Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Ngược cao nguyên uống trà cổ Sà Dề Phìn

Hà Minh Hưng - 08:50, 01/05/2023

Sà Dề Phìn là một xã vùng cao thuộc huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, địa danh được ví như “Sa Pa” thứ hai. Nằm ở độ cao gần 1.700 m so với mực nước biển, Sà Dề Phìn có khí hậu ôn hòa, mát mẻ phù hợp cho du khách đến nghỉ dưỡng và tham quan. Điều thú vị níu chân du khách tới đây là được thưởng thức hương vị chè cổ.

Thời gian tới, thực hiện Đề án của huyện Sìn Hồ, xã Sà Dề Phìn sẽ mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn
Thời gian tới, thực hiện Đề án của huyện Sìn Hồ, xã Sà Dề Phìn sẽ mở rộng vùng chè cổ thụ, hướng tới hình thành vùng du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn

Khi những ánh nắng ban mai rọi xuống thành các tia ray hình rẻ quạt xuyên qua những thân chè cổ cao vút, khung cảnh trở nên huyền diệu rất đẹp mắt. Nếu như những rừng chè cổ ở Lai Châu như: Mồ Sì San (huyện Phong Thổ), Tả Lèng (huyện Tam Đường), Hô Tra (huyện Tân Uyên) để lên đến nơi, ít nhất phải leo núi mất nửa ngày đường, thì rừng chè cổ Sà Dề Phìn lại nằm ngay phía sau những dãy nhà thưng ván, có mái đá đen óng màu thời gian. Điều này dễ hiểu, vì Sà Dề Phìn ở phía trên cao nguyên Sìn Hồ.

Bản Sà Dề Phìn có số lượng chè cổ nhiều nhất xã. Trưởng bản Sùng Vàng Páo đón tôi bằng bát trà xanh mát lịm sau một quãng đường cuốc bộ. Rồi Trưởng bản Páo dẫn chúng tôi tham quan bản, trao đổi với các hộ dân đang sở hữu những “kho báu xanh” mà thiên nhiên ban tặng. Nhấp ngụm trà xanh mát, Sùng Vàng Páo chia sẻ: “Sà Dề Phìn là vùng đất được thiên nhiên ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm. Vùng đất này là cái nôi nuôi dưỡng những giá trị văn hóa bản địa của người Mông, như Lễ hội Gầu Tào, các trò chơi dân gian, nơi có những nếp nhà truyền thống người Mông còn được lưu giữ. Sà Dề Phìn một thời còn là vùng đất hoạt động của du kích trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp giải phóng huyện Sìn Hồ…”.

Tại đây, chúng tôi gặp Mùa Trù Sinh, anh nở nụ cười tươi rói. Nghe bà con nơi này kháo, Sinh là người giàu nhất bản. Hiện, gia đình anh quản lý hơn 500 gốc chè cổ, chưa kể hàng ngàn cây chè nhỡ đang phát triển sau mỗi mùa quả rụng: “Rừng chè này có từ rất lâu, thời ông cha mình đã có rồi. Ngày trước, mỗi đận (lần) đi nương, bố mình thường nghỉ chân hái búp chè nhâm nhi cho đỡ khát. Khi về không quên hái nắm lá về hãm nước uống. Dần dần đã quen thứ nước có vị chan chát. Trước khi về với tổ tiên, bố dặn không được chặt phá những cây chè, nó là thứ quý tổ tiên để lại. Cây chè không chỉ cho trà uống, những cây chè còn để giữ nước, giữ rừng đầu nguồn đấy…”, Mùa Trù Sinh tâm sự.

Thưởng thức vị trà cổ Sà Dề Phìn với “người giàu nhất bản” Mùa Trù Sinh
Thưởng thức vị trà cổ Sà Dề Phìn với “người giàu nhất bản” Mùa Trù Sinh

Thực hiện Đề án Phát triển vùng chè tập trung chất lượng cao, Sà Dề Phìn là địa phương nằm trong vùng có cây chè cổ quý. Cùng với việc phát triển là công tác bảo vệ khu bảo tồn chè cổ thụ, gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Rồi Mùa Trù Sinh đưa chúng tôi lên thăm rừng chè cổ, dẫu mặt trời đã ngả, nhưng nơi đây vẫn bảng lảng sương mù. Trước mắt chúng tôi hiện ra bạt ngàn những gốc chè cổ rêu phong, ẩn hiện trong mây núi. Nghe người già nơi đây kể, vào những thập niên đầu của thế kỷ trước, người Pháp đã khảo sát và cho trồng thứ cây quý này rồi. Mùa Trù Sinh lần lượt giới thiệu với chúng tôi về cây chè cổ có niên đại hàng trăm năm tuổi. Nay, những thân chè có đường kính cả người ôm đã được các cơ quan chuyên môn đánh dấu, ghi tên bằng sơn đỏ và đưa vào hồ sơ của ngành Văn hóa. Được biết, hiện tại Công ty chè Tam Đường đang thu mua búp chè tươi với giá 100.000 đồng/kg.

Cụ bà Sùng Thị Sếnh hằng ngày có thói quen đi đâu cũng không quên mang bên mình chiếc bình tông nước trà rừng để nguội. Năm nay, ở tuổi ngoài 80 mà đôi chân cụ vẫn leo rừng hàng tuần, đôi mắt cụ còn tinh anh lắm. Cụ kể: “Từ ngày nhìn thấy mặt trời, ta chỉ uống một thứ nước duy nhất là trà rừng Sà Dề Phìn thôi”. Mời chúng tôi bát nước chè xanh, cụ bày tỏ: “Ngày trước, lá chè chỉ để dân bản hái về uống nước hay tắm cho trẻ. Nay có người ở tỉnh vào mua búp chè tươi, bà con trong bản cũng có đồng ra, đồng vào. Già vui lắm! Cái chân không yên. Thấy con cháu ríu rít lên rừng hái chè là già cũng lù cở trên lưng và cây gậy leo núi cùng con cháu. Vị chè cổ ở đây có vị chát đậm, nước xanh, hương thơm và có vị rất riêng so với các nơi khác. Ông bà ta ngày trước vẫn nói, uống chè ở đây chữa được nhiều bệnh…”.

Để “mục sở thị” cách người dân địa phương hãm thứ lá rừng kia như thế nào, chúng tôi về bản Sà Dề Phìn thưởng thức trà xanh do chính tay bà con nơi đây hãm nước. Bếp lửa nhen lên, khi lá chè cho vào ấm, tôi đã cảm nhận được mùi hương thơm rất quyến rũ. Đó là mùi phảng phất của lá chè rừng đặc trưng, một mùi hương riêng có. Nếu ai đã một lần nhấp chén trà nơi đây sẽ khó quên được cái vị ngọt mát, nhẹ nhàng xông lên mũi, một mùi hương thoảng quện trong màu xanh sóng sánh, tinh khiết. Thường đối với trà cổ thụ nước sẽ vàng, nhưng nước của trà Sà Dề Phìn thì lại rất xanh tươi, nhìn thật đẹp mắt. Đưa chén trà lên mũi đã thấy mùi thơm thoảng, một vị ngọt mát lan tỏa trong vị giác, đậm đà dư vị khó quên…

Xã Sà Dề Phìn có 4 bản, dân số hơn 2.100 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Mông, Dao chiếm khoảng 98%. Xã được chia làm 2 vùng, vùng thấp và vùng cao, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Từ bao đời nay, người dân Sà Dề Phìn vẫn tự hào có thứ trà rừng thơm nức tiếng. Vùng chè cổ Sà Dề Phìn hiện có hơn 1.000 gốc. Có cây chè cao từ 5 - 6m, thân chè bằng 2 người ôm, thân cây được bao phủ bởi những lớp rêu mốc thếch ngả màu thời gian. Mỗi năm, vùng chè cổ Sà Dề Phìn thu hút hàng nghìn lượt khách về tham quan, tìm hiểu nét văn hóa của người dân địa phương”.

Tin cùng chuyên mục
Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Tu Mơ Rông (Kon Tum): “An cư lạc nghiệp” nhờ chính sách cho vay xây dựng nhà ở

Thực hiện Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) đã triển khai cho hơn 1.233 hộ đồng bào DTTS vay để sửa chữa và xây dựng nhà ở kiên cố. Qua đó, giúp đồng bào DTTS an cư và yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo.