Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín… rất uy tín: “Làm chi cũng phải gương mẫu” (Bài 2)

Phạm Việt Thắng - 14:00, 27/07/2022

Cuối cùng thì tôi đã tìm được ông, khi ông đang nhễ nhại dọn cỏ ở khu rừng lát hoa, cách nhà chừng vài cây số. Trên là cây gỗ lớn, dưới thì đủ loại rau, dứa… mùa nào thức ấy. Ông nói, rừng cây này phải vài chục năm nữa mới thu hoạch được, mình trồng cho thế hệ sau đó.

Mỗi năm ông Việt thu về trên 60 triệu đồng từ việc nuôi gà
Mỗi năm ông Việt thu về trên 60 triệu đồng từ việc nuôi gà

Không làm ảnh hưởng đến công việc chung

Rời quân ngũ, ông Mạc Quang Việt được xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương – Nghệ An) bố trí làm kiểm lâm viên, vừa giữ, vừa tuyên truyền vận động bà con bảo vệ rừng. Lưu Kiền thời điểm đó được coi là điểm sáng về bảo vệ rừng. Ông say sưa kể về quãng thời gian dễ mà khó ấy. Khó vì địa bàn rộng lớn, vất vả lắm mới đi hết các khu rừng trong xã. Còn dễ là vì bà con ta rất tốt, nói có tình có lý là họ nghe theo. Và, để bà con tin theo thì trước hết kiểm lâm viên phải gương mẫu, không thể lên diễn đàn hô hào dân không được phá rừng mà nhà anh lại đầy rẫy gỗ.

“Mình phải giữ đúng lời hứa với dân, tuyệt đối không được tơ vương một cây gỗ đem về nhà” - ông Việt khẳng định.

Đến năm 1990, ông được bầu làm Chủ tịch UBND xã Lưu Kiền. “Bỡ ngỡ lắm. Dù mình đã là thiếu uý, cán bộ chính trị trung đoàn, nhưng làm chủ tịch xã quả là nhiệm vụ vô cùng nặng nề. Nhưng Đảng đã giao, dân đã bầu thì bằng mọi giá phải hoàn thành nhiệm vụ” – ông Việt thành thật nói.

Ông kể, ngày đó bà con Lưu Kiền rất nghèo. Tôi bàn với tập thể Ban Thường vụ Đảng uỷ, phải phát động khai hoang ruộng nước, đồng thời tập trung làm giao thông nông thôn. Có ruộng nước sẽ đỡ được cái đói rất nhiều. Có đường sá, sản vật của địa phương sẽ thuận lợi vận chuyển về trung tâm để buôn bán.

Ông cười, nụ cười tươi rói: “Mình phải làm trước. Phải huy động cả nhà vỡ hoang ruộng nước, bà con thấy vậy mới tin tưởng làm theo. Hồi đó cả xã khai hoang được đâu 40 ha đất ruộng, nay thì đã gần 100 ha ruộng nước rồi”.

Hết hai nhiệm kỳ chủ tich xã, ông Việt được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng uỷ. Thật không may cho gia đình ông, cậu con trai bị tai nạn về điện qua đời. Mất con, ông như người mất hồn, nỗi đau khó có thể nguôi ngoai. Sợ ảnh hưởng đến công việc chung, ông xin Đảng bộ và cấp trên cho ông được nghỉ việc.

“Tôi không thể để niềm đau riêng của mình ảnh hưởng đến phong trào chung của xã. Nếu vẫn cố làm việc trong tâm trạng như thế thì mình có lỗi với Đảng, với dân” – nguyên Bí thư Đảng uỷ Mạc Quang Việt nghiêm khắc, nói.

Người có uy tín Mạc Quang Việt vẫn hăng say lao động, chăm bẵm rừng lát hoa cho thế hệ sau
Người có uy tín Mạc Quang Việt vẫn hăng say lao động, chăm bẵm rừng lát hoa cho thế hệ sau

“Ai cũng nghĩ rứa thì còn đâu người cống hiến”

Gạt những giọt mồ hồi nhễ nhại, ông Việt Chùng giọng: Hết thời gian nghỉ chờ hưu, nỗi đau cắt ruột cùng phần nào nguôi ngoai, tôi lại tham gia công việc của bản. Đầu tiên, tôi tự ứng cử chức Bí thư Chi bộ bản Khe Kiền. Nói thật là tôi muốn góp sức để bồi dưỡng các đồng chí trẻ, chứ các đồng chí lớn tuổi cứ phải thay nhau làm bí thư chi bộ, phong trào của bản chưa được như mong muốn. Tìm được người, tôi xin nghỉ thì bà con lại bầu làm Chủ tịch Hội người cao tuổi. “Bà con tín nhiệm thì phải làm thôi” – ông Việt tươi rói nét mặt.

Mình lớn tuổi rồi, không còn xông xáo như xưa, phải nhường lại cho anh em trẻ hơn. Thế mà cũng có được nghỉ đâu, hai lần liên tiếp, bà con lại suy tôn bầu làm Người có uy tín. Tôi nghĩ người uy tín phải rất uy tín thì dân mới phục, mới nghe. Người có uy tín thì phải hiểu được tâm tư tình cảm, nguyện vọng cũng như những vướng mắc của bà con. Muốn thế thì phải gần gũi họ, giúp đỡ họ.

“Có hai gia đình nghèo quá, tôi bàn với họ, tôi sẽ đầu tư mua hai con bò cái, họ bỏ công chăm sóc, khi bò đẻ thì chia đôi. Họ đồng ý ngay. Và bây giờ thì hai con bò đó đẻ được nhiều lứa lắm rồi. Tôi đang dự tính sẽ chuyển bò mẹ cho hộ khác nuôi” – ông Việt kể chuyện giúp người nghèo.

Và, vui nhất là chuyện ông hoà giải thành công một vụ khiếu nại về đất đai. Một anh đi làm ăn xa, về thấy nhà bên cạnh xây tường rào, cho rằng nhà này “chạy” để được cấp bìa đỏ trước vì đã lấn sang đất mình. Trước khi giải quyết tranh chấp, ông Việt phải gặp cán bộ địa chính, xin sao hồ sơ đất của cả hai gia đình. Ông nói với họ bằng chứng cứ cụ thể, thế là hai bên bắt tay làm hoà. “Với dân là phải cụ thể, mình nói là phải có bằng chứng thì họ mới phục” – ông Việt nói.

Trong rất nhiều việc làm với vai trò người có u tín, ông Việt tâm đắc nhất là công tác khuyến học. Ông đến với lớp trẻ bằng những cử chỉ, lời nói ân cần. Ông kể, tui phải học vi tính, phải học dùng điện thoại thông mình, để lên mạng tìm kiếm thông tin bổ ích, mới nói chuyện phù hợp với lứa tuổi của các cháu được. Đoạn ông ngồi bệt xuống đất, hồ hởi: “Từ xưa, xưa lắm đến nay, bản Khe Kiền mới có ba cháu đậu vào các trường đại học rất danh giá, mừng lắm luôn”.

Chờ ông Việt tận hưởng hết niềm vui lâng lâng của “sự nghiệp trồng người”, tôi hỏi ông về vòng đời của rừng cây lát hoa mà ông hết sức chăm bẵm. Ông vỗ vào một thân cây mà rằng, phải vài chục năm nữa mới thu hoạch được. 

Tôi tỏ ra ngạc nhiên, năm nay bác đã 73 tuổi, vài chục năm nữa liệu bác còn được hưởng không? Ông Việt cười hiền từ rồi vỗ nhẹ vai tôi: “Ai cũng nghĩ rứa thì còn đâu người cống hiến cho đời”!