Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ gìn âm nhạc H’rê

PV - 14:51, 13/05/2019

Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng với tinh thần bền bỉ của một người lính, ông Phạm Văn Sự ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn miệt mài không mệt mỏi với việc giữ gìn, truyền bá những di sản quý giá của người H’rê.

Ông Phạm Văn Sự giới thiệu nhạc cụ tre, nứa của người H’rê tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ông Phạm Văn Sự giới thiệu nhạc cụ tre, nứa của người H’rê tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Là người con dân tộc H’rê, từ thời ấu thơ, ông Phạm Văn Sự được tắm mình trong làn điệu ca chôi, ta lêu mượt mà của bà, của mẹ, âm thanh của cồng chiêng và nhạc cụ tre nứa. Những âm thanh ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn ông đến gần hơn với nghệ thuật. Năm 10 tuổi, ông Sự đã theo cha vào rừng chọn tre, nứa về làm nhạc cụ.

Đến tuổi trưởng thành, ông Sự tham gia quân ngũ. Dù trong môi trường bom đạn chiến tranh, ông vẫn luôn mang theo cây sáo, cây đàn của mình để vừa khích lệ tinh thần cho anh em, đồng đội…

Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, ông dạy các loại nhạc cụ cho nhiều người ở xã Ba Vinh. Chiến tranh kết thúc, ông được chính quyền xã Ba Vinh giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Văn hóa xã. Ông được chính quyền địa phương đưa đi tham gia nhiều hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng ở huyện và tỉnh để phục vụ Nhân dân. Đây chính là khoảng thời gian ông Sự có điều kiện phát huy hết những khả năng của mình với các nhạc cụ của người H’rê.

Ông Sự cho biết, để làm được nhạc cụ có âm thanh hay, phải có nguyên vật liệu tốt và mất khoảng nửa tháng chế tác. Loại đàn phổ biến ông Sự thường làm là đàn b’rooc, gồm 1 thanh tre hoặc nứa thẳng xuyên quả bầu khô rỗng ruột, thanh tre là cần đàn có 8 phím, mắc 2 dây, quả bầu vừa đẹp, vừa để tỳ đàn, vừa có chức năng cộng hưởng. Loại đàn này thường để tấu những làn điệu mang tính tự sự.

Dù đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Sự vẫn miệt mài với những chuyến đi biểu diễn ở nhiều nơi. Có lúc ông đi biểu diễn ở Kon Tum, Gia Lai, Quảng Ngãi, rồi lại lên tỉnh để dạy cho các lớp chế tác nhạc cụ do Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tổ chức. Ông tâm sự: “Lớp trẻ bây giờ ít đam mê âm nhạc và nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người biết chơi và chế tác nhạc cụ cũng chẳng còn mấy người. Nhà nước cũng tuyên truyền cho bà con nên giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình, vậy nên tôi càng quyết tâm gìn giữ và lưu truyền cho con cháu”.

Gắn bó cả cuộc đời với âm nhạc truyền thống dân tộc, có lẽ tài sản lớn nhất của ông Sự chính là bộ sưu tập nhạc cụ do chính tay ông chế tác. Giờ đây, ngôi nhà của ông như bảo tàng thu nhỏ, thu hút các bạn trẻ trong xã cũng như khách du lịch đến tìm hiểu về âm nhạc truyền thống, dân gian H’rê.

Với những đóng góp đó, vừa qua, ông Phạm Văn Sự vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân-loại hình tri thức dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian.

HỒNG MINH