Hai tháng đầu năm 2019 đã đi qua, ngư dân các tỉnh ven biển đem về những niềm vui mới. Từ những cảng cá ở miền Bắc vào đến duyên hải miền Trung, rồi vào miền Tây Nam bộ, những chiếc tàu đánh bắt xuyên Tết đã cập bờ đầy ắp tôm cá.
Tại Bình Định, đến thời điểm này, gần 1.200 tàu cá xa bờ của ngư dân đánh bắt xuyên Tết trên biển đã lần lượt cập bờ với sản lượng đánh bắt vượt trội. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh cho thấy, chỉ trong 2 tháng đầu năm, sản lượng thủy sản khai thác đạt khoảng 17.000 tấn, trong đó tập trung chủ yếu khai thác cá ngừ đại dương, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Niềm vui đón “lộc biển” cũng đến với ngư dân tỉnh Bạc Liêu. Ước tính đến cuối tháng 2/2019, tổng sản lượng khai thác của tỉnh đạt hơn 7.600 tấn, trong đó có 845 tấn tôm mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương hàng chục tỷ đồng.
Còn ở Quảng Bình, những ngày đầu năm mới 2019, ngư dân các xã biển thực sự vui mừng khi có những chuyến đi biển đầy may mắn, trúng đậm cá trích, cá cơm và cá khoai. Theo ước tính của Sở NN&PTNT của tỉnh, năm 2019 này, Quảng Bình sẽ đạt sản lượng khai thác thủy sản trên 70.000 tấn.
Đặc biệt, đồng hành cùng với ngư dân, các lực lượng chức năng của các địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân yên tâm bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, công tác tuyên truyền về ranh giới biển và vùng khai thác cho các tàu khai thác xa bờ được chú trọng; tổ chức cho ngư dân ký cam kết không vi phạm vùng biển các nước trong khu vực, không sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản và các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Theo đó, sản lượng khai thác hải sản, số lượng tàu thuyền hoạt động, lực lượng thuyền viên tại các địa phương thường xuyên được nắm bắt. Các hoạt động khai thác thủy sản trên biển được kiểm tra, kiểm soát, xử lý trường hợp vi phạm; tiếp tục triển khai cấp sổ và hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng ghi nhật ký khai thác thủy sản; cấp giấy chứng nhận khai thác thủy sản cho các tàu cá phục vụ chế biến xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Đây là một nỗ lực rất lớn để tái cấu trúc nghề cá Việt Nam, khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC). Trước đó, ngày 23/10/2017, EC đã “rút “thẻ vàng” đối với nghề cá Việt Nam do tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU). EC đã chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục như trang thiết bị trên tàu cá, không vi phạm hải phận nước ngoài. Tiếp đến là thay đổi tập quán đánh bắt khai thác tự nhiên sang khai thác có trách nhiệm từ khai báo, sổ sách, ngư trường, bất cập về cơ sở hạ tầng từ bến cảng, khu neo đậu...
Theo kế hoạch thì EC sẽ kiểm tra nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” vào tháng 01/2019. Nhưng mới đây, thông tin chính thức của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, cuộc kiểm tra này sẽ được lùi vào tháng 5/2019. Cũng vì bị rút “thẻ vàng” mà trong năm 2018, ngành thủy sản xuất khẩu sang thị trường châu Âu giảm từ 30 - 50%, do nguyên liệu được xác nhận nguồn gốc rất ít, vì ngư dân không có nhật ký đánh bắt…
Với sự nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Việt Nam đã “nội luật hóa” các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU vào Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn để bảo đảm Luật có hiệu lực thi hành vào năm 2019. Công tác tuyên truyền, vận động ngư dân cũng đã được các cấp, các ngành, địa phương tích cực triển khai; nhận thức của ngư dân về IUU đã có nhiều chuyển biến tích cực…. Tất cả đang hướng tới mục tiêu trước mắt là gỡ “thẻ vàng” của EC, về lâu dài là tái cấu trúc nghề cá theo hướng hiện đại.
KHÁNH THI