Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người đàn bà dệt sắc màu thổ cẩm

PV - 14:02, 23/05/2018

Một thời gian dài, thổ cẩm của làng Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa (Chư Pưh, Gia Lai) dường như chìm vào quên lãng. Thế nhưng, nhờ những bàn tay tài hoa ngày ngày âm thầm đánh thức khung cửi, nghề dệt truyền thống của người Ba Na trên mảnh đất này đã hồi sinh trở lại.

Hơn 40 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm dường như đã trở thành một thói quen của chị H’Ly ở làng Plei Thông A, ngày nào không đụng đến khung cửi là chị cảm thấy như thiếu một thứ gì đó. Những tấm thổ cẩm làm áo choàng, khố, túi xách, váy được chị dệt một cách cẩn thận, tỉ mỉ đến từng họa tiết. Sản phẩm chị H’Ly làm ra ngoài việc để phục vụ trong gia đình, chị còn dệt bán cho những ai có nhu cầu mua để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

Ngoài việc làm đồng, Chị H’ Ly và nhiều phụ nữ ở làng Plei Thông A đều thích dệt thổ cẩm. Ngoài việc làm đồng, Chị H’ Ly và nhiều phụ nữ ở làng Plei Thông A đều thích dệt thổ cẩm.

 

Vừa luôn tay luồn chỉ sợi vào khung cửi, chị H’Ly cởi mở: “Để bán được một tấm thổ cẩm thì cái chân phải đi nhiều nhưng mình vui vì nhiều đồng bào mình vẫn còn yêu thổ cẩm lắm. Họ còn thích mặc đồ truyền thống của dân tộc nhất là khi lên rừng lên rẫy hay đến mùa lễ hội. Bán thổ cẩm cũng có tiền nên mình mua được nhiều bò và nhiều heo nhờ thổ cẩm đấy. Yàng cho mình cái chân khỏe, cái tay khéo và cái bụng tốt nên mới dệt đẹp và đưa thổ cẩm làng mình đi khắp nơi, cái bụng mình lúc nào cũng chỉ có thổ cẩm thôi. Nhưng người làng khác cũng thích thổ cẩm lắm đấy!”.

Để có một tấm thổ cẩm thành phẩm phải mất thời gian nhiều ngày dệt liên tục. Vất vả nhiều nhưng mỗi tấm bán được từ 300.000-350.000 đồng. Cuộc sống của đồng bào vùng cao Ba Na hôm nay khá giả hơn trước, nên bà con ai cũng muốn mình có một chiếc váy đẹp mặc trong dịp Tết cổ truyền dân dộc hay ngày lễ, ngày hội. “Nghề dệt của làng mình giờ đang hồi sinh lại rồi. Nhiều khung cửi của bà con đã bắt đầu hoạt động lại rồi. Tuy nhiên, màu sắc phải phù hợp, đường dệt phải đều phải đẹp hơn thì mới bán được. Nhiều người dưới xuôi, hay cả người nước ngoài thích những tấm thổ cẩm này lắm. Mình cũng bảo bà con làm nhiều sản phẩm hơn như khăn quàng, túi xách… để dễ bán!”, chị H’Ly vui vẻ bộc bạch.

Phụ nữ ở làng Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa hiện nay, ngoài việc làm đồng, thì nhiều người đều thích nghề dệt thổ cẩm. Cứ sau vụ mùa thu hoạch có thời gian nhàn rỗi thì chị em lại bắt tay vào việc dệt thổ cẩm để cung cấp cho các nơi. Thời xưa và cả bây giờ, với người Ba Na thì con gái trong làng phải biết nghề dệt và xem đó là điều cần phải biết trước khi đi lấy chồng. Mỗi người con gái trước khi có chồng, thường được thừa hưởng nghề dệt từ bà ngoại, bà nội và từ mẹ. Ngày trước khi chưa có điện như bây giờ, sau những ngày mùa hoặc những đêm trăng thanh, con gái  trong làng quây quần bên nhà những người già để học lấy nghề.  Bản làng có nhiều người dệt nên rất nên thơ và hình ảnh người con gái ngồi dệt thật duyên dáng, khéo léo. Những chàng trai Ba Na muốn chọn vợ cũng tìm đến lân la se vải, trộn màu...

Chị H’Ly miệt mài với khung dệt của mình. Chị H’Ly miệt mài với khung dệt của mình.

 

Theo chị H’Ly, để có được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Đối với người Ba Na, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Chính vì vậy, trong tấm thổ cẩm của người Ba Na màu đen sẽ là màu chủ đạo kết hợp với với màu đỏ và màu trắng thể hiện sức mạnh, tình yêu và ước mơ.

Một điểm rất đặc sắc trong thổ cẩm của người Ba Na, mà các dân tộc khác không có là việc hạt cườm trang trí được dệt hẳn vào sợi chỉ. Công đoạn này khá khó. Cũng vì thế mà thổ cẩm của người Ba Na không thể dùng máy móc để dệt, mà chỉ có thể dệt bằng tay nên việc dệt rất chậm.

Với mong muốn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Bana được các thế hệ tiếp nối và phát huy, chị H’Ly đã truyền dạy nghề dệt lại cho con gái mình, con gái chị giờ cũng đã biết dệt thổ cẩm. “Thấy mẹ dệt thổ cẩm em rất thích, em đã học và biết dệt thổ cẩm từ năm em 16 tuổi, đến giờ em đã tự dệt các trang phục cho mình, nhưng vẫn chưa dệt đẹp được bằng mẹ, em cố gắng học dệt để giữ gìn nghề truyền thống của phụ nữ Ba Na.”, con gái H’Băm của chị H’Ly cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, chị Siu H’Lý-Chi hội trưởng Hội phụ nữ  thôn Plei Thông A, thị trấn Nhơn Hòa cho biết: “Hiện nay, ở làng tôi còn rất ít phụ nữ gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, gia đình chị H’Ly là gia đình tiêu biểu trong thôn vẫn gắn bó với nghề dệt của dân tộc mình. Chị và mẹ chị thường đại diện cho thôn tham gia thi dệt thổ cẩm tại Hội thi văn hóa cồng chiêng do huyện tổ chức, sản phẩm của chị luôn đạt được giải cao.”

Có lẽ, để phát triển làng nghề truyền thống đặc biệt này, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm chính sách phát triển của chính quyền địa phương, để không chỉ làng nghề này tồn tại, mà văn hóa dân tộc còn được gìn giữ cho những đời sau.

Để có được một tấm vải thổ cẩm mất rất nhiều công đoạn như: Quay sợi, mắc khung, tạo hoa văn, dệt, nhuộm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi tính sáng tạo và đôi tay khéo léo tạo hình các hoa văn lên sản phẩm sao cho hài hòa, cân đối. Đối với người Ba Na, màu đen tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của núi rừng, của thiên nhiên. Chính vì vậy, trong tấm thổ cẩm của người Ba Na màu đen sẽ là màu chủ đạo kết hợp với với màu đỏ và màu trắng thể hiện sức mạnh, tình yêu và ước mơ.”  

Chị H’ Ly

MINH NGỌC - TUẤN KIỆT