Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Người có uy tín với sự phát triển vùng biên giới Ngọc Hồi

Ngọc Chí - 6 giờ trước

Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) luôn thể hiện vị trí, vai trò quan trọng, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ ở địa phương... Với những đóng góp thầm lặng, đội ngũ Người có uy tín đã chung tay xây dựng huyện biên giới Ngọc Hồi ngày một phát triển.

Thôn, làng vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi đang từng ngày đổi thay, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ Người có uy tín
Vùng đồng bào DTTS huyện Ngọc Hồi đang từng ngày đổi thay, trong đó có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ Người có uy tín

Điểm tựa của thôn, làng

Ngọc Hồi là huyện biên giới và là nơi có nhiều thành phần DTTS cùng sinh sống, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc đã được triển khai sâu rộng tới Nhân dân; khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết giữa các tôn giáo được giữ vững... Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của đội ngũ Người có uy tín.

Ông A Lào - Già làng, Người có uy tín thôn Đắk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi luôn dành thời gian đọc sách, báo để nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân
Ông A Lào - Già làng, Người có uy tín thôn Đắk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi luôn dành thời gian đọc sách, báo để nắm bắt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân

Điển hình như ông A Lào (dân tộc Xơ Đăng) - Già làng, Người có uy tín thôn Đắk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, ông đã cùng với Chi bộ và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Để Nhân dân tin và làm theo, ông luôn đi đầu trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của địa phương. Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông đã tình nguyện hiến 300m2 đất và gần 40 cây cà phê để làm đường ra khu sản xuất và góp tiền để làm đường ống đưa nước về cho dân làng sử dụng. Việc làm của ông đã nhận được sự ủng hộ của Nhân dân và chính quyền địa phương.

Ông A Lào chia sẻ: Bản thân tôi luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ, việc gì có lợi cho dân thì tôi làm, giúp được cho dân việc gì thì tôi giúp. Việc tôi hiến đất, cây cà phê cũng chỉ là một phần nhỏ để cùng với chính quyền làm đường giúp cho bà con thuận tiện trong đi lại và làm cho thôn mình khang trang, sạch đẹp hơn.

Anh Thao Đế (dân tộc Xơ Đăng) – Thôn Đăk Răng, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Việc làm của già làng, Người có uy tín A Lào rất có ý nghĩa, được bà con trong thôn kính trọng. Giúp bà con có nước sạch để sử dụng và đường đi lại thuận tiện, đỡ vất vả hơn trong những thời điểm mùa mưa. Già làng A Lào còn là tấm gương sáng để bà con trong thôn noi theo.

Từ năm 2021 đến 2024, trên địa bàn huyện Ngọc Hồi có 192 lượt Người có uy tín được bình xét, công nhận. Đội ngũ Người có uy tín thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể ở địa phương trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người dân trong cộng đồng biết thực hiện; trọng tâm là thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, Nhà nước; quán triệt để người dân không nghe, không tin kẻ xấu kích động, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước.

Đội ngũ Người có uy tín luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế
Đội ngũ Người có uy tín luôn đi đầu trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước để phát triển kinh tế

Ông A Nuy – Già làng, Người có uy tín thôn Đăk Giá 2, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách dân tộc và gần đây là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tôi luôn tuyên truyền, vận động để bà con hiểu được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước dành cho đồng bào DTTS. Những chương trình, chính sách đó là nguồn lực để giúp đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định hơn nên phải biết trân trọng, phải nỗ lực lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng thôn, làng vững mạnh.

Người có uy tín còn có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia các hoạt động xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, thực sự là cầu nối giữa Đảng với dân, là điểm tựa tinh thần trong đồng bào các DTTS. Chính vì vậy, huyện Ngọc Hồi luôn quan tâm triển khai thực hiện kịp thời các chế độ chính sách dành cho Người có uy tín.

Bà Y Lan – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Về triển khai chế độ chính sách đối với Người có uy tín được UBND huyện quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời, đầy đủ. Cụ thể như: Thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết cổ truyền; hằng năm, đều tổ chức các Hội nghị gặp mặt già làng, Người uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán cổ truyền; tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những điển hình tiên tiến trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; tổ chức cho đoàn Người uy tín đi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các huyện trong tỉnh.

Chung tay xây dựng quê hương giàu đẹp

Với tinh thần cần cù, sáng tạo, giàu kinh nghiệm trong cuộc sống và mong muốn được cống hiến cho xã hội, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện Ngọc Hồi không chỉ tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương mà còn đi đầu trong việc học hỏi kinh nghiệm các mô hình sản xuất, biết cách tổ chức sản xuất theo phương pháp khoa học mang lại kinh tế cao. Họ không những biết làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn phổ biến, giúp đỡ, hướng dẫn nhiều gia đình các phương thức sản xuất hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Phạm Bá Huy (ngoài cùng bên trái) – Người có uy tín thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn người dân cách cạo mủ cao su cho năng suất cao
Ông Phạm Bá Huy (ngoài cùng bên trái) – Người có uy tín thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn người dân cách cạo mủ cao su cho năng suất cao

Ông Phạm Bá Huy (dân tộc Thái) – Người có uy tín thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Muốn vận động người dân tin, nghe và làm theo thì mình phải tiên phong làm trước. Chính vì vậy, tôi luôn nỗ lực trong lao động, sản xuất để nâng cao đời sống gia đình, hiện gia đình trồng được 2 ha cao su, 1 ha cà phê, 2 sào ao cá, hằng năm mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng. Từ những kiến thức có được trong sản xuất thì tôi cùng chia sẻ, giúp bà con trong thôn chăm sóc cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả hơn.

Ông Ngân Văn Định (dân tộc Thái) – Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Xuân Tân, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi cho biết: Ông Phạm Bá Huy là Người có uy tín trong thôn và luôn được bà con tin tưởng, bởi những việc ông làm đều giúp ích cho cộng đồng. Từ sự tuyên truyền, vận động của ông thì bà con đã làm theo và xây dựng cuộc sống ổn định hơn, diện mạo thôn ngày càng phát triển.

Trong thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đội ngũ Người có uy tín đã tích cực trong công tác tuyên tuyền, vận động và hướng dẫn để đồng bào DTTS chuyển đổi cơ cấy cây trồng và thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao năng suất. Đồng thời, giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp, bài trừ những hủ tục lạc hậu, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng đời sống văn hóa mới, nông thôn mới tại cộng đồng dân cư.

Ông A Biu (bên trái) – Già làng, Người có uy tín thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn thế hệ trẻ cách làm nghề đan lát truyền thống của dân tộc
Ông A Biu (bên trái) – Già làng, Người có uy tín thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi hướng dẫn thế hệ trẻ cách làm nghề đan lát truyền thống của dân tộc

Ông A Biu (dân tộc Xơ Đăng) – Già làng, Người có uy tín thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Bà con đã tín nhiệm tôi thì tôi phải có trách nhiệm với bà con, phải tuyên truyền, vận động để bà con chăm lo phát triển kinh tế và giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Từ đó, tôi đã tổ chức dạy đánh cồng chiêng, múa xoang và nghề đan lát truyền thống cho thế hệ trẻ trong thôn. Hiện thôn đã thành lập được 2 đội cồng chiêng, múa xoang và nhiều người đã biết nghề đan lát truyền thống. Điều đó làm tôi rất vui.

Đội ngũ người có uy tín đã có nhiều đóng góp cùng các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân, bảo vệ an ninh, trật tự, tích cực tham gia giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn trong nội bộ Nhân dân, đặc biệt là vận động đồng bào DTTS không tranh dành đất đai, không nghe, không tin và không theo kẻ xấu kích động, xúi giục chống phá chế độ, phá hoại chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng, Nhà nước.

Bà Y Lan – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Bằng uy tín, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đội ngũ Người có uy tín thực sự là điểm tựa của các thôn, làng vùng đồng bào DTTS ở huyện biên giới Ngọc Hồi. Qua đó, góp phần cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền, xây dựng huyện Ngọc Hồi ngày càng phát triển. Hiện, 7/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới và huyện đã đạt 6/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 giảm còn 2,95%. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS ổn định, đồng bào DTTS luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Hỗ trợ bảo vệ rừng ở Nghệ An: Góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Hỗ trợ bảo vệ rừng ở Nghệ An: Góp phần nâng cao độ che phủ rừng

Chia sẻ về thực hiện hỗ trợ bảo vệ rừng theo nội dung của Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 ở Nghệ An, ông Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, chính sách đã góp phần quan trọng vào việc huy động được nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao độ che phủ cho rừng của địa phương. Còn người dân sống gần rừng, thì có thêm thu nhập, cải thiện đời sống để thêm gắn bó với rừng.