Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Dao Tiền bảo tồn nghề thủ công để phát triển du lịch cộng đồng

Tào Đạt - 22:38, 14/07/2024

Từ khi các mô hình du lịch cộng đồng phát triển và lan tỏa trong nhiều vùng đồng bào DTTS và miền núi, nghề thủ công truyền thống của cộng đồng người Dao Tiền ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) đã dần trở thành sản phẩm du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con, nhờ vậy đời sống vật chất và tinh thần của bà con ngày càng nâng cao.

Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc
Chị em phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao luôn giữ gìn nghề dệt và in sáp ong truyền thống của dân tộc (Ảnh: Thành Luân)

Nỗ lực bảo tồn nghề truyền thống

Bên trong ngôi nhà gỗ, mái lợp bằng ngói âm dương ở xóm Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình), chị Bàn Thị Liên (sinh năm 1984) cùng mấy chị phụ nữ Dao Tiền đang cặm cụi, chăm chút từng công đoạn in hoa văn trên thổ cẩm bằng sáp ong. Cầm miếng sáp vàng sậm, chị Liên chà nhẹ trên chiếc đĩa sắt tráng men đặt trên than hồng. Khi miếng sáp dần tan chảy, chị Liên cùng mọi người rất nhanh tay dùng các dụng cụ chấm vào sáp ong rồi in hoa văn lên mặt vải.

Nói về nghệ thuật in sáp ong của dân tộc mình, chị Liên cho biết, ngay từ nhỏ, những người phụ nữ Dao Tiền như chị đã được các bà, các mẹ trong làng truyền dạy. Khi đã thuần thục, các chị sẽ tự tay dệt vải, in hoa văn để tạo nên bộ trang phục truyền thống của mình. Mặc dù trang phục hiện đại đã được sử dụng rộng rãi hơn, nhưng đối với phụ nữ Dao Tiền, việc tự tay làm nên bộ trang phục truyền thống vẫn vô cùng quan trọng, là thước đo của sự đảm đang, khéo léo.

Theo chị Liên, đồng bào Dao Tiền ở xóm Hoài Khao đều có ý thức gìn giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, từ kiến trúc nhà cửa, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tiếng nói… Đặc biệt, nghề in hoa văn bằng sáp ong được lưu truyền từ đời này qua đời khác, như một nét văn hóa độc đáo và cũng là niềm tự hào của dân tộc. 

Các sản phẩm vải thủ công in sáp ong không chỉ phục vụ đời sống sinh hoạt, đồng bào còn mang bày bán tại chợ phiên địa phương, phố đi bộ nhằm tăng thêm thu nhập. Những người phụ nữ Dao Tiền cũng thường xuyên phô diễn kỹ thuật in sáp ong để quảng bá, giữ chân du khách.

Chị Bàn Thị Liên đun nóng sáp ong trước khi in lên vải (Ảnh: Thành Luân)
Chị Bàn Thị Liên đun nóng sáp ong trước khi in lên vải (Ảnh: Thành Luân)

Ông Lý Hữu Tăng (sinh năm 1976), Trưởng xóm Hoài Khao chia sẻ: Bà con trong xóm rất tự hào về nghề thêu và in hoa văn sáp ong của dân tộc mình. Bên cạnh việc giúp tôn vinh những nét văn hóa khác biệt, độc đáo của bà con, thì việc sử dụng sáp ong để tạo hoa văn trên trang phục của người Dao Tiền cũng là cách bà con nơi đây bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cụ thể là việc giữ cây rừng thu hút ong về làm tổ.

Để giúp bà con Dao Tiền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, thời gian qua, UBND huyện Nguyên Bình đã phối hợp với trung tâm văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thông tin tỉnh Cao Bằng mở nhiều lớp tập huấn về truyền dạy in hoa văn sáp ong cho các chị em trong xóm và các xóm lân cận tham gia. Nhờ đó, ngày càng có nhiều chị em Dao Tiền biết và thực hành các kỹ thuật in thêu truyền thống đặc sắc của dân tộc.

Chị Nguyễn Thị Duyến (dân tộc Dao Tiền trú tại xóm Hoài Khao) chia sẻ: “Sau những lần đi tham quan, học hỏi, chị em đã sáng tạo nên những mẫu mã mới, cách làm mới như móc chìa khóa, khăn trải bàn, ba lô, túi đựng điện thoại… vì thế sản phẩm làm ra ngày càng được khách du lịch ưa thích”.

Khởi sắc từ việc bảo tồn gắn với phát triển du lịch

Thời gian qua, nhiều xã tại huyện Nguyên Bình như “thay da đổi thịt” nhờ kết hợp nghề thủ công truyền thống với du lịch cộng đồng, trong đó xóm Hoài Khao là một điểm sáng.

Xóm Hoài Khao hiện có 35 hộ với gần 200 khẩu, tất cả là người Dao Tiền. Vùng đất này còn được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hiếm có, một quần thể núi, đồi, thung lũng, suối và những đồng lúa mênh mông. Được đưa vào hoạt động từ năm 2020 tới nay, điểm du lịch cộng đồng xóm Hoài Khao đã giúp quảng bá nghề thủ công của dân tộc Dao Tiền tới hàng nghìn du khách trong và ngoài nước.

Nhờ thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách tại xóm Hoài Khao nhằm phát triển du lịch cộng đồng
Nhờ thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách tại xóm Hoài Khao nhằm phát triển du lịch cộng đồng

Ông Hoàng Quốc Chấn - Chủ tịch UBND xã Quang Thành, cho biết: Xóm Hoài Khao hiện có 7 hộ ở kinh doanh dịch vụ Homestay phục vụ du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trung bình mỗi Homestay có thể đón 10 khách lưu trú. Khi có khách du lịch, bà con giới thiệu và hướng dẫn họ trải nghiệm kỹ thuật in vải bằng sáp ong. Trung bình mỗi năm Hoài Khao đón 400 - 600 lượt du khách đến tham quan, trải nghiệm, trong đó có cả du khách quốc tế.

Thực hiện Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, tỉnh Cao Bằng đã triển khai nhiều chính sách tại xóm Hoài Khao.

Không chỉ đẩy mạnh các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về du lịch cộng đồng, chính quyền địa phương mà còn tổ chức cho người dân xóm Hoài Khao đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng trong tỉnh như Khuổi Ky (huyện Trùng Khánh), làng nghề rèn Phúc Sen, làng nghề làm hương Phia Thắp (huyện Quảng Hòa)…

Nhờ những chính sách hiệu quả, kịp thời, đời sống của người Dao Tiền tại Cao Bằng đang ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế.

“Từ khi xóm Hoài Khao trở thành Điểm du lịch cộng đồng, đời sống của gia đình tôi tốt lên rất nhiều. Không còn phải làm nhiều công việc chân tay mệt nhọc. Nhờ khách du lịch mà các sản phẩm thủ công do gia đình sản xuất cũng tiêu thụ nhanh hơn”, anh Lý Hữu Nhất, chủ Homestay Nhất Nhất chia sẻ.

Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm thủ công của đồng bào Dao Tiền đã đem lại giá trị kinh tế cao
Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, sản phẩm thủ công của đồng bào Dao Tiền đang đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân (Ảnh: Thành Luân)

UBND tỉnh Cao Bằng xác định, phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời xác định phương châm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Việc xây dựng những mô hình như ở xóm Hoài Khao là một hình thức nhằm cụ thể hóa chủ trương này. 

Tuy nhiên, muốn để các mô hình này phát triển, các cấp chính quyền địa phương cũng đã xác định, cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng trong làm du lịch cho bà con Nhân dân. Đồng thời, với các sản phẩm thủ công như in sáp ong của người Dao Tiền, các đơn vị, ngành liên quan cũng phải nghiên cứu giải pháp, giúp bà con sản xuất đa dạng hơn về mẫu mã, cải tiến quy trình để hạ giá thành sản phẩm. Qua đó, vừa bảo tồn nghề truyền thống, vừa tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm và sử dụng các sản phẩm, từ đó bà con có thêm thu nhập cải thiện đời sống và giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi - Món đồ chơi Trung thu đang đi vào quá vãng...

Trống bỏi từng là món đồ chơi Trung thu không thể thiếu trong ký ức của biết bao trẻ em miền Bắc… Thế nhưng, ngày hôm nay trên chính “quê hương” của món đồ chơi giản dị ấy, tại làng nghề Báo Đáp, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định) chỉ duy nhất ông Nguyễn Đức Hưởng còn tiếp nối và duy trì nghề làm trống.