Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nghịch lý ở những dự án ổn định di cư tự phát: “Làng trong, làng ngoài” (Bài 1)

Lê Hường - 09:53, 09/09/2020

Mặc dù đã có xu hướng giảm nhưng tình trạng di cư tự phát hiện vẫn nóng ở các tỉnh Tây Nguyên, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, gây ra nhiều vấn đề phức tạp về kinh tế - xã hội. Để hỗ trợ đồng bào, Nhà nước cũng như các địa phương đã triển khai nhiều dự án ổn định đời sống, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhưng không phải dự án nào cũng đạt hiệu quả như kỳ vọng.

 Các em nhỏ buôn Mông, xã Ea Kiết phải đi bộ 7 - 8km để đến trường
Các em nhỏ buôn Mông, xã Ea Kiết phải đi bộ 7 - 8km để đến trường


Nhiều ngôi làng của đồng bào DTTS di cư từ các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên nhiều năm nay vẫn đối diện với cảnh nghèo đói, đông con, tảo hôn và thất học. Ngay cả những làng định cư, được Nhà nước cấp đất, làm nhà, có hệ thống đường đẹp, điện chiếu sáng, nước sạch và gần trường học nhưng đời sống người dân cũng chẳng khá hơn.

Làng “chia đôi”

Năm 1993, đồng bào dân tộc Mông ở các tỉnh phía Bắc di cư vào khu vực lõi rừng thuộc lâm phần của Lâm trường Buôn Ja Wầm, xã Ea Kiết, huyện Cư Mgar (Đăk Lăk) quản lý. Lúc đầu chỉ có vài hộ, rồi mỗi năm tăng lên một ít, chẳng bao lâu sau nơi đây hình thành nên buôn người Mông với hàng trăm hộ dân.

Để ổn định đời sống cho các hộ dân di cư ở buôn người Mông, năm 2009 huyện Cư Mgar triển khai dự án quy hoạch tái định cư (TĐC), cách buôn cũ khoảng 7km. Về TĐC, mỗi gia đình được cấp 600m2 đất, được làm sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, trẻ đi học gần, trường lớp khang trang, có điện thắp sáng, có nhà cộng đồng sinh hoạt thể thao, văn hóa…

Tuy nhiên, người dân lại không hào hứng, bởi nhiều gia đình đã có nhà ở, đất sản suất trong rừng, số còn lại nhất quyết bám rừng. Vì vậy, nhiều năm nay, buôn người Mông, xã Ea Kiết chia làm đôi.

Trưởng buôn Hoàng Văn Páo cho biết: Khu TĐC hiện có khoảng 100 hộ, còn hơn 80 hộ thuộc diện dự án tái định cư vẫn sống trong làng cũ. Bà con nói rằng, không có giấy tờ thiệt thòi nhiều, nhưng nhà mình rẫy nương ở đây hết, mất mùa đói ăn lên rừng hái măng, bẫy chim, lấy lan rừng, mật ong tăng thêm thu nhập chứ ra làng ngoài thì chỉ có nhà ở, biết lấy gì mà sống.

“Ngay cả với những hộ TĐC, chủ yếu là gia đình tách hộ, họ nhận đất chỉ để dựng nhà, nhập khẩu, làm giấy khai sinh cho con đi học, còn hằng ngày vẫn vào làng cũ làm rẫy”, ông Páo thông tin.

Nhiều hệ lụy

Chúng tôi tìm vào ngôi làng cũ của đồng bào Mông; làng nằm lọt giữa núi rừng, cách làng mới chừng 7 cây số. Người dân ở làng không có một loại giấy tờ tùy thân nào. Đặc biệt, tình trạng tảo hôn, đông con vẫn còn là vấn nạn nên đói nghèo bám mãi không rời làng cũ.

Hơn 30 tuổi, chị Hà Thị Chang đã có 4 người con, cả 4 đứa con, chị Chang đều sinh tại nhà. Chị Chang chia sẻ: Chồng chị được bà nội truyền kinh nghiệm đỡ đẻ, mình cũng dễ sinh nên chẳng cần ra trạm xá. Ở đây, phụ nữ gần đến ngày sinh vẫn lên rẫy. Trẻ con chẳng học hành nhiều, nhưng lớn lên đứa nào cũng biết trèo cây lấy lan, bắt ong, bẫy chim… nên cũng chẳng sợ đói.

Theo ông Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Ea Kiết, đời sống người dân buôn Mông ở làng cũ rất nhiều khó khăn, không giấy tờ tùy thân nên không thể giao dịch với các cơ quan, đơn vị hành chính. Vậy nhưng, số hộ di cư vào vẫn ngày một tăng lên càng khó khăn trong việc sắp xếp, ổn định đời sống.

Không riêng buôn Mông ở xã Ea Kiết mà ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đăk Lăk) cũng tương tự. Lâu nay, Ea Lang được ví như “làng siêu đẻ” của tỉnh Đăk Lăk, bởi mỗi cặp vợ chồng có 5 - 7 người con. Thôn chỉ có hơn 140 hộ, nhưng có gần 900 nhân khẩu, vị chi bình quân mỗi hộ ở Ea Lang có 6,5 nhân khẩu. Tảo hôn, đông con đã khiến gia tăng tình trạng thất học, nghèo đói khó thay đổi ở Ea Lang.

Căn nhà tranh vách nứa chật chội, tạm bợ của gia đình chị Ngô Thị Dê nằm cuối thôn Ea Lang, trước sân đám trẻ ngồi dưới nền đất chơi đùa, còn chị Dê vừa địu con vừa làm việc nhà. Lấy chồng từ năm 15 tuổi, mới 26 tuổi chị Dê đã là mẹ của 5 đứa con nhỏ. Hai vợ chồng không có đất sản xuất, cả gia đình sống dựa vào tiền công làm thuê của hai vợ chồng.

Những hệ lụy của tình trạng di cư tự phát như ở thôn Ea Lang (xã Cư Pui) hay ở buôn Mông (xã Ea Kiết) đòi hỏi việc triển khai chính sách định canh định cư cần phải phù hợp hơn. Bởi theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước vẫn còn 24.000 hộ dân di cư tự phát (tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên - hơn 22.000 hộ) chưa được bố trí, sắp xếp ổn định. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh vấn đề này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
"Lấp khoảng trống" cho những trái tim non ớt...

"Lấp khoảng trống" cho những trái tim non ớt...

Thiếu cha, vắng mẹ, cuộc sống khó khăn… đường tương lai của những đứa trẻ kém may mắn ở miền sơn cước Tương Dương (Nghệ An) như dài hơn, chông gai và nhọc nhằn hơn. Đáng trân trọng thay, khi đang có rất nhiều em đã được các tổ chức, đoàn thể địa phương nhận đỡ đầu, hỗ trợ bằng cả tinh thần lẫn vật chất, việc làm này đã “lấp đầy khoảng trống” những trái tim non ớt của những đứa trẻ miền sơn cước...