Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người dân Tân Yên nâng cao hiệu quả kinh tế từ "báu vật" núi Dành

Mỹ Dung - CTV - 12:08, 04/08/2024

Là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu để trồng cây dược liệu, những năm gần đây, người dân huyện Tân Yên đã tập trung trồng sâm nam núi Dành. Đến nay, với hàng trăm ha dược liệu quý trên địa bàn đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Nguồn thu nhập khá ấn tượng này không chỉ giúp người dân ở địa phương, trong đó có nhiều hộ là người DTTS vươn lên thoát nghèo, mà nhiều diện tích đất rừng được phủ xanh và bảo vệ nghiêm ngặt.

Sâm nam núi Dành giúp đồng bào Tân Yên làm giàu
Sâm nam núi Dành giúp đồng bào Tân Yên làm giàu

Cây thoát nghèo

Đã từ lâu, sâm luôn đứng đầu trong danh mục thuốc quý và sâm nam núi Dành nổi tiếng bởi thành phần dược tính khi trồng ở vùng đất này. Những năm gần đây, bà con nông dân trên địa bàn 2 xã Việt Lập và Liên Chung đã tập trung đầu tư, phát triển cây dược liệu này, kết quả đã đem lại nguồn thu nhập từ bán hoa sâm, sâm củ và cây sâm giống thu về hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Ông Dương Văn Viên một lão nông trồng sâm nam ở thôn Lãn Tranh 1, xã Liên Chung chia sẻ: Đầu năm 1982, từ vài cây sâm giống, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, dần dần đến đầu những năm 2000, khi ông đã làm chủ được kỹ thuật, thì vườn sâm của gia đình đã lên tới diện tích gần 6.000m2.

“Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao, tôi đầu tư hệ thống máy phun tưới tự động không cần thuê nhân công tưới nước hằng ngày, lên lịch, cài đặt giờ tưới nước cho cây, kiểm tra được độ ẩm của đất, từ đó điều chỉnh số lần tưới theo yêu cầu”, ông Viên cho hay.

Hiện nay, vườn sâm của gia đình ông Viên đã có trên 8.000 gốc đang bắt đầu cho thu hoạch. Ông thông tin, giá bán hoa khô là từ 200 – 300 triệu đồng/năm; củ sâm đẹp đã bán được 2 triệu đồng. Củ vừa bán 1,2 triệu đồng, củ nhỏ cũng được 500.000 - 700.000 đồng.

Cây trồng giúp nhiều bà con thoát nghèo
Cây trồng giúp nhiều bà con thoát nghèo

Từ 1 hộ gia đình có kinh nghiệm sản xuất cây sâm nam, nhận thấy rõ triển vọng kinh tế cao, gia đình chị Trần Thị Thanh quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) để liên kết các hộ cùng trồng sâm nam vào tập trung sản xuất, mở rộng vùng nguyên liệu, nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác. 

Đến nay, ngoài 7ha sâm có tuổi đời từ 2 đến 10 năm tuổi, HTX còn xuất bán 50 vạn cây giống mỗi năm, đồng thời thực hiện liên kết thu mua nguyên liệu cho các hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất sâm nam. Đặc biệt, HTX còn đảm bảo duy trì công ăn việc làm cho 15 lao động địa phương, với mức thu nhập ổn định.

Nâng cao hiệu quả từ "báu vật" địa phương

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Tân Yên cho biết, UBND huyện sẽ sớm ban hành và thực hiện tốt quy chế quản lý bảo hộ sản phẩm sâm núi Dành. Chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ cao nhất cho sản phẩm đặc thù của địa phương, bao gồm: Nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận và chỉ dẫn địa lý. 

Hiện tại sâm núi Dành là một trong ba sản phẩm của tỉnh Bắc Giang được cấp bảo hộ này gồm: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế và sâm núi Dành. Ngoài những dược tính ưu việt sẵn có, chỉ dẫn địa lý sẽ làm tăng thêm thương hiệu của sâm nam núi Dành, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng đồi, núi huyện Tân Yên thích hợp với loài sâm nam quý, phòng Nông nghiệp đã trình và tham mưu UBND huyện Tân Yên đã xây dựng và triển khai: “Đề án phát triển cây sâm nam núi Dành”. Theo đó, mở rộng diện tích quy hoạch vùng trồng sâm nam núi Dành trên địa bàn huyện lên khoảng 150ha. Mục tiêu phát triển mở rộng vùng sâm nam núi Dành, trở thành vùng dược liệu quy mô lớn của huyện để hỗ trợ người dân địa phương thoát nghèo, ổn định và chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao. 

Đặc biệt, nguồn thu nhập khá từ cây sâm nam núi Dành giúp người dân ở địa phương, trong đó có nhiều hộ là người DTTS vươn lên thoát nghèo, mà qua đó nhiều diện tích đất rừng được phủ xanh và bảo vệ nghiêm ngặt.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu thăm mô hình trồng sâm núi Dành
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cùng các đại biểu thăm mô hình trồng sâm núi Dành

Trao đổi về nội dung này, ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Yên nhấn mạnh: Để từng bước mở rộng diện tích trồng sâm nam, cũng như nâng cao giá trị của loại dược liệu quý này, địa phương đã tăng cường công tác quảng bá, đẩy mạnh công tác liên kết, kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, chế biến và mở rộng vùng sản xuất; kết nối các tổ chức cá nhân sản xuất sâm nam núi Dành, với các doanh nghiệp để hình thành chuỗi từ khâu sản xuất đến khâu thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ sâm nam núi Dành để người dân yên tâm trong sản xuất.

Ghi nhận hơn là, từ sản xuất truyền thống, tự phát, phân tán, nhỏ lẻ, đến nay cây sâm nam núi Dành đã và đang được người dân, các HTX chuyển dần sang sản xuất thành vùng tập trung; đầu tư thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây sâm; sử dụng phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất...qua đó nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đối với sản phẩm dược liệu quý này.