Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ hồn cây pí Thái

PV - 08:40, 13/12/2018

Pí là loại nhạc cụ dân gian độc đáo không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Âm thanh giản dị, ngân nga của nó giúp nói lên tình cảm, tâm hồn con người, là biểu tượng văn hóa tinh thần độc đáo và thể hiện niềm lạc quan cùng những triết lý sống sâu sắc của con người.

cây Pí Nghệ nhân Quàng Văn Hom bên những cây Pí do ông chế tác.

Pí là một loại nhạc cụ hơi, được làm từ ống giang, ông nứa lấy trên nương, đồi và trong các khu rừng nơi có đồng bào Thái sinh sống. Ông Quàng Văn Hom, bản Na Ten, xã Hua Thanh, huyện Điện Biên-một nghệ nhân hiếm hoi của tỉnh Điện Biên hiện còn lưu giữ được cách chế tác và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của dân tộc Thái cho biết: Từ nhỏ đã nảy sinh một tình yêu với âm nhạc truyền thống dân tộc nên ông đã gắn bó và biết chơi pí khi mới 10 tuổi. Theo lời ông Hom, người Thái có nhiều loại nhạc cụ làm từ ống giang, ông nứa, chỉ riêng pí đã có đến 5 loại khác nhau, như: Pí pặp đơn, pí pặp đôi, pí lắm văn, pí pếu, pí láo nọi, pí láo luông. Mỗi loại pí được sử dụng trong một trường hợp riêng và có âm điệu khác nhau. Có pí được các chàng trai dùng như bảo bối để gọi bạn tình, bày tỏ tình cảm lứa đôi (pí pặp đơn, pí pặp đôi, pí lắm văn), có pí dùng để đi săn, thổi gọi thú đến (pí pếu), có pí lại dùng để làm lý, thực hiện các nghi thức tín ngưỡng (pí láo nọi, pí láo luông)…

Ông Hom chia sẻ, để làm một cây pí mất rất nhiều công và cần tỉ mỉ trong từng chi tiết chế tác. Đầu tiên lên rừng lấy nứa thì phải đi vào những ngày cuối tháng, thời điểm lúc cuối mùa thu dần chuyển sang đông, chọn những cây thẳng đẹp, thân tròn đều… Như vậy để sau này cây pí không bị mọt, âm thổi ngân vang…

Pí pặp dài khoảng 70cm, có 5 lỗ tương ứng với 5 hàng âm, đồ, mi, pha, son, si và khoảng cách giữa các âm được tính theo chu vi hình tròn ở đầu ống nứa. Sau khi dùi lỗ xong sẽ tạo lam, cài lưỡi gà bằng đồng hoặc bạc ở phần đầu ống thổi. Để chuẩn chỉ kỹ thuật và được âm vang như ý, tất cả các công đoạn làm pí đều thực hiện thủ công không có máy móc thay thế... Bởi vậy, trong một ngày, người khéo léo như ông Hom cũng chỉ có thể chể tác được 1 cây pí.

Vừa giới thiệu cách chế tác, ông Hom vừa thổi cho chúng tôi nghe giai điệu của từng loại pí. Nhìn những chiếc Pí đơn sơ nhưng khi thổi lên nhịp điệu thì dường như có sự gắn kết vô hình giữa đất trời, vạn vật bỗng giao hòa với nhau. Âm vang ngân rung bay bổng làm tâm hồn con người cảm thấy tươi sáng hơn, thêm tin yêu vào cuộc sống.

Với những chàng trai Thái pí như người bạn, còn với các cô gái tiếng pí lại là thứ âm thanh giúp họ tìm được người trong mộng và cũng qua tiếng pí người nghe có thể cảm nhận được tâm trạng của người thổi đang vui hay buồn.

Theo ông Hom, lớp trẻ bây giờ không còn nhiều người biết chế tác và chơi pí hay nữa nên ông luôn trăn trở làm sao để nét văn hóa cổ truyền của dân tộc không bị mai một và đang nỗ lực tìm cách gìn giữ và truyền dạy cho con cháu. Những loại nhạc cụ về pí ông tỉ mẩn chế tác ra cốt để thỏa mãn thú đam mê và quan trọng hơn là mong muốn được góp phần lưu giữ nét văn hóa truyền thống vốn của dân tộc mình.

NAM HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.