Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đặc sản chè của chàng cử nhân báo chí

Mai Hương - 12:18, 24/06/2021

Sinh ra và lớn lên giữa vùng đất chè nổi tiếng Thái Nguyên, chàng trai Lê Sơn Hải luôn mong muốn gắn bó với cây chè, vùng chè đã nuôi sống gia đình mình và nhiều thế hệ người dân ở đây. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm 2015, anh đã "rẽ hướng" trở về quê khởi nghiệp trồng chè hữu cơ.

 Lê Sơn Hải – chàng cử nhân từ bỏ phố thị về quê lập nghiệp từ cây chè.
Lê Sơn Hải – chàng cử nhân bỏ phố thị về quê lập nghiệp từ cây chè.

Vùng chè đặc sản Tân Cương Thái Nguyên đã nuôi sống biết bao người dân nơi đây và cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình Hải. Mặc dù đó là nghề truyền thống, gắn bó từ nhiều đời, nhưng bố mẹ Hải lại không muốn con trai nối nghiệp truyền thống mà hy vọng con ra thành phố lập nghiệp, chọn một công việc nhàn hạ hơn. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp đại học, Hải lại quyết định về quê khởi nghiệp từ cây chè.

Tháng 8/2015, chàng cử nhân báo chí bắt tay vào khởi nghiệp từ chính đồi chè, đầm sen sẵn có của gia đình tại xã Quyết Thắng, TP.Thái Nguyên. Hải đặt ra mục tiêu, phải sản xuất ra loại chè hữu cơ, từ khâu trồng chè, chăm bón, thu hái, sao chè làm thành phẩm đều tuân theo một quy trình khép kín. Đồi chè rộng hơn 1 ha,  được Hải chăm bón hoàn toàn bằng phân hữu cơ, chủ yếu là phân chuồng hoai mục và đỗ tương ủ.

Chàng trai trẻ cũng tự trồng hoa hồng, hoa sen để phục vụ nguyên liệu ướp trà sạch. Để bảo đảm chất lượng chè sạch và ngon, Hải tự tay hái hoa và ướp trà. Anh cũng là người bón phân làm cỏ cho đồi chè và đầm sen của gia đình. Chỉ duy nhất công việc hái chè là Hải thuê thêm người làm .

Giống sen trồng trong đầm sen rộng hơn 3.500m2 của gia đình Hải, là giống sen Hồ Tây và sen Quan Âm. Hải chọn trồng hai giống sen này, vì theo anh nó cho hương thơm đậm rất ấn tượng. Theo kinh nghiệm của Hải, để chè sen cho đúng hương vị, đầu tiên phải chọn những bông hoa sen mới chớm nở, còn nhiều hương nhất thì khi ướp mới ra hương vị của hương sen. Chè ướp cũng phải là loại chè chưa được lên hương.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của Hải đã có rất nhiều sản phẩm trà được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Hiện nay, cơ sở sản xuất của Hải đã có nhiều sản phẩm trà được khách hàng ưa chuộng.

Hiện đang là mùa sen nên sáng nào Hải cũng đi thu hái hoa sen về để ướp trà. Theo như anh chia sẻ, chè sen có hai loại, chè ướp xổi và chè ướp khô. Trong đó, chè ướp xổi lại có 2 loại, loại ướp trực tiếp trên đầm và loại thu bông về ướp.

"Chè ướp bông sen trên đầm chỉ được làm khi thời tiết có sương đêm mới giữ được tinh hoa giữa sen - trà - sương đêm. Người làm chè chỉ ướp chè qua đêm và thu ngay vào sáng sớm hôm sau, khi trời còn chưa sáng hẳn. Với loại chè ướp trong bông sen cũng phải phơi sương và thu vào khi trời chưa sáng. Phơi sương vào đêm nào nhiều sương thì mẻ trà sen đó sẽ rất thơm", Hải cho biết thêm.

Ngoài trà mộc, trà sen, Hải còn làm cả trà nhài. Hải cho biết, tùy theo thời tiết mà hái hoa nhài. "Nếu trời âm u thì sẽ hái hoa buổi chiều, nếu trời trăng sao thì lại hái nhài vào buổi tối, vì khi ấy hoa nhài nở cho hương thơm tuyệt nhất". Sau khi hái về, khoảng 9-10h tối, Hải bắt đầu ướp trà nhài.

Bí quyết để chè ngon và mang hương vị đặc biệt, theo Hải nằm ở chữ tâm làm nghề của mình. "Làm chè là làm thức quà tinh hoa của đất trời ban tặng nên người làm chè chân chính cần tỉ mỉ trong tất cả các khâu, không vội vàng, hấp tấp mà phải thật thong thả, thư thái".

Cơ sở sản xuất của Lê Sơn Hải đã tạo công việc ổn định cho 3 - 4 lao động tại địa phương.
Cơ sở sản xuất của Lê Sơn Hải đã tạo công việc ổn định cho nhiều lao động tại địa phương.

Hiện tại, đồi chè và đầm sen của Hải đã mở rộng quy mô lên tới 4,5 ha, từ chế biến chè sạch đã mang lại cho Hải cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng, tạo việc làm ổn định cho 3 - 4 lao động với thu nhập 4 - 6 triệu đồng/tháng.

Vừa qua, Hải đã đem chè đi kiểm định và đăng ký thương hiệu riêng. Hiện nay, vườn chè của Hải luôn mở cửa chào đón mọi người có thể đến tham quan, trải nghiệm thực tế các công đoạn làm chè và cung cấp chè sạch cho các du khách trong và ngoài nước.

Bà Hà Thị Thạch, quyền Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho biết: Sự nỗ lực, nhiệt huyết  phát triển kinh tế, góp phần xây dựng quê hương, Hải đã trở thành tấm gương để thanh niên toàn xã học tập và noi theo. Địa phương cũng đã có chủ trương tuyên truyền, phổ biến mô hình trồng chè của Hải cho bà con và thanh niên trong xã học tập, làm theo.

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả từ mô hình nuôi bò sinh sản của đồng bào Raglay thôn Tà Dương

Hiệu quả từ mô hình nuôi bò sinh sản của đồng bào Raglay thôn Tà Dương

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt Chương trình MTQG 1719), đồng bào Raglay ở thôn Tà Dương, xã Phước Thái, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã phát triển mô hình nuôi bò sinh sản.