Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Ngôi nhà thứ hai của học sinh dân tộc thiểu số

Nghĩa Hiệp - 11:32, 08/05/2021

Những ngôi trường phổ thông dân tộc bán trú trên địa bàn huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đều có đầy đủ không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi, khu vực bếp, phòng ăn, khu vệ sinh... Trường học đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của các em học sinh người DTTS vùng cao.

Phòng học, bếp ăn, khu vui chơi, phòng nghỉ... được đầu tư đồng bộ, giúp học sinh có môi trường học tập gần gũi, thân thiện.
Phòng học, bếp ăn, khu vui chơi, phòng nghỉ... được đầu tư đồng bộ, giúp học sinh có môi trường học tập gần gũi, thân thiện.

Hình ảnh phụ huynh người DTTS đưa con đến trường vào mỗi ngày thứ 2 đầu tuần và đón con về dịp cuối tuần hơn 1 năm trở lại đây đã không còn xa lạ với huyện vùng cao Bình Liêu.

Chị Phùn Nhì Múi, dân tộc Dao, khu Khe Và (xã Tình Húc cũ) cho biết: “Trước đây, mỗi ngày con tôi đi học phải tự đi bộ 7km, những hôm trời mưa gia đình không đưa đi được nên hay cho con nghỉ học. Kể từ ngày có trường bán trú, con được học tập và ăn nghỉ cả tuần ở trường, cuối tuần mới trở về với gia đình. Nhờ vậy, việc học tập của con không bị gián đoạn, con học cũng khá hơn hẳn do có các thầy, cô trực tiếp kèm cặp cả ngày”.

Tại Trường Tiểu học Tình Húc, cũng như nhiều trường PTDT khác trên địa bàn huyện Bình Liêu đều được đầu tư đồng bộ, tiện nghi, từ không gian học tập, sinh hoạt, vui chơi được bố trí bảo đảm diện tích nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh bán trú tại trường.

Theo thầy giáo Chu Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tình Húc cho biết: “Trường đã chủ động cân đối nguồn thu, chi, vận động xã hội hóa tạo các khu vực thể dục thể thao, khu chơi các trò chơi dân gian, sinh hoạt văn nghệ, tăng gia sản xuất... để học sinh được vui chơi, giải trí sau giờ học chính khóa. Từ đây, tạo điều kiện cho học sinh tham gia nhiều hoạt động, giúp mở rộng nhận thức xã hội, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp, biết chia sẻ với bạn bè, thầy cô. Về kỹ năng tự học, sau giờ lên lớp, từ 19h - 21h00 mỗi tối các thầy, cô là giáo viên chủ nhiệm các lớp tự nguyện thay phiên nhau đến trường hướng dẫn các em chủ động ôn luyện nắm vững kiến thức trên lớp. Trung bình mỗi năm, nhà trường đón từ 35 - 45 học sinh bán trú tuần”.

Những năm qua, việc tinh giản bộ máy biên chế, với trọng tâm là sắp xếp lại các trường, điểm trường lẻ và đưa toàn bộ học sinh lớp 4, 5 về học tại các điểm trường chính đã được huyện Bình Liêu đẩy mạnh. Mô hình trường bán trú đã cho thấy những hiệu quả rõ rệt, khi tỷ lệ chuyên cần của học sinh đạt 100%, không còn việc giáo viên phải đến nhà vận động học sinh ra lớp sau mỗi kỳ nghỉ hè, nghỉ tết. Năm học 2020 - 2021, huyện Bình Liêu có 8 trường bán trú tiểu học, trong đó có 7 trường bán trú tuần, 1 trường bán trú ngày với tổng số gần 500 em học sinh ở bán trú.

Theo ông Vi Tiến Vượng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Liêu cho biết: “Huyện Bình Liêu xác định công tác bán trú là nhiệm vụ quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Huyện đã tổ chức cuộc thi: Mô hình bán trú - Mái nhà chung của học sinh vùng cao; Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực. Nhờ những cuộc thi này, nhiều trường đã đẩy mạnh huy động nguồn lực để tạo môi trường học tập, nâng cao cơ sở vật chất, tạo ra một không gian trường học gần gũi, lành mạnh cho các em học sinh”.

Em Trần Thị Phượng, dân tộc Sán Chỉ, học sinh lớp 5B, Trường Tiểu học Húc Động (xã Húc Động) cho biết: “Ở xã em có rất đông người dân tộc Sán Chỉ, việc hát Soóng Cọ đã trở thành thứ không thể thiếu đối với dân tộc em. Trường em mới thành lập CLB hát Soóng Cọ dành cho các bạn học sinh ở bán trú tại trường. Chúng em đang cố gắng tập luyện để biểu diễn tại Hội Soóng Cọ năm nay. Em mong muốn sau này sẽ trở thành cô giáo dạy nhạc, để tiếp nối những giai điệu dân tộc mình cho thế hệ tương lai”.

Chính tại những ngôi trường thân thiện này, các thầy, cô vừa là giáo viên, vừa là cha là mẹ của học sinh. Bên cạnh những giờ học, các thầy, cô còn dành nhiều thời gian để chăm sóc, quan tâm học sinh từ mỗi bữa ăn, giấc ngủ, đồng thời hướng dẫn các em giữ gìn văn hóa dân tộc trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Những hoạt động này không chỉ góp phần thay đổi những tập tục lạc hậu mà còn giúp gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, đồng thời, góp phần xây dựng môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, tăng sự gắn kết giữa thầy cô, giúp đưa trường học trở thành mái nhà ấm áp của các em học sinh người DTTS trên vùng cao Quảng Ninh.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.