Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín xóm Phiêng Pẻn

PV - 14:14, 28/08/2019

Được bầu làm Người có uy tín từ năm 2011, ông Tẩn Dấu Quẩy, sinh năm 1974, dân tộc Dao, ở xóm Phiêng Pẻn, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm (Cao Bằng) luôn nêu cao vai trò và tinh thần trách nhiệm trong công tác làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, được bà con trong xóm tín nhiệm và nghe theo.

Trước năm 2002, đời sống của người dân Phiêng Pẻn rất khó khăn, chủ yếu sống bằng nghề nông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 99%. Với cương vị lãnh đạo xóm, ông Quẩy ngày đêm trăn trở làm thế nào để giúp bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Để làm được điều này, ông nghĩ: mình phải thoát nghèo trước để kinh tế gia đình khấm khá, có như vậy, bà con trong xóm mới nghe và làm theo.

 Người có uy tín Tẩn Dấu Quẩy đang kiểm tra cây hồi của gia đình. Người có uy tín Tẩn Dấu Quẩy đang kiểm tra cây hồi của gia đình.

Với quyết tâm đó, cuối năm 2002 ông Quẩy đã đi nhiều nơi để tìm hiểu và học hỏi cách làm kinh tế. Trong một lần sang Trung Quốc, ông tình cờ gặp lại người đồng hương là ông Tẩn A Lìn hiện sinh sống tại xóm Lũng Pù, xã Pắc Nặp, huyện Nà Po, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ông Lìn trước đây cũng thuộc hộ nghèo nhưng nay đã trở thành ông chủ của hơn chục nhân công nhờ trồng cây hồi và chưng cất dầu.

“Thấy được sự thành công từ cách làm của ông Lìn, tôi đã mạnh dạn đề nghị được học hỏi kinh nghiệm với ý định đưa cây hồi về phát triển tại địa phương”, ông Lìn chia sẻ.

Năm 2003 ông Quẩy mua cây hồi giống từ Trung Quốc về trồng trên diện tích 1,5ha. Khi ấy cả xóm không ai ủng hộ, vợ thì can ngăn “Ông ơi, người ta chỉ ăn ngô, ăn thóc, ai ăn lá cây sống bao giờ…?”. Nhưng ông Quẩy vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình.

“Vụ thu hoạch đầu tiên, tôi thu được 377kg tinh dầu và với mỗi kg dầu có giá trên 150.000 đồng, tôi bán được 61 triệu đồng. Đến năm 2010 dầu hồi lên giá, với 254kg tinh dầu, tôi bán được 112 triệu đồng…”, ông Quẩy cho biết.

Nhận thấy cây hồi đem lại giá trị kinh tế cao, năm 2010, ông Quẩy vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi giống cây trồng. Theo đó đã có 10 hộ đầu tiên ở xóm tham gia trồng cây hồi. Đến nay 99% hộ dân xóm Phiêng Pẻn đã trồng hồi, hộ ít nhất cũng có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Ngoài cây hồi, ông Quẩy còn là chủ sở hữu của gần 7.000 cây sa mộc trên 10 năm tuổi, 500 cây sưa 7 năm tuổi. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm.

Ngoài ra, ông Quẩy còn tích cực vận động người dân đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Cụ thể, năm 2003 cùng với 40 triệu đồng được hỗ trợ từ huyện, ông đã vận động được 100 hộ dân tại 4 xóm Phiêng Pẻn, Pạc Pét, Phiêng Lùng, Phiêng Đăm đóng góp được số tiền 41 triệu đồng làm đường từ xã vào xóm với chiều dài 8km. Năm 2004, phối hợp cùng Công an viên xã và địa chính xã vận động 64 hộ dân hiến được 6.700m2 đất và ngày công để xây dựng Trường Tiểu học Phiêng Pẻn; năm 2015 vận động hiến 600m làm đường nội xóm.

Từ những đóng góp của ông góp phần đổi mới tích cực ở Phiêng Pẻn.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.