Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Ngổn ngang… sau lũ

Thanh Nguyễn - 19:22, 24/10/2020

Ngổn ngang rác, bùn đất, cây cối ngả nghiêng một màu bạc thếch; sách vở, bàn ghế chỏng chơ giữa nền nhão nhoét bùn lầy… tất cả bấy nhiêu chưa thể nói hết mức độ, hậu quả do mưa lũ để lại. Những đứa trẻ chưa biết bao giờ trở lại trường lớp, công tác giảng dạy ở các trường vùng lũ ở miền Trung chắc sẽ phải gián đoạn rất lâu…

Điểm trường Pa Nho, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngổn ngang sau bão lũ
Điểm trường Pa Nho, Trường Tiểu học số 1 thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) ngổn ngang sau bão lũ

Căng mình dọn trường

Chiều 18/10, mưa trắng trời, hồ Kẻ Gỗ thông báo xả lũ khiến người dân các xã hạ du ở huyện Cẩm Xuyên, huyện Thạch Hà, TP. Hà Tĩnh (Hà Tĩnh)… nháo nhác, bất an. Chập tối, nước đã lênh láng, người dân tất bật sơ tán chạy lũ trong đêm. Nằm dưới quả “bom nước” Kẻ Gỗ, Trường Mầm non Cẩm Mỹ, xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên) là một trong những trường thiệt hại nặng.

Trưa 22/10, chúng tôi đến Trường Mầm non Cẩm Mỹ khi lũ đã rút. Trên sân trường, trong mỗi lớp học, sách vở, đồ dùng dạy học, bàn ghế lấm lem, ngổn ngang. Cô Phan Thị Ánh Điệp, Hiệu trưởng thở dài: Nước lên nửa nhà, sách vở đồ dùng học sinh, ướt hết, hư hết cả rồi. Sau lũ, các cô giáo đang dọn dẹp bùn đất thì có thêm cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh đến hỗ trợ nên đỡ vất vả. Chúng tôi đang không biết kiếm đâu ra khoảng 300 triệu đồng để khắc phục hậu quả.

Còn tại Trường Tiểu học Cẩm Thành, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, thầy Thái Biên Cương, Hiệu trưởng lắc đầu: “Đến cuối ngày 22/10, nước trong sân trường vẫn ngập ngang đầu gối. Ở đây, nhiều nhà của các thầy, cô cũng đều ngập nhưng giáo viên đang phải bỏ việc nhà, lo dọn dẹp ở trường để sớm ổn định việc học sau lũ cho học sinh. Tính ra thiệt hại cũng đã lên đến 500 triệu đồng”.

Giáo viên Trường Mầm non Cẩm Mỹ (Hà Tĩnh) tất bật phơi tài liệu, đồ dùng học tập
Giáo viên Trường Mầm non Cẩm Mỹ (Hà Tĩnh) tất bật phơi tài liệu, đồ dùng học tập

Ông Nguyễn Văn Thông, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Quảng Bình cho biết: Cả tỉnh có đến 334 trường, 3.000 phòng học và chức năng bị ngập nặng với thiệt hại khoảng 370 tỷ đồng. Việc dọn dẹp, khắc phục hậu quả rất khó khăn, vất vả. Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh, xin hỗ trợ ngày công từ các lực lượng để khẩn trương dọn dẹp nhưng chưa xong.

Chưa biết bao giờ mở lớp!

Đứng giữa ngổn ngang, đổ nát sau mưa bão, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) Lê Văn Quảng buồn bã: “Điểm trường Pa Nho có 3 lớp học với 84 học sinh người dân tộc Bru Vân Kiều đã bị đổ sập hoàn toàn bờ bao, trôi hết bàn ghế, đồ dùng, thiết bị dạy học. Lấy đâu chỗ dạy học cho trẻ ngay bây giờ. Năm học này lại vất vả. Lo lắm nhưng chưa biết tính sao”.

Đồ dùng phục vụ dạy học ngổn ngang tại Trường Mầm non Cẩm Mỹ (Hà Tĩnh)
Đồ dùng phục vụ dạy học ngổn ngang tại Trường Mầm non Cẩm Mỹ (Hà Tĩnh)

Đợt mưa lũ lớn vừa qua đã nhấn chìm hàng ngàn trường học với rất nhiều phòng học xuống biển nước. Theo đó, đã có một lượng lớn đồ dùng dạy học và học liệu bị hư hỏng nặng. Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Nhiều trường sẽ còn mất rất nhiều thời gian cho công tác vệ sinh, dọn dẹp sau lũ nên sẽ rất lâu nữa mới có thể học được. Chúng tôi đã chỉ đạo các trường phải bảo đảm an toàn mới được mở lại trường.

Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thành xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hối hả phơi phơi đồ dùng dạy học sau lũ
Giáo viên Trường Tiểu học Cẩm Thành xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hối hả phơi phơi đồ dùng dạy học sau lũ

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Bình cũng cho biết thêm: Hiện, nhiều trường vẫn chưa khắc phục, dọn dẹp xong nên rất khó để ổn định việc học sau lũ sớm. Ngành đã chỉ đạo các trường phải vệ sinh, tiêu độc khử trùng, bảo đảm thật an toàn mới tổ chức dạy học…

Chạy lũ rồi căng mình dọn dẹp sau lũ có lẽ là câu chuyện muôn đời ở vùng rốn lũ. Nhìn từ thực tế hiện nay, ngành Giáo dục các tỉnh miền Trung đang rất khó khăn vượt qua mất mát, thiệt hại nặng nề này để đưa hoạt động dạy và học trở lại bình thường.