Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người La Hủ trồng sâm Lai Châu

Phương Ly - 11:05, 18/06/2024

Từ năm 2019 khi cây sâm Lai Châu được bảo tồn, nhân rộng, 53 hộ dân ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã liên kết với một số doanh nghiệp trồng và nhân rộng cây sâm.

Người dân bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè chăm sóc cây sâm Lai Châu
Người dân bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè chăm sóc cây sâm Lai Châu

Năm 2019, với sự định hướng, giúp đỡ của chính quyền xã, gia đình anh Pờ Xồ Hừ, ở bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè đã trồng 60 cây sâm Lai Châu tại vườn nhà. Theo chia sẻ của anh Hừ, sâm Lai Châu phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng nên sinh trưởng và phát triển rất tốt. Đây là cơ hội để gia đình anh phát triển kinh tế.

Nhận thấy các loại dược liệu quý, trong đó có cây sâm Lai Châu đang dần cạn kiệt tại những cánh rừng của xã Pa Vệ Sử, với mong muốn bảo tồn và phát triển loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này, năm 2018, anh Pờ Và Hừ, Người có uy tín, Trưởng bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sử quyết định trồng 6.500 cây sâm Lai Châu. Đến năm 2019, nhận thấy cây sinh trưởng phát triển tốt khi trồng tại bản, gia đình anh và 46 hộ đã liên kết để trồng sâm. Hiện nay, diện tích sâm của bà con trong bản Sín Chải B đã đạt 3ha.

Sâm Lai Châu có hình thái tương tự Sâm Ngọc Linh, lá tròn, hai mặt lá có lông, hạt có 1 chấm đen. Sâm Lai Châu có hàm lượng saponin lên tới 21,34%; trong đó hợp chất Majonosid - R2 tới 7,78% và đã được chứng minh có một số tác dụng sinh học tốt cho sức khỏe... Hiện nay, tại tỉnh Lai Châu đã có gần 30 doanh nghiệp, hợp tác xã và hàng trăm hộ gia đình, cá nhân đầu tư, gây trồng được 100ha sâm, với hàng chục nghìn cây sâm giống gốc.

Anh Hừ chia sẻ: “Qua thời gian trồng và chăm sóc, tôi nhận thấy cây sâm phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, sinh trưởng phát triển tốt, hy vọng sẽ mang lại thu nhập cao. Tôi mong muốn tỉnh, huyện quan tâm, có nhiều cơ chế thu hút thêm các doanh nghiệp tham gia liên kết với người dân địa phương trồng sâm để hướng tới giảm nghèo bền vững”.

Theo chia sẻ của một số hộ trồng sâm, thời gian tới, bản Sín Chải B sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ, phòng cháy rừng, từ đó làm nền tảng để trồng và phát triển cây sâm Lai Châu dưới tán rừng. Cùng với đó, tích cực gìn giữ, bảo tồn và phát triển giống dược liệu quý này thông qua việc nhân rộng ra các hộ trong bản cùng trồng.

Sâm Lai Châu được ví như “ngọc quý” nơi núi rừng Lai Châu bởi trong thành phần của nó chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khoẻ của con người với hàm lượng Saponin cao. Bên cạnh đó, giá trị kinh tế từ cây sâm mang lại rất cao, lên tới hàng chục triệu đồng/kg củ tươi. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, Lai Châu có tiềm năng để phát triển trồng sâm Lai Châu với quy mô hàng trăm ha đến hàng nghìn ha theo chuỗi liên kết giá trị.

Đồng bào La Hủ chăm sóc cây sâm Lai Châu
Đồng bào La Hủ chăm sóc cây sâm Lai Châu

Tuy nhiên hiện nay, chính sách hỗ trợ và công cụ quản lý trong phát triển giống sâm Lai Châu còn hạn chế; hạ tầng giao thông đến bản còn khó khăn. Để giải quyết vướng mắc này cần phát triển và hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp; chuyển giao khoa học công nghệ về giống, quy trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến sản phẩm.

Ông Đao Văn Khánh, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè chia sẻ: “Chúng tôi đang quyết liệt chỉ đạo các xã có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phát triển sâm Lai Châu. Từ đó, xây dựng vùng quy hoạch, thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy khả năng nguồn gen giống từ gen địa phương. Chú trọng đầu tư hạ tầng, thu hút nguồn nhân lực và phát triển diện rộng sâm trên địa bàn huyện”.