Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người dân ở Khe Mo làm giàu từ trồng chè chất lượng cao

Thiên An - 09:51, 23/08/2021

Diện mạo làng quê xã miền núi Khe Mo, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên đang đổi thay từng ngày nhờ cây chè. Người dân Khe Mo cho biết, bí quyết nâng cao chất lượng sản phẩm của họ là cẩn trọng ở từng khâu, từ chọn giống, làm đất, trồng, chăm sóc và thu hái… Giờ đây, sản phẩm chè Khe Mo được người tiêu dùng tín nhiệm và đời sống của bà con ngày một nâng cao.

Hợp tác xã chè Thu Hiền giới thiệu cách chọn giống chè trên đất Khe Mo.
Hợp tác xã chè Thu Hiền giới thiệu cách chọn giống chè trên đất Khe Mo.

Hiện tại ở Khe Mo, chè được coi là loại cây làm giàu của bà con nông dân. Diện tích chè kinh doanh của xã khoảng 400ha và được trồng, chăm sóc theo các quy định nghiêm ngặt về sản xuất chè sạch và an toàn.

Được tận mắt chứng kiến người nông dân trồng, chăm sóc và chế biến chè, chúng tôi hiểu vì sao cây chè trên vùng đất này, lại phát triển mạnh và có vị thơm ngon đến thế. Bí quyết của người dân nơi đây để cho ra đời một sản phẩm chè Khe Mo nổi tiếng là cẩn trọng ở từng khâu cho tới khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Cũng như nhiều nơi trồng chè, giống chè bà con Khe Mo canh tác chủ yếu là các loại chè cành như Bát Tiên, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, Hùng Đỉnh Bạch, Long Vân và chè lai F1. Đó là những loại chè thông dụng, cho năng suất cao và được người tiêu dùng ưa thích.

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Hợp tác xã chè Thu Hiền, giới thiệu cho chúng tôi biết khá kỹ về việc lựa chọn giống chè trên đất Khe Mo, kỹ thuật trồng và thu hái để đảm bảo sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng.

Thừa hưởng chất chè đậm đà, hương thơm quyến rũ do vùng đất và khí hậu mang lại, sản phẩm của Hợp tác xã chè Thu Hiền, còn tạo thêm nét khác biệt riêng cho mình. Với lợi thế là mô hình kinh tế tập thể đầu tiên của xã, Hợp tác xã chè Thu Hiền đã được nhiều hộ trồng chè liên kết cung cấp nguyên liệu đảm bảo chất lượng. 

Tuy nhiên, Hợp tác xã vẫn tiếp tục mở rộng vùng nguyên liệu, cùng đội ngũ khuyến nông hướng dẫn các hộ nắm vững kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Từ đó đầu tư thiết bị, tăng sản lượng chế biến chè. Để tôn vinh vùng đất quê hương, Hợp tác xã sử dụng toàn bộ mẫu mã bao bì khẳng định nguồn gốc xuất xứ sản phẩm tại Khe Mo.

Anh Nguyễn Văn Thịnh, một trong những hộ gia đình ở Khe Mo sống nhờ vào cây chè chia sẻ: “Gia đình tôi có trên 6 sào giống chè lai F1, mỗi lứa thu hoạch khoảng ba tạ chè búp tươi. Một năm thu hoạch 9 lứa chè chính vụ. Thời gian trước, gia đình thu hái rồi gia công chế biến. Gần đây, toàn bộ chè búp tươi, tôi đều bán cho Hợp tác xã chè Thu Hiền, ở đó họ có điều kiện chế biến các loại chè chất lượng cao hơn.

Người dân xã Khe Mo sản xuất chè an toàn để nâng cao thu nhập.
Người dân xã Khe Mo sản xuất chè an toàn để nâng cao thu nhập.

Qua lời kể của bà con nơi đây thì, cây chè đã có mặt tại Khe Mo từ trên 50 năm nay. Tuy nhiên, số hộ chuyên canh cây chè và diện tích trồng chè các năm trước chưa nhiều. Những năm qua, chính quyền xã Khe Mo đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ dân phát triển cây chè từ tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, trồng và chăm sóc. Khuyến khích bà con tận dụng đất đồi bãi, khe lạch trồng chè, thay đổi tập quán canh tác và chuyển đổi một số loại cây trồng giá trị kinh tế thấp sang trồng các loại chè mới.

Ông Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Khe Mo cho biết, thực hiện chủ trương phát triển cây chè của tỉnh, những năm gần đây, xã lấy chè là loại cây mũi nhọn và vận động Nhân dân chuyển đổi cây trồng, tăng diện tích chè. Trước mắt, lãnh đạo xã tạo mọi điều kiện để thành lập thêm các làng nghề và các hợp tác xã.

Do khâu chế biến chè đặc sản đòi hỏi tay nghề cao, nên phần lớn hộ gia đình trồng chè chủ yếu bán chè búp tươi. Vì vậy, ngoài việc tổ chức tập huấn cho bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc và chế biến, xã duy trì việc kiểm tra, hướng dẫn các hộ thực hiện yêu cầu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo điều kiện mở rộng các cơ sở chế biến sâu và thực hiện các qui định về xuất xứ, truy xuất nguồn gốc. Từng bước tạo dựng thương hiệu và phấn đấu có các dòng sản phẩm đạt tiêu chuẩn của Chương trình OCOP.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La: Tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Sơn La: Tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị

Sơn La là tỉnh có thế mạnh về sản xuất lâm nghiệp, trong đó có một số vùng có tiềm năng phát triển dược liệu. Thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng, tạo đột phá để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.