Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghi thức rước y trang của người Chăm và người Raglay trong Lễ hội Katê: Biểu hiện tình đoàn kết keo sơn giữa hai dân tộc

Thành Nhân - 17:29, 01/11/2020

Nghi thức đón rước y trang được xem là phần “hồn” của Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà-la-môn ở tỉnh Ninh Thuận. Thế nhưng, có một điều lạ là hàng trăm năm qua, bộ y trang lại do đồng bào dân tộc Raglay, xã Phước Hà, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) cất giữ cẩn thận, để mỗi khi mùa Katê về, Lễ rước y trang lại được tái hiện một cách trang trọng và đầy đủ nhất.

Lễ rước y trang được trong Lễ hội Katê
Lễ rước y trang được trong Lễ hội Katê

Gìn giữ di sản trao truyền...

Trong thành ngữ của người Chăm có câu “Chăm sa-ai Raglay adei”, nghĩa là người Chăm là chị cả, còn người Raglay là con gái út. Và con gái út là người có quyền thừa kế tài sản của cha mẹ để lại, đồng thời, thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, thờ phụng cha mẹ khi về già. Chính vì thế, từ xa xưa, người Raglay được giao vai trò đảm trách việc bảo quản y trang của vua chúa và các đồ cúng lễ trên đền tháp để thờ phụng ông bà, tổ tiên và thần linh.

Được biết hiện nay, người Raglay có hai tộc họ đang giữ y trang, đó là Chamalé và Pa Tâu A Xá và một tộc họ giữ những đồ vật bằng đồng như ly, chén... để phục vụ việc rước y trang cũng như cúng đầu năm của làng, đó là tộc họ A Né.

Bà Tâu Xá Thị Nhân ở thôn Giá, xã Phước Hà, người thuộc một trong hai tộc họ đang giữ y trang, chia sẻ: “Tộc họ tôi đã giữ y trang được 3 đời nay. Theo tục lệ, đồ y trang sẽ truyền lại cho con gái trong tộc. Bởi đồng bào Raglay theo chế độ mẫu hệ, mọi tài sản của tổ tiên sẽ được để lại cho người con gái trong gia đình cất giữ”.

Còn ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang cho hay: Người Raglay không ai biết họ đã gìn giữ y trang từ khi nào. Chỉ biết rằng, nó được trao truyền cho người con gái trong tộc họ từ nhiều đời nay. “Trước giờ, rước y trang được đưa từ thôn Giá về làng Chăm ở thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước. Việc cúng y trang sẽ được tiến hành tại hai nhà tộc họ đang giữ y trang, nhưng chỉ có y trang của tộc họ Pa Tâu A Xá được đem đi. Vì người Raglay cho rằng, nếu như y trang của tộc họ kia mất đi hoặc bị rách, thì còn có y trang khác thay thế”, ông Ơi cho biết thêm.

Xưa kia, để rước y trang từ Phước Hà đến Lễ hội Katê ở làng Hữu Đức, bà con phải đi bộ sau lưng tháp Pô Rômê. Tuy nhiên, hiện nay đường đi đã được Nhà nước đầu tư nâng cấp bê tông nên việc rước y trang của đồng bào Raglay được tiến hành đi trước mặt tháp Pô Rômê. Đồng bào Raglay quan niệm, dù hướng rước y trang có sự thay đổi, nhưng khi đoàn rước y trang đi ngang qua tháp, sẽ phải dừng lại để thực hiện nghi thức cúng trầu cau, rượu, trứng... Việc này có ý nghĩa xin đường đi qua tháp để đồng bào Raglay rước y trang xuống cho đồng bào Chăm mừng Lễ hội Katê ở đền Pô Inư Nưgar.

Lễ hội của kết nối tình đoàn kết dân tộc

Về làng Chăm Hữu Đức những ngày diễn ra Lễ hội Katê, chứng kiến sự chuẩn bị công phu của người dân cho lễ cúng rước y trang, mới hiểu được đó là cái “hồn” của lễ hội. 

Ông Hán Đậu, Cả sư đền thờ Pô Inư Nưgar cho biết, tầm quan trọng của y trang trong Lễ hội Katê: Vào năm 2013, người đại diện đi thưa chuyện thông tin ngày diễn ra Lễ hội Katê đã gây ra sự xích mích, hiểu lầm đối với các tộc họ đồng bào Raglay đang giữ y trang ở xã Phước Hà. Vì vậy, nghi thức đón rước y trang của đồng bào Chăm đã không được tái hiện trong Lễ hội Katê năm đó, khiến cho Lễ hội mất đi phần hồn. Hơn thế nữa, đồng bào Chăm Hữu Đức đón Katê buồn, vì không có y trang. Sự việc xảy ra buộc Ban phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar đã thay đổi người đi thưa chuyện. Những năm sau, y trang đã trở lại với làng Chăm Hữu Đức trong Lễ hội Katê. Từ đó, mối đoàn kết giữa đồng bào Chăm và đồng bào Raglay ngày càng khăng khít hơn.

Y trang phải có mặt trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên từ xưa để lại cho con cháu đồng bào Raglay. Tại đây, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra y trang có bị cũ, hư hỏng và báo lại cho Ban Phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm ở Hữu Đức biết, để may hoặc bổ sung y trang trước ngày diễn ra Lễ hội Katê”.

Ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang

Y trang không những được tái hiện trong Lễ hội Katê của làng Chăm Hữu Đức mà còn xuất hiện trong nghi thức cúng đầu năm của đồng bào Raglay ở Phước Hà. “Y trang phải có mặt trong nghi lễ, đây là quy định của tổ tiên từ xưa để lại cho con cháu đồng bào Raglay. Tại đây, các tộc họ sẽ đem y trang ra phơi, kiểm tra y trang có bị cũ, hư hỏng và báo lại cho Ban Phong tục đền thờ Pô Inư Nưgar của người Chăm ở Hữu Đức biết, để may hoặc bổ sung y trang trước ngày diễn ra Lễ hội Katê”, ông Chamaléa Ơi, người cúng lễ y trang giải thích.

Điều lo lắng nhất hiện nay của người dân và của chính quyền địa phương là những ngôi nhà cất giữ y trang của các tộc họ đang xuống cấp, nên việc bảo quản y trang gặp khó khăn... 

Ông Tạ Yên Mơn, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hà chia sẻ: Đồng bào Raglay mong muốn được xây dựng một ngôi nhà cố định để cất giữ y trang và những vật dụng cúng y trang. Qua đó, sẽ dễ dàng thực hiện nghi thức cúng đầu năm và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Raglay.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.