Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Phạm Tiến- Đình Tuân - 10 giờ trước

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Bên bếp lửa hồng, xôi chín thơm mùi nếp nương, tiếng đàn nhị của ông Hưng cất lên trong trẻo, réo rắt mê lòng khách đến thăm
Bên bếp lửa hồng, xôi chín thơm mùi nếp nương, tiếng đàn nhị của ông Hưng cất lên trong trẻo, réo rắt mê lòng khách đến thăm

Mới đây có dịp đến thăm nhà ông Kha Văn Hưng ở bản Quang Phúc, xã Tam Đình, huyện Tương Dương (Nghệ An). Lúc đó trời đã dần về trưa. Chưa kịp bước lên cầu thang để vào nhà, thì chúng tôi đã tiếng đàn nhị trong trẻo, réo rắt từ trong căn nhà sàn vọng ra. Ông Hưng dừng chơi đàn đón khách.

Trong không gian gần bếp lửa, ông Hưng chậm rãi kể: Từ hồi nhỏ, ông đã say mê âm nhạc truyền thống của dân tộc mình lắm. Cứ hễ nghe ở đâu có tiếng đàn, tiếng sáo vang lên là ông quên hết mọi việc tìm đến để học. Khoảng 15-16 tuổi ông đã biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ như sáo, khèn bè, nhị, tùng tinh, xí xo, ghi ta...”

Ông kể, khi đó nhà nghèo lắm, không có tiền mua nhạc cụ. Ông phải tự tìm tòi học hỏi cách chế tạo nhạc cụ để sử dụng. Mỗi khi thấy người lớn trong bản vào rừng vót tre, nứa... để làm nhạc cụ là ông lại xin theo. "Tôi nhìn và bắt chước, làm dần dần rồi thành quen tay và thạo nghề".

Ham học hỏi, ông Hưng đã trở thành một người chế tác nhạc cụ xuất sắc, tinh xảo và không kém phần độc đáo ở địa phương. Những nhạc cụ do ông Hưng chế tác đều có âm thanh rất chuẩn. Hầu hết các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thái như sáo, khèn bè, nhị…..ông Hưng đều có thể tự tay chế tác được hết. Nhờ đó, mà ở xã Tam Đình hiện vẫn còn được lưu giữ đầy đủ các loại nhạc cụ truyền thống của người Thái. Điều đặc biệt hơn nữa, ông Hưng còn có khả năng chế tác được những loại nhạc cụ tân tiến như đàn ghi ta, ghi ta điện...

Bên bếp lửa, ông Kha Văn Hưng thực hiện chế tác sáo nhị của đồng bào Thái, giới thiệu với chúng tôi
Bên bếp lửa, ông Kha Văn Hưng thực hiện chế tác sáo nhị của đồng bào Thái, giới thiệu với chúng tôi

Trong quá trình chế tác nhạc cụ, ông Hưng chia sẻ, trong các loại nhạc cụ truyền thống thì làm đàn nhị là cầu kỳ và phức tạp nhất. Bởi, nếu làm không chuẩn, thì âm thanh phát ra khi mình kéo sẽ không hay. Cầu vĩ, trục dây, cần nhị đều phải chế tác tỉ mỉ. Công đoạn khó nhất trong chế tác đàn nhị, đó là làm ống nhị. Đây là 1 bầu cộng hưởng có tác dụng khuếch đại âm thanh của đàn. Ống nhị được làm từ ống dẫn nước bằng nhựa, một đầu ống nhị phải được bịt kín bằng da rắn hoặc da cóc.

Đã làm nhiều nên việc chế tác một số loại nhạc cụ truyền thống đối với ông Hưng cũng không quá khó khăn. Từ những ống tre nứa, ông Hưng chỉ dùng tay hoặc cần một sợi dây là có thể khoan lỗ làm sáo chính xác. Vừa buộc chỉ đầu sáo, ông Hưng vừa chia sẻ: ống nứa được lựa chọn để làm sáo thường không quá già vì sẽ bị nặng tay, lấy non thì bị méo âm.

Với ông Hưng niềm say mê nhạc cụ truyền thống của dân tộc như đã thấm vào máu thịt. Cứ lúc nào rảnh rỗi là ông lại chế tác nhạc cụ, chỉ cho con cháu cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Cứ thế, ngôi nhà sàn của gia đình ông Hưng luôn tràn đầy âm sắc truyền thống của đồng bào Thái.

(CĐ Tương Dương 1): Người “giữ hồn” nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái 2
Với đôi bàn tay kéo léo và tinh thần ham học hỏi, đã giúp ông Hưng đã trở thành một người chế tác nhạc cụ xuất sắc, tinh xảo

Tam Đình là xã có gần 100% đồng bào đồng bào dân tộc Thái sinh sống. Khi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được thực hiện, nội dung “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” ở Dự án 6 được chú trọng thực hiện. Với sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông Kha Văn Hưng trở thành “hạt nhân” trong nhiệm vụ bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Thái ở Tam Đình.

Từ đam mê nhạc cụ, ông Hưng đã thành lập đội nhạc cụ trong bản, do ông làm đội trưởng. Đội nhạc được ông thành lập, với mục đích tập luyện cách sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thái.

 Cùng với đó, đội nhạc cụ do ông Hưng thành lập còn dạy cho thế hệ trẻ cách sử dụng nhạc cụ, những làn điệu dân ca của đồng bào Thái. Từ đó, đã tạo được sự lan tỏa những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ra cộng đồng các bản trong xã.

Ông Kha Văn Hưng dành nhiều thời gian 'thắp lửa"" đam mê âm nhạc truyền thống cho lớp con cháu
Ông Kha Văn Hưng dành nhiều thời gian 'thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái cho lớp con cháu

Nổi tiếng là người đam mê nhạc cụ dân tộc thái từ nhỏ, lớn lên, ông Kha Văn Hưng còn biết sử dụng và chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Nay tuổi đã 60, người đàn ông dân tộc Thái Kha Văn Hưng còn nặng lòng với văn hóa truyền thống của dân tộc mình: “Điều tôi mong mỏi lớn nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình”.

Nhận xét về ông Kha Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình-ông Ngân Văn Nội, cho biết: Ở địa phương, ông Hưng là một trong số ít nghệ nhân vừa biết chế tác, vừa biết sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ, nên được người dân mến phục, ví là người “giữ hồn” nhạc cụ truyền thống của đồng bào Thái ở Tam Đình.

"Đáng kể, ông Hưng còn là người có công trong việc “thắp lửa” đam mê và dìu dắt lớp lớp trẻ biết chế tác, gắn bó với âm nhạc truyền thống dân tộc Thái. Trong nhiều năm qua, bản thân ông Hưng đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào Thái ở địa phương”, ông Ngân Văn Nội nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Giữ rừng đầu nguồn bảo vệ dòng sông Bé

Giữ rừng đầu nguồn bảo vệ dòng sông Bé

Sông Bé có chiều dài 350km, bắt nguồn từ Đắk Nông rồi chảy về các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai. Nhiều năm qua, rừng đầu nguồn được bảo vệ nghiêm ngặt đã điều tiết nguồn nước cho các nhà máy thuỷ điện; đồng thời, tạo nguồn thuỷ sản phong phú và đánh thức nhiều tài nguyên du lịch sinh thái của địa phương.