Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn đọc

Người dân bức xúc với dự án Thủy điện Tràng Định 2

Kẻ Sĩ - 12:22, 20/05/2022

Như Báo Dân tộc và Phát triển đã đưa tin, công trình Thủy điện Tràng Định 2 chưa có phương án đền bù giải phóng mặt bằng đã thi công rầm rộ. Một trong những nguyên nhân dự án này chưa xây dựng được phương án đền bù giải phóng mặt bằng là do người dân không đồng thuận.

Người dân bức xúc chia sẻ về các phần đất chưa được bồi thường
Người dân bức xúc chia sẻ về các phần đất chưa được bồi thường

Người dân không đồng thuận

Thực hiện Quyết định số 1200/QĐ-UBND ngày 19/6/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn, UBND huyện Tràng Định đã triển khai các nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo đó, ngày 16/8/2021, UBND huyện Tràng Định ra Thông báo số 198/TB-UBND về triển khai thực hiện dự án Thủy điện Tràng Định 2. Ngày 13/8/2021 UBND huyện Tràng Định ra Quyết định số 1823/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng. Tiếp đến 8/10/2021, UBND huyện ra Thông báo số 611/TB-UBND về thông báo thu hồi đất; ngày 7/2/2021, UBND huyện ra Công văn số 153/UBND -TTPTQĐ về tổ chức thực hiện công tác bồi thường.

Mặc dù đã ra một loạt các quyết định, tuy nhiên, theo báo cáo của UBND huyện Tràng Định, đến nay chính quyền huyện mới kiểm đếm được 63 hộ gia đình (59 hộ khu vực đường vào đập đầu mối, 4 hộ lòng hồ). Theo đó, chủ đầu tư đã tạm ứng kinh phí để chi trả cho 59 hộ, cá nhân bị ảnh hưởng, với tổng diện tích là 60.921,3 m2 (khoảng 6 ha).

Mặc dù chưa có phương án đền bù chính thức, song hiện nay, người dân bị ảnh hưởng bởi công trình Thủy điện Tràng Định 2 có nhiều ý kiến trái chiều.

Cụ thể, tập thể người dân xóm Nà Mằn đang yêu cầu cơ quan chức năng phải đền bù khu đất bãi bồi ven sông. Người dân cho biết, đây là bãi bồi hình thành từ rất lâu, người dân vẫn tận dụng để trồng các loại cây keo, cây tre. Với khu đất này, người dân vẫn chia nhau canh tác mà không hề có bất cứ tranh chấp nào, chính quyền trước đây cũng không phản đối. Hiện nay, công trình Thủy điện Tràng định 2 lấy đến phần đất này không đền bù, gây bức xúc cho người dân.

Cùng với khu vực bãi bồi, hiện người dân cũng có ý kiến không đồng thuận cho Công ty thu hồi khu đồi vầu sau xóm. Vì nếu thu hồi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nơi ở, đời sống của người dân. Đây là phần đất mà trên thực tế, người dân đã trồng vầu từ nhiều đời nay.

Nhiều phần đất đan bị sói mòn do công ty thi công
Nhiều phần đất đan bị xói mòn do công ty thi công

Chính quyền bất nhất

Trước những vấn đề mà người dân thắc mắc, ngày 31/3/2022, UBND xã Đào Viên ra Thông báo số 07/TB-UBND kết luận cuộc làm việc với xóm Nà Mằn. Theo đó, đối với đất bãi bồi, đất ven sông, chính quyền xã xác nhận trên phần đất này đúng là có diện tích mà các hộ gia đình tự khai hoang canh tác đất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo UBND xã Đào Viên, phần đất mà các hộ gia đình, cá nhân xóm Nà Mằn yêu cầu bồi thường nằm trong quy hoạch đã được Nhà nước phê duyệt lại không có cơ sở để giải quyết. Còn đối với tài sản trên đất như cây cối, hoa màu, chính quyền địa phương sẽ xem xét và hỗ trợ theo quy định của pháp luật nếu đủ điều kiện.

Về phần đất rừng vầu, UBND xã Đào Viên khẳng định phần đất này do UBND xã quản lý. Theo đó, UBND xã cho biết sẽ không đền bù về đất cho người dân. Công ty xây dựng thủy điện chỉ xem xét kiểm đếm hỗ trợ tài sản trên đất theo quy định.

UBND xã Đào Viên cũng đề nghị công ty Tân Việt Bắc Lạng Sơn khi thi công xây dựng phải bảo đảm về an toàn, tránh các tác động xấu tới môi trường, tránh sạt lở, sụt lún ảnh hưởng đến sinh hoạt, an toàn của người dân. Công ty chịu trách nhiệm trước Nhà nước nếu sảy ra sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân.

Mặc dù UBND xã Đào Viên kết luận phần đất của người dân không có cơ sở đền bù. Tuy nhiên, tại báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường GPMB công trình Thủy điện Tràng Định 2, vào tháng 3/2022, UBND huyện Tràng Định lại báo đề xuất, để dự án được thực hiện đúng tiến độ và giải quyết thỏa đáng những ý kiến thắc mắc của các hộ bị ảnh hưởng đối với phần đất bờ sông (trồng tre và trồng cây lâu năm), đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn hỗ trợ bằng một lần giá đất đối với phần đất bờ sông theo đơn giá đất trồng cây lâu năm.

Như vậy, có thể thấy, với một dự án trải dài hơn 212 ha đất, nhưng phương án đền bù của UBND huyện như hiện nay là quá ì ạch. Để xây dựng phương án đền bù GPMB đúng tiến độ, thiết nghĩ chính quyền tỉnh Lạng Sơn phải thống nhất một cách thỏa đáng, hợp lý, hợp tình với người dân, khi tiến hành thu hồi GPMB.

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.