Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Phạm Tiến - 08:24, 22/11/2024

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.

Diện mạo huyện Tương Dương ngày càng khang trang, đổi mới
Diện mạo huyện Tương Dương ngày càng khang trang, đổi mới

Bản Bay, xã Nga My, huyện Tương Dương (Nghệ An) có 119 hộ đồng bào DTTS sinh sống. Đồng bào ở bản chủ yếu làm nông nghiệp, một số ít là hộ kinh doanh, dịch vụ nhỏ lẻ. Những năm trước đây, do thiếu kinh nghiệm sản xuất, thiếu vốn đầu tư nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2021, toàn bản Bay còn có 46 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 38,98%.

Khi Chương trình MTQG 1719 được thực hiện, với vai trò là Người có uy tín ở bản, ông Quang Lưu Vình (1950) đề xuất cấp trên hỗ trợ giống cây, giống con phù hợp giúp các gia đình khó khăn phát triển sản xuất. Cùng với đó, ông  Vình còn động viên các hộ gia đình hăng say sản xuất để vươn lên ổn định đời sống. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào Mông ở bản Bay đã tích cực sản xuất, lao động có hiệu quả xóa được đói, giảm được nghèo.

Khi có dự án làm đường nội bản, Người uy tín Quang Lưu Vình đứng ra vận động đồng bào hiến đất, chặt cây để mở đường; góp ngày công trực tiếp làm đường nội bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.

Sau gần 4 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, từ nguồn vốn Chương trình, cùng với sự gương mẫu của Người uy tín Quang Lưu Vình đã nêu gương, vận động Nhân dân cùng chung tay thực hiện, tác động tích cực đến đời sống đồng bào ở bản Bay. Hiện toàn bản chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 9,24%, giảm 29,74% so với năm 2020.

Nhiều mô hình sinh kế từ chính sách hỗ trợ cây, con giống nay đã phát huy hiệu quả kinh tế. Nếu năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở bản Bay chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, thì đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở bản Bay ước đạt trên 42 triệu đồng/người/năm.

Mô hình sinh kế trồng chuối lấy lá mang lại hiệu quả kinh tế cao ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An)
Mô hình sinh kế trồng chuối lấy lá mang lại hiệu quả kinh tế cao ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương (Nghệ An)

Xuôi theo quốc lộ 7A, chúng tôi tìm về bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Vào nhà Trưởng bản Thò Bá Chò để hỏi chuyện về Người uy tín Vừ Xin Vả (1961) ở bản, ông Chò cho biết: “Giờ này ư, ông Vừ Xin Vả lại đi rừng rồi. Ông ấy đi rừng vừa để tuần tra rừng vừa kiểm tra đàn trâu bò xem có bị rét không. Nếu rét, ông ấy lại gọi bà con lên đưa trâu bò về để tránh rét đấy. Ở bản, hễ có việc gì, ông Vả đụng tay, kêu gọi là mọi việc đều thuận”.

Là bản có diện tích rừng tự nhiên lớn (459,995ha), công tác quản lý, bảo vệ rừng ở bản Lưu Thông là một nhiệm vụ quan trọng. Để làm gương, ông Vả là người đi đầu trong việc tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng.

Hằng tháng, trong các cuộc họp dân Người uy tín Vừ Xin Vả đều quán triệt nội dung quản lý, bảo vệ rừng. Ông Vả còn lấy ý kiến để Nhân dân đồng thuận lập hương ước của bản trong bảo vệ rừng. Hương ước quy định rõ trách nhiệm của Nhân dân trong bản về quản lý, bảo vệ rừng. Ai vi phạm, chặt phá, buôn bán gỗ từ rừng tự nhiên đều bị xử phạt theo hương ước.

Cùng với công tác bảo vệ rừng, ở bản Lưu Thông cũng đã hình thành nhiều mô hình sinh kế có hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình trồng chuối lấy lá hơn 60ha, mô hình vườn – ao – chuồng, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo… mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ.

Với vai trò là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, Người có uy tín của bản, ông Vừ Xia Vả đã đồng hành cùng chính quyền địa phương thực hiện rất hiệu quả Tiểu dự án 1, Dự án 3 trong Chương trình MTQG 1719 ở bản Lưu Thông. Nhờ đó mà diện tích rừng được bảo vệ an toàn.

(CĐ Tương Dương 2): Đội ngũ Người uy tín chung sức thực hiện chương trình MTQG 1719 3
Người uy tín Kha Văn Toàn ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An) bên mô hình trồng mét của gia đình mình

Còn tại xã Tam Quang, huyện Tương Dương, nhắc đến Người có uy tín Kha Văn Toàn ở bản Tam Bông bà con trong bản, trong xã ai cũng biết.

Bản thân ông Toàn là tấm gương sáng trong cộng đồng đồng bào Thái ở xã Tam Quang, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông Toàn đã có một trang trại tổng hợp với 11ha rừng, 11 con bò mẹ, hàng chục con dê…..

Khi Chương trình MTQG 1719 triển khai, Người uy tín Kha Văn Toàn lại tích cực vận động đồng bào ở bản Bông đồng lòng thực hiện. Những hộ gia đình nhận được hỗ trợ bò giống, cây giống… từ dự án phát triển mô hình sinh kế được ông Toàn hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng để mô hình phát huy hiệu quả.

Khi thực hiện Dự án 1 trong Chương trình MTQG 1719, bản Bông có 5 gia đình được hỗ trợ về nhà ở. Khi triển khai xây nhà, ông Toàn đã vận động đồng bào giúp đỡ ngày công cho các hộ gia đình để việc xây nhà theo tiêu chuẩn "3 cứng" bảo đảm tiến độ.

Các chương trình, dự án thực hiện ở bản, ở xã, ông Kha Văn Toàn và đội ngũ Người có uy tín ở Tam Quan lại đi đầu thực hiện, vận động đồng bào chung sức để đạt kết quả cao. Từ những đóng góp của đội ngũ Người có uy tín, trong đó nổi bật là ông Kha Văn Toàn đã đưa Tam Quang trở thành xã miền núi đầu tiên ở tỉnh Nghệ An về đích nông thôn mới. 

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Tương Dương cho biết: “Đội ngũ Người có uy tín có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở các bản làng vùng cao. Khi các Chương trình MTQG được triển khai, trong đó có Chương trình MTQG 1719, họ là những người đi đầu thực hiện, vận động đồng bào đồng thuận cùng thực hiện hiệu quả các dự án. Để động viên kịp thời đội ngũ Người có uy tín, chính quyền địa phương cũng thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho Người có uy tín theo quy định”.

Huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện có 142 Người có uy tín trong đồng bào các DTTS. Đội ngũ Người có uy tín đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở; tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tích cực vào các chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.