Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người giữ “hồn Then” cổ ở Nậm Nhùn

Hà Minh Hưng - 11:06, 30/10/2022

Khi lời Then hoà nhịp cùng đàn tính chính là tiếng lòng của đồng bào Thái, kèm những ước nguyện tốt đẹp nhất của bản, của Mường, của mỗi gia chủ… tất cả được thầy mo gửi đến các đấng siêu nhiên qua lời Then. Hiện nay, trong các bản người Thái ở Lai Châu vẫn có những ông, bà Then miệt mài lưu giữ giá trị truyền thống của Then. Tiêu biểu trong số đó là nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện

Khi chúng tôi đến bản Nậm Ty đã nghe thấy tiếng Then, đàn tính văng vẳng khắp từng ngõ xóm. Theo hướng tay chỉ của bà con chúng tôi tìm gặp Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện (bản Nậm Ty, xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) – Người được bà con đồng bào Thái khắp vùng Tây Bắc đánh giá là người hát Then, đàn tính giỏi. Tuổi càng cao giọng ca, tiếng đàn của ông càng điêu luyện.

Sinh năm 1969 trong gia đình có truyền thống hát Then đàn tính, từ nhỏ, cậu bé Lâm Văn Điện như bị “bỏ bùa” khi mỗi lần nghe cha đàn, hát những bài Then truyền thống. Lớn lên, chàng thanh niên được cha truyền đàn và công thức chế tác một đàn tính. Nhưng thú nhất là những ngày dài theo cha đi khắp các vùng Quỳnh Nhai, Tủa Chùa, Mường Lay, Điện Biên phụ hát. Năm 15 tuổi Lâm Văn Điện đã thuộc hết các bài Then, đàn tính. Ở tuổi 20, ông được bà con trong Mường, ngoài bản trọng vọng gọi thầy, cũng từ đó Lâm Văn Điện nối nghiệp cha đi diễn xướng bất cứ đâu khi có lời mời.

Nghệ nhân Lâm Văn Điện chia sẻ: Then là tiếng lòng, là sự kết hợp hài hoà giữa các yếu tố nghệ thuật như múa, hát, trình diễn nhạc cụ dân tộc, tất cả được hoà quyện thành giá trị văn hoá truyền thống riêng của mỗi dân tộc. Thế nên, tục lệ cúng trời, đất, mường bản là những nét sinh hoạt tôn giáo không thể thiếu trong đời sống tinh thần của dân tộc Thái. Mỗi lễ cúng lại có một bài hát Then, đàn tính riêng, nên việc học để thành thạo hát Then, đàn tính là một điều “rất khó”. Hiện nay, số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này rất ít. Để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, tôi đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy lại cho con cháu và những người đam mê với loại hình nghệ thuật này để tiếng Then còn ngân mãi nơi bản làng của đồng bào Thái”.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện trình diễn Then, đàn Tính tại Liên hoan “Hát then – đàn tính” tỉnh Lai Châu lần thứ V, năm 2020
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện trình diễn Then, đàn Tính tại Liên hoan “Hát then – đàn tính” tỉnh Lai Châu lần thứ V, năm 2020

Năm 2013, nghệ nhân Lâm Văn Điện tập hợp 7 thành viên của bản Nậm Ty là những người yêu văn hoá truyền thống, đặc biệt là hát Then – đàn tính, và như thường lệ cứ ngày trăng tròn, đội văn nghệ lại trải chiếu tại sân nhà ông tập luyện, trình diễn cho bà con thưởng thức.

Ông cùng đội văn nghệ bản mình tham gia nhiều Hội thi, Liên hoan hát Then đàn tính và giành nhiều giải thưởng, được bà con ủng hộ trân trọng. Như cháy lên ngọn lửa truyển thống, phong trào chơi tính tẩu, học nhạc cụ dân tộc ngày càng lan toả. Có lẽ người vui nhất bản là ông, bởi nghề chế tác đàn tính gia truyền bao năm giờ “sống” lại. Nhiều câu lạc bộ các tỉnh Điện Biên, Sơn La, các trung tâm nghệ thuật tỉnh, nhà hàng ẩm thực… tìm đến ông đặt làm đàn tính biểu diễn, trưng bày. Có thu nhập, ông càng say, yêu công việc hơn.

Mặc dù bận với việc chế tác đàn Tính, nhưng khi rảnh, ông lại chỉ bảo nắn nót từng phím đàn, điệu múa cho các thành viên, ông luôn căn dặn mọi người: Hát Then – đàn tính không thể tách rời, nó là món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống của đồng bào Thái ta từ xưa, bởi vậy cần phải gìn gìn giữ, phát huy.

Bà Lò Thị Triệu, đội trưởng đội văn nghệ bản Nậm Ty bộc bạch: “Xưa, hát Then chủ yếu dùng vào việc tâm linh cúng bài, cầu, ước, qua thầy mo then để giao tiếp với thần linh. Ngày nay, ngoài những làn điệu Then cổ, có nhiều bài then mới cải biên phù hợp với cuộc sống hiện đại về chủ đề ca ngời bản mường, xây dựng nông thôn mới, yêu lao động, yêu quê hương đất nước… Nhờ có bác Điện mà tình yêu văn hoá truyền thống dân tộc được cháy trở lại với người Thái ở Nậm Nhùn”.

Thời kỳ hội nhập, giới trẻ tiếp cận với nhiều loại hình văn hóa mới, không biết nhiều đến hát Then, đàn tính. Nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc truyền dạy. Ý thức được điều này, nghệ nhân Lâm Văn Điện nỗ lực truyền dạy kỹ thuật đánh đàn Tính, các bài múa Then cho các thành viên đội văn nghệ bản và những người có mong muốn theo học.

Anh Lò Văn Trịnh – thành viên đội văn nghệ chia sẻ: “Được nghệ nhân Điện tận tình truyền dạy các kiến thức, kinh nghiệm bản thân về hát Then, đàn Tính, đến nay các thành viên trong đội đã chơi tốt các nhạc cụ dân tộc, biết luyến láy, đúng lười nhịp của Then cổ, và Then cải biên. Mong muốn của đội văn nghệ là được truyền dạy tới các thế hệ kế cận, nhất là con em đồng bào đang ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó, góp phần bảo tồn, và lan toả những tập tục tốt đẹp của cộng đồng dân tộc Thái”.

Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện cùng đội Then trình diện trong ngày lễ của huyện Nậm Nhùn
Nghệ nhân Ưu tú Lâm Văn Điện cùng đội Then trình diễn trong ngày lễ của huyện Nậm Nhùn

Ông Hà Văn Ruệ - Trưởng phòng Văn hoá Thông tin huyện Nậm Nhùn xác tín: Nghệ nhân Lâm Văn Điện được coi là một “kho tàng nghệ thuật sống” đối với việc lưu giữ, trình diễn nghệ thuật dân gian trên địa bàn huyện. Hiện, ông không chỉ là người trực tiếp trình diễn mà còn là người tích cực tham gia truyền dạy các bài múa Then, cố vấn phục dựng biểu diễn các tiết mục dân gian của đồng bào Thái tham gia các cuộc thi, hội diễn của đội văn nghệ trong và ngoài huyện. Đội văn nghệ bản Nậm Ty có sự góp mặt biểu diễn và hướng dẫn của nghệ nhân Điện là một trong những đội văn nghệ chủ lực của huyện Nậm Nhùn, thường xuyên đại diện cho huyện, tỉnh tham gia trình diễn và đạt nhiều các giải cao trong các hội diễn, liên hoan.

Trong những năm qua, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu đã thực hiện nhiều giải pháp bảo tồn Di sản Văn hóa phi vật thể. Tỉnh đã tập trung tuyên truyền, vận động để Nhân dân, nghệ nhân, thế hệ trẻ hiểu rõ và tự hào về giá trị của Di sản Then, từ đó cùng chung sức gìn giữ, bảo tồn. Bên cạnh đó, tỉnh Lai Châu còn quan tâm lựa chọn địa bàn trọng điểm để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản. Xây dựng kế hoạch sưu tầm các tư liệu, tài liệu, hiện vật liên quan đến Di sản Then. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ những người làm công tác quản lý di sản văn hóa ở cơ sở.

Các chế độ, chính sách đối với các nghệ nhân dân gian đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân, những người đang nắm giữ tri thức về Di sản Văn hóa phi vật thể về Then tại địa phương cũng đã và đang được triển khai một cách có hiệu quả.

Nghệ nhân Lâm Văn Điện nhận được nhiều giấy khen, bằng khen và nhiều giải thưởng như: Giải A tại Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V tại Tuyên Quang năm 2015. Năm 2018, ông tiếp tục mang về giải A Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn tính lần thứ VI tại Hà Giang khi trình diễn thành công tiết mục “Tiến Then lên trời”. Với những cống hiến của mình trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa phi vật thể của dân tộc, tháng 3/2019 ông vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. 

Nghệ thuật đàn Tính, hát Then đã được tổ chức UNESSCO công nhận, mở ra cơ hội để được bảo tồn và phát triển tốt hơn. Giữa cuộc sống hiện đại, với nhiều dòng nhạc và nhạc cụ được du nhập mạnh mẽ, những người như ông Điện nói riêng và cộng đồng người Thái ở xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu nói chung, đang góp phần không nhỏ cho việc bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc. Hy vọng trong tương lai không xa, hát Then, đàn tính sẽ đi được những chặng đường dài hơn, đến được với nhiều người hơn đặc biệt là thế hệ trẻ, để những giai điệu dân tộc sẽ lan tỏa sâu hơn trong cuộc sống.

Tin cùng chuyên mục
Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Hồn dân tộc nhìn từ cổ vật: Khi người trẻ đam mê cổ ngoạn (Bài 1)

Đam mê sưu tầm, lưu giữ các cổ vật văn hóa, những người trẻ với tư duy mới không giữ khư khư những bộ sưu tập cổ vật quý giá trong cánh cửa gia đình mình mà họ đã mang đi trưng bày, giới thiệu và chia sẻ với đông đảo công chúng để mọi người hiểu hơn, biết trân trọng hơn giá trị di sản của cha ông để lại.