhất dự kiến trình cấp có thẩm quyền phương án sắp xếp, theo đó sẽ giảm khoảng 50% số đơn vị hành chính cấp tỉnh và giảm khoảng 60 - 70% số đơn vị hành chính cấp cơ sở so với hiện nay.
Tại phiên họp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu việc sắp xếp đơn vị hành chính bên cạnh tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, cần xem xét các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, điều kiện địa lý, trình độ phát triển KT-XH, hạ tầng... Đặc biệt, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh phải có tính kế thừa; việc chọn trung tâm hành chính - chính trị phải cân nhắc các yếu tố lịch sử, địa lý, kết nối hạ tầng, không gian phát triển, quốc phòng, an ninh và hội nhập.
Nhắc lại tầm quan trọng của chủ trương tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và sáp nhập một số xã, tại buổi làm việc với Tiểu ban KT-XH Đại hội toàn quốc lần thứ XIV tại trụ sở Chính phủ vào sáng 17/3/2025 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, việc sáp nhập không vì một địa phương, cá nhân nào mà đây là chủ trương quan trọng vì sự phát triển chung của đất nước.
Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính mà còn là vấn đề điều chỉnh không gian kinh tế. Đồng thời, cần phải đánh giá lại quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch và định hướng phát triển các tỉnh, thành phố. Sáp nhập không phải chỉ là cho gọn lại để tiết kiệm được tiền chi tiêu, đó là một phần thôi nhưng động lực để cho phát triển, dư địa để cho phát triển mới là quan trọng.
Tinh gọn bộ máy hành chính giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và tạo dư địa, động lực phát triển KT-XHKhi số lượng cơ quan quản lý giảm, nguồn lực ngân sách được phân bổ hợp lý hơn, tập trung vào các nhiệm vụ trọng yếu như phát triển kinh tế, an sinh xã hội và cải thiện hạ tầng. Điều này cũng tạo điều kiện tối ưu hóa nguồn lực, khai thác tiềm năng kinh tế và tăng khả năng tự cân đối ngân sách, đặc biệt đối với các tỉnh nhỏ hoặc có nguồn thu hạn chế. Việc sáp nhập cũng góp phần thúc đẩy liên kết vùng, hình thành các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường sức cạnh tranh và thu hút đầu tư, phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế…
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quá trình sáp nhập không chỉ mang lại lợi ích mà còn đặt ra nhiều thách thức trong công tác quản lý Nhà nước. Bởi lẽ, quá trình này cũng có thể dẫn đến tình trạng phức tạp trong quản lý địa bàn rộng lớn, khó khăn trong việc thống nhất các quy định, chính sách và sự khác biệt về văn hóa, phong tục giữa các địa phương được sáp nhập.
Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phân cấp mạnh hơn cho chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu quả khi sáp nhập tỉnh, thành phố. Một chính quyền địa phương mạnh, có đủ năng lực sẽ giúp thực hiện tốt các chính sách phát triển KT-XH, cải thiện chất lượng dịch vụ công và đảm bảo sự ổn định, phát triển...
Vì thế, để thực hiện thành công chủ trương này, cần có sự đồng thuận cao của toàn xã hội, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, cũng như sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và người dân vì tương lai đất nước ngày càng rộng mở hơn.