Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người có uy tín nặng lòng với văn hóa dân tộc

Hoài Dương - 10:45, 25/09/2019

Dù đã ở tuổi 65 nhưng Người có uy tín Triệu Văn Tâm, dân tộc Dao, xã Tân Sơn, huyện Mai Châu (Hòa Bình) vẫn luôn hăng hái, tích cực trong công tác gìn giữ, bảo tồn tiếng nói và chữ viết dân tộc Dao.

Người có uy tín nặng lòng với văn hóa dân tộc

Người có uy tín Triệu Văn Tâm phát biểu trong buổi gặp mặt Đoàn đại biểu Người có uy tín tỉnh Hòa Bình tại Ủy ban Dân tộc.

Ông Triệu Văn Tâm từng giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Tân Sơn liên tục 3 khóa, từ năm 1996 đến năm 2014. Năm 2016, sau khi nghỉ hưu, ông được tín nhiệm bầu làm Người có uy tín của xã Tân Sơn, một trong những xã ĐBKK của huyện Mai Châu.

Theo ông Tâm, trong văn hóa tín ngưỡng, mỗi gia đình người Dao, đều có một cuốn gia phả. Cuốn gia phả này ghi chép đầy đủ lý lịch cũng như vai trò và công đức của tổ tiên, ông bà, cha mẹ và mộ phần của gia đình hay dòng họ.

“Cuốn gia phả này được viết bằng chữ Nôm Dao. Do đó, nếu không học thì sẽ không viết và không đọc được sách. Ngoài gia phả, các sách về lễ nghi của dân tộc Dao cũng đều được ghi chép lại bằng chữ Nôm Dao”, ông Tâm cho hay.

Trăn trở khi chữ Nôm Dao đang dần trở nên xa lạ với giới trẻ và có nguy cơ mai một, ngay khi còn đương chức ông Tâm đã nỗ lực sưu tầm các cuốn sách, tư liệu được viết bằng chữ Nôm Dao từ làng xóm, từ các cụ cao tuổi, thậm chí là từ những vùng khác cũng có dân tộc Dao như Sơn La, Cao Bằng, Lào Cai…

Tháng 6/2010, trong quá trình tìm hiểu về văn hóa dân tộc, ông Tâm được anh Hà Văn Thiệp là cán bộ Trung tâm Học tập cộng đồng giới thiệu và trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số (viết tắt là VTIK).

Ông Tâm bảo: “Từ khi tham gia VTIK, biết và hiểu về mục đích của mạng lưới nên ngày càng thôi thúc tôi muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình, nhất là chữ Nôm Dao, để thế hệ sau hiểu sâu được văn hóa của chính dân tộc mình”.

Nghĩ là làm, đầu năm 2011 ông Tâm làm tờ trình đề xuất UBND huyện Mai Châu mở lớp dạy chữ Nôm Dao. Tháng 3/2012, UBND huyện chấp thuận và có công văn cho mở lớp dạy chữ Nôm Dao tại Trung tâm Học tập cộng đồng xã Tân Sơn, với thời gian mỗi khóa học là 9 tháng.

“Khóa học đầu tiên được khai giảng ngày 10/4/2012 với 85 học viên. Kết thúc khóa học có 55 học viên biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao và được cấp chứng chỉ”, ông Tâm cho biết.

Là 1 trong 55 học viên hoàn thành khóa học và được cấp chứng chỉ, anh Bàn Văn Tài, 23 tuổi tại xóm Tam Hòa, xã Tân Sơn cho biết: “Tôi theo học từ ngày đầu tiên. Càng học tôi càng cảm thấy văn hóa dân tộc mình rất phong phú, đầy tính nhân văn và có sự lồng ghép giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống. Khi biết đọc chữ Nôm Dao tôi cũng có thể xem lịch vạn niên, rồi xem tiết trời để gieo cấy mùa vụ cho phù hợp”.

Trải qua hành trình 7 năm, kể từ khi mở khóa học đầu tiên, đến nay, lớp học chữ Nôm Dao đã mở được 7 khóa, dạy được cho khoảng 210 học viên từ 18 đến 45 tuổi.

Không chỉ hăng hái, tích cực trong công tác gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc mà với vai trò Người có uy tín, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM), ông Tâm còn tích cực vận động người dân đóng góp xây dựng NTM ở địa phương. Nhờ sự tích cực của Người có uy tín Triệu Văn Tâm, 314 hộ dân xã Tân Sơn mỗi gia đình đều đã góp 5 ngày công tham gia làm đường nội xóm. Hai gia đình còn tự nguyện hiến 1.700m2 đất làm đường nội xóm và 700m2 đất xây dựng Trường Mầm non xóm Bò Liêm. Nhờ đó mà 100% trẻ em đến tuổi đi mẫu giáo của xóm đều được đến trường và có điều kiện chăm sóc tốt hơn.