Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Hà Giang: Nỗ lực giảm tình trạng di cư tự phát

PV - 10:03, 02/07/2019

Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp để giảm tình trạng di cư tự phát (DCTP). Trong đó, đặc biệt chú trọng đến giải pháp tăng cường tuyên truyền, giải thích, vận động để các hộ dân ổn định cuộc sống tại địa phương. Đối với những hộ hồi cư, các cấp chính quyền địa phương tổ chức tiếp nhận và tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, lương thực, giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện để họ chuộc lại tài sản đã bán trước khi đi để yên tâm lao động, sản xuất.

Nhằm giảm tình trạng di cư tự phát, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống cho đồng bào các DTTS. Nhằm giảm tình trạng di cư tự phát, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ sinh kế, ổn định cuộc sống cho đồng bào các DTTS.

Nhiều lý do để DCTP

Xã Chiến Phố là một trong những xã vùng cao của huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) từng là điểm nóng về tình trạng DCTP. Thời điểm trước năm 2012, hằng năm đều có trung bình từ 4 đến 5 gia đình trong xã rời địa phương, DCTP đến nơi khác sinh sống.

Như câu chuyện của ông Sùng Vàng Thái (thôn Mỏ Phìn, xã Chiến Phố) hồi năm 2016, để chuẩn bị DCTP vào Đăk Lăk ông đã bán hết ruộng nương, gia súc. Trong suy nghĩ của ông Thái chỉ có miền đất hứa mới đem lại ruộng nương màu mỡ, cuộc sống ổn định mà không lường trước được những hệ lụy mà nó mang lại. Nhưng sau khi được cán bộ xã phân tích, giải thích, thì ông mới hiểu, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên còn phải thắt chặt công tác quản lý đất đai, quản lý rừng, nhiều hộ DCTP vào đó không có đất sản xuất, cuộc sống gặp nhiều khó khăn... “Nghĩ lại, tôi cũng may mắn khi được cán bộ địa phương đến tận nhà, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng trước khi có ý định DCTP. Quả thực, không cần phải đi đâu xa mà chỉ cần ở lại địa phương với quyết tâm vượt khó, chắc chắn cuộc sống sẽ thuận lợi hơn...”, ông Thái chia sẻ.

Không chỉ ở Chiến Phố, tình trạng DCTP còn xuất hiện ở nhiều xã vùng cao khác của tỉnh Hà Giang. Chỉ tính từ năm 2005-2018, toàn tỉnh Hà Giang đã có 956 hộ với hơn 4 nghìn nhân khẩu DCTP đến các tỉnh, dân di cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Mặc dù chính quyền địa phương luôn quan tâm đến vấn đề DCTP, khi nắm được thông tin có hộ dân đang có ý định DCTP, xã đều cử cán bộ xuống phối hợp với chi bộ thôn bản, đến tận nhà nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, số người, số hộ DCTD hằng năm vẫn xuất hiện.

Theo ông Lèng Seo Seng, Chủ tịch UBND xã Chiến Phố cho biết, nguyên nhân của tình trạng DCTP là do đa số các hộ có đông nhân khẩu, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt; trình độ dân trí còn nhiều hạn chế, chưa nhận thức được tác hại của việc DCTP…

Ngăn chặn bằng những giải pháp hiệu quả

Theo ông Lù Quốc Hưng, Trưởng phòng An ninh xã hội (Công an tỉnh Hà Giang) cho biết, trước thực trạng trên, tỉnh Hà Giang xác định nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nắm bắt kịp thời tư tưởng của người dân để sớm giải quyết những vấn đề phức tạp ở cơ sở. Cùng với đó, tỉnh Hà Giang đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội như: Ban hành Đề án quy tụ dân cư giai đoạn 2011-2015 và giai đoạn 2018-2020 của tỉnh.

Theo đó, trong quá trình triển khai, Đề án đã quy tụ được trên 6.000 hộ về nơi ở mới, các hộ sau khi di chuyển đã ổn định cuộc sống, có nhà ở khang trang hơn so với trước. Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn đầu tư xây mới 115 hồ chứa nước sinh hoạt tập trung; giải quyết cấp nước cho khoảng 56 nghìn người; ban hành chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa; giúp 7.000 hộ vay trên 613 tỷ đồng để các hộ vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Bố trí dân cư xen ghép tại các thôn, bản cho 8.000 hộ dân.

Bên cạnh đó, để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, tỉnh Hà Giang đã triển khai xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên với mục tiêu xóa thôn bản “trắng” đảng viên, không có chi bộ. Cụ thể, thôn nào chưa có chi bộ, các xã vùng cao phân công đảng viên là cán bộ, giáo viên luân chuyển về các thôn sinh hoạt, đáp ứng đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ. Từ việc làm nêu trên, chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở được nâng lên, cán bộ các cấp có điều kiện, gần dân, hiểu dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ở cơ sở.

Bằng nhiều cách làm nhằm hạn chế tình trạng DCTP, trong giai đoạn vừa qua số lượng người DCTP đang có xu hướng giảm: Giai đoạn 2005-2010 có 702 hộ với 3.319 khẩu DCTP, đến giai đoạn 2011-2018 chỉ có 254 hộ với 1.124 khẩu DCTP. Trong đó, từ năm 2018 và đầu năm 2019 mới ghi nhận có một hộ DCTP. Ngoài ra, từ năm 2013 đến nay, các địa phương đã đón hơn 50 hộ hồi cư. Các hộ hồi cư đã được chính quyền nơi ở cũ tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở, đất sản xuất để sớm ổn định cuộc sống.

Để giảm tình trạng DCTP, trong thời gian tới, Hà Giang sẽ tập trung giải pháp quy tụ dân cư theo hình thức xen ghép trong giai đoạn 2018-2020 cho gần 4.700 hộ với nhu cầu kinh phí trên 90 tỷ đồng. Vì vậy, tỉnh Hà Giang đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục để Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện, bố trí nguồn vốn để tỉnh sớm hoàn thành các đề án, dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư còn dở dang, tạo điều kiện để người dân yên tâm ở lại nơi ở cũ, hạn chế tình trạng DCTP.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) hoàn thành 79 căn nhà theo Chương trình MTQG 1719

Năm 2024 là năm đánh dấu mốc quan trọng trong hành trình xóa nhà dột nát, nhà tạm tại thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025, khi thị xã đã nỗ lực quyết tâm và đã hoàn thành 100% kế hoạch của cả giai đoạn. Qua đó, giúp người nghèo, người yếu thế có thêm điểm tựa vươn lên trong cuộc sống.