Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người có uy tín – “Bức tường thành” giữ bình yên bản làng

An Yên - 15:51, 15/10/2023

Trong câu chuyện trên nương, trên rẫy, chúng tôi được nghe nhiều về những tấm gương Người có uy tín ở vùng cao biên giới huyện Tương Dương (Nghệ An) cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra đảm bảo an ninh biên giới; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; là đầu tàu gương mẫu phát triển kinh tế và vận động bà con dân bản xóa đói, giảm nghèo… Tôi chợt nhận ra rằng: họ chính là “bức tường thành”, là điểm tựa góp phần cho thế trận lòng dân thêm vững chắc, để bản làng ngày một bình yên hơn.

Đời sống người dân bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương ngày càng thêm đổi mới
Đời sống người dân bản Huồi Pủng, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương ngày càng thêm đổi mới

Về hưu… vẫn không nghỉ

Ấy là câu chuyện của ông Kha Văn Tuấn (sinh năm 1961) ở bản Na Hang, xã Mai Sơn, Tương Dương. Từng là Bí thư Đảng ủy xã, nhưng khi đã nghỉ hưu rồi, ông Tuấn vẫn được bà con dân bản tín nhiệm bầu chọn là Người có uy tín bản Na Hang, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Mai Sơn.

Trò chuyện cùng chúng tôi, ông Tuấn tâm sự: Bà con tín nhiệm thì mình phải làm thôi, phải nỗ lực cố gắng hơn để không phụ lòng tin tưởng ấy.

Từ những nỗ lực của ông Tuấn, bà con bản Na Hang, xã Mai Sơn đã ý thức hơn trong gìn giữ và bảo vệ môi trường xanh sạch, gìn giữ tình đoàn kết láng giềng, có ý thức bảo vệ rừng. Đặc biệt, là xã giáp biên, thế nên Mai Sơn không tránh khỏi tình trạng buôn lậu, mua bán người, buôn bán ma túy, vượt biên trái phép… 

“Qua các cuộc họp thôn bản, cũng như đi nương làm rẫy, tôi đã giải thích và tuyên truyền để người dân hiểu rõ rằng: là một công dân tốt thì mình phải làm gì; rồi trách nhiệm của bản thân đối với bản làng, với tổ quốc là gì. Nhờ thế, bà con đã nêu cao ý thức kiên quyết đấu tranh phòng chống các loại tội phạm như trộm cắp, buôn bán trái phép qua biên giới, buôn bán người, đấu tranh phản bác mọi luận điệu xuyên tác chống phá Đảng, Nhà nước, truyền đạo trái phép…”, ông Tuấn tâm sự.

Ông Kha Văn Tuấn (sinh năm 1961) ở bản Na Hang, xã Mai Sơn, Tương Dương trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng
Ông Kha Văn Tuấn (sinh năm 1961) ở bản Na Hang, xã Mai Sơn, Tương Dương trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng

Cũng chính lời ông Tuấn, chúng tôi được biết: 100% học sinh trong độ tuổi đều được đến trường học cái chữ. Hộ nghèo và cận nghèo thì giảm rất nhanh, từ 96% năm 2018 thì nay đã giảm còn hơn 62,96%. Tỷ lệ hộ gia đình văn hóa của bản hiện đạt 88,8%.

Ở bản Na Tổng, xã Tam Thái (Tương Dương), người dân bản Thái nơi đây cũng đã dành cho ông Nguyễn Trọng Tân niềm quý mến, tin yêu đặc biệt.

Từng là cán bộ xã, năm 2014, ông Tân nghỉ hưu về sinh hoạt tại địa phương. Nhưng, người dân trong bản không thấy ông ngơi tay, ngơi chân. Trong những cuộc họp thôn bản, ông Tân đã có những ý kiến đóng góp trách nhiệm và hiệu quả. Nhận thấy người đàn ông này còn nhiều tâm huyết và trăn trở, nhân dân đã bầu chọn ông là người có uy tín của bản Na Tổng, xã Tam Thái.

Ông Tân kể: Từ kinh nghiệm đã từng làm việc, từ các cuộc tập huấn, gặp mặt ở huyện, ở tỉnh, tôi đã cập nhật kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói giảm nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi, tình hình thời sự… Từ đó, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân.

Vườn rau bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương từ lâu là nơi cung cấp nguồn rau sạch cho người dân toàn huyện
Vườn rau bản Na Tổng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương từ lâu là nơi cung cấp nguồn rau sạch cho người dân toàn huyện

Từ những cuộc bất hòa, mâu thuẫn trong bản; đến việc đưa chủ trương, chính sách mới về với bản làng… ông Tân đã kiên trì vận động, thuyết phục mọi người thực hiện trên tinh thần nêu gương, gắn trách nhiệm của bản thân. Chẳng thế mà, từ một bản nghèo khó, người dân quanh năm chỉ biết phát nương làm rẫy, nhưng đến nay, bản Na Tổng đã toát lên một diện mạo mới khi trong bản có nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo; xuất hiện các mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Hiện nay, ở bản đã hình thành mô hình trồng rau sạch 2,7 ha với 20 hộ tham gia; tăng quy mô và tổng đàn chăn nuôi lợn thịt; áp dụng kỹ thuật vào sản xuất 2 vụ lúa hơn 100 ha đem lại năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Đặc biệt, ông Tân đã vận động nhân dân trồng sắn cao sản bước đầu cho năng suất cao; mô hình trồng ổi, thanh long, mô hình ươm cá giống, nuôi vỗ béo trâu, bò, lợn… cho bà con thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/hộ/năm.

Nêu gương Người uy tín để… xóa những “điểm nóng”

Nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm, sự tin tưởng của người dân, Người có uy tín ở huyện Tương Dương ngoài việc tích cực phối hợp các thành viên Ban Quản lý bản, đảng viên trong chi bộ, các ban ngành, đoàn thể cấp xã bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động Nhân dân trong bản phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa, đẩy lùi các tệ nạn…và luôn nêu gương, đi đầu trong các phong trào hoạt động để người dân tin tưởng làm theo.

Tổ công tác bản Phá Lõm, xã Tam Hợp kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn
Tổ công tác bản Phá Lõm, xã Tam Hợp kiểm tra tình hình an ninh trật tự trên địa bàn

Trưởng bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, Xồng Bá Chớ cũng là Người có uy tín ở bản người Mông này. Ông Chớ nói: Bản ta có 2 dòng họ người Mông cùng sinh sống gồm họ Xồng và họ Lầu. Nhiều Người có uy tín trong hai dòng họ, là những đảng viên được bà con tin cậy. Dưới sự dẫn dắt, vận động của các đảng viên đó, bà con đã đồng lòng dẹp bỏ những hủ tục lạc hậu, không nghe lời kẻ xấu xúi giục, mà thi đua phát triển kinh tế, gìn giữ bản làng no ấm.

Ông Chớ cho hay, trước đây, Phá Lõm từng là “điểm nóng” về ma túy, thì nay tệ nạn này đã được xóa bỏ, các đối tượng nghiện cũng đã được lập danh sách cai nghiện để tái hòa nhập cộng đồng. Giải pháp chính mà địa phương áp dụng, là nêu gương sáng, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của những Người có uy tín, già làng, trưởng bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để ngăn ngừa vi phạm từ trong tư tưởng, ý thức từng người dân. Ngoài việc đến tận nhà, ra tận chòi rẫy, thì chúng tôi còn tuyên truyền qua các buổi sinh hoạt họp bản, họp các chi hội đoàn thể.

Già làng Mong Sơn Tình, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương
Già làng Mong Sơn Tình, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương

Ở bản Pùng Ka Mong,  xã Lượng Minh (Tương Dương) nơi chủ yếu là đồng bào Khơ Mú sinh sống, ông Mong Sơn Tình, Người có uy tín của bản, được nhìn nhận là cánh chim đầu đàn của bà con người Khơ Mú nơi đây. Ông còn là tấm gương sáng được bà con nể phục bởi luôn nói điều hay, làm điều tốt.

Lượng Minh từng là điểm nóng về mất an ninh trật tự do tệ nạn ma túy. Một thời nhắc đến Lượng Minh, nhiều người đã rất ngán ngẩm. Chưa kể, là vùng đất hầu như năm nào cũng chịu tác động khi thủy điện bản Vẽ xả nước. 

Ở địa bàn ấy, cũng như bao nhiêu người dân khác, ông Tình đã phải chịu rất nhiều phiền toái. Là dân di cư từ dự án thủy điện bản Vẽ, khi đến vùng đất này định cư, ông Tình đã đặt ra mục tiêu lớn là cùng bà con dân bản và các cấp chính quyền đem lại bình yên cho bản làng để bà con yên ổn làm ăn, phát triển kinh tế. Ông còn là cầu nối quan trọng để bà con kiến nghị, phản ánh những thiệt hại do thủy điện xả nước gây ra… để những bức xúc, băn khoăn của bà con Khơ Mú không trở thành “điểm nóng”. 

Ông Tình trải lòng: Tôi được bà con tín nhiệm, nên thường xuyên vận động bà con tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương, thực hiện và chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau những lúc khó khăn, nhất là trong vấn đề thiên tai lũ lụt. Điều đặc biệt, bản đã không có người nghiện ma túy, không có người tham gia buôn bán ma túy.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.