Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Người góp phần thay đổi bản người Chứt ở Rào Tre

An Yên - CTV - 10:18, 12/11/2023

Tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, gương mẫu trong các phong trào của địa phương… là những gì mà cộng đồng người Chứt ở bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) dành tặng cho chàng trai trẻ Hồ Xuân Nam - Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản. Còn Nam thì cười vui với chúng tôi: “Cán bộ mặt trận là... trận nào cũng phải có mặt. Nếu không như thế thì khó mà hoàn thành công việc được. Bà con đã tin mình thì mình cũng phải làm sao để xứng với niềm tin yêu ấy”.


Anh Hồ Xuân Nam thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm kịp thời tháo gỡ những băn khoăn
Anh Hồ Xuân Nam thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, băn khoăn của bà con

Rào Tre là bản của người Chứt, có 46 hộ với 157 khẩu. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ nhận thức chưa đồng đều, một số tập tục chậm được xóa bỏ... Thực tế ấy là những khó khăn lớn đối với những cán bộ thôn, bản. Thấu hiểu rõ điều đó, Hồ Xuân Nam đã đặt ra cho mình một phương châm hành động khoa học, trách nhiệm: Miệng nói tay làm, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin.

“Mặt trận” đầu tiên mà Nam tiên phong là chuyện “vượt rào” trong hôn nhân. Dân tộc Chứt là một trong những dân tộc rất ít người, đời sống còn nghèo nàn và tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó dai dẳng nhất là tình trạng hôn nhân cận huyết. Là thế hệ trẻ, Nam luôn đau đáu nhắc mình phải vượt qua định kiến, xóa bỏ hủ tục của bản làng. Chính suy nghĩ ấy đã khiến chàng trai trẻ, vượt núi Ka Đay, vượt rừng Trường Sơn sang tỉnh Quảng Bình tìm vợ. Tấm gương của Nam, sự thủ thỉ, tâm tình của người cán bộ mặt trận, đã góp phần làm cho nhiều bạn trẻ ở bản Rào Tre học theo.

Anh Nam (bên phải) tận tình hướng dẫn bà con trong sản xuất nông nghiệp
Anh Nam (bên phải) tận tình hướng dẫn bà con trong sản xuất nông nghiệp

Anh Hồ Viết Đức, người dân bản Rào Tre tâm sự: Người Chứt trước đây sống khép kín, hôn nhân quẩn quanh trong bản. Được anh Nam giải thích, vận động xoá bỏ hủ tục lạc hậu, tôi cũng như các thanh niên dần hiểu ra và bắt đầu có nhận thức không lấy vợ cùng huyết thống trong bản nữa.

Cùng với tập tục hôn nhân cận huyết, người Chứt còn có tục sinh đẻ tại nhà, mời thầy mo về cúng khi đau ốm, gặp chuyện không may. Đây là 2 lĩnh vực khó khăn đối với Trưởng ban công tác Mặt trận Hồ Xuân Nam. 

“Đứng mũi” trong công tác dân vận, Nam đã khéo léo từng bước, kiên trì mỗi ngày để bà con dân bản hiểu rõ, làm đúng. Nam kể: Trước kia, trung bình cứ 3 người phụ nữ sinh con, thì có một trường hợp sinh tại nhà, do người thân trong gia đình "đỡ đẻ", nếu gặp sự cố thì rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Rồi anh Nam dẫn chứng: Gia đình chị Hồ Thị Nga có hai lần sinh tại nhà. Đến lần sinh thứ ba, chị cũng đã sinh tại nhà nhưng ngôi thai ngược.

Đi cơ sở lắng nghe và chia sẻ cùng bà con dân bản là công việc thường xuyên của Hồ Xuân Nam
Đi cơ sở lắng nghe và chia sẻ cùng bà con dân bản là công việc thường xuyên của Hồ Xuân Nam

Gia đình thì bảo “con ma rừng bắt” nên mời thầy mo đến, nhưng cúng mãi không được. Thấy nguy quá, tôi đã cố gắng trấn an tinh thần của gia đình, giải thích hậu quả có thể xảy ra đối với mẹ và em bé, từ đó vận động, thuyết phục người thân đưa chị Nga đến cơ sở y tế. Sau đó, cán bộ Tổ công tác Rào Tre thuộc Đồn Biên phòng Bản Giàng (Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh) cũng đến kịp thời để vận động, nhờ thế đã "mẹ tròn, con vuông".

Xuất phát từ suy nghĩ: Cán bộ là phải gương mẫu, Nam đã không ngại khổ, ngại khó mà thi đua lao động sản xuất. Từ những kiến thức mà cán bộ Bộ đội Biên phòng bản Giàng hướng dẫn: trồng lúa nước, chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh...; dần dần Nam đã tự làm thuần thục. Mảnh vườn quanh nhà được anh cải tạo để trồng cây ăn quả, nuôi gà; lúc nông nhàn thì đi rừng cắt lá cọ, dây mây về bán… Nhờ thế, kinh tế gia đình ngày một khấm khá hơn, có của ăn của để. Sự nêu gương của anh Nam đã tạo động lực cho bà con người Chứt ở Rào Tre vượt khó vươn lên.

Trong phong trào xây dựng NTM, bản Rào Tre đã được đầu tư xây dựng đường giao thông và kênh mương thủy lợi
Trong phong trào xây dựng NTM, bản Rào Tre đã được đầu tư xây dựng đường giao thông và kênh mương thủy lợi

Sinh năm 1987, Hồ Xuân Nam được coi là “hiện tượng hiếm”. Thường thì khi bầu chọn cương vị Trưởng Ban Công tác Mặt trận là người có uy tín, cao tuổi trong bản… nhưng Nam thì còn khá trẻ. Khi mới nhận nhiệm vụ, nhiều người cũng đã hoài nghi về năng lực của anh.

Suốt 4 năm qua, kể từ khi được đồng bào Chứt tín nhiệm, bầu làm Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Rào Tre, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”…  và phối kết hợp với già làng, trưởng bản, những Người có uy tín trong cộng đồng để cùng tuyên truyền, vận động nên mọi công việc đều được Nhân dân ủng hộ.

Hồ Xuân Nam giải bày: Trong vô vàn khó khăn, thì có điều thuận lợi là bà con dân bản đều nghe và nói được tiếng đồng bào. Khi tuyên truyền, vận động tôi cũng cố gắng thì truyền đạt sao cho đời thường nhất, tìm cách diễn đạt ngắn gọn, bình dân, dễ hiểu, dễ nhớ nhất. Vậy là bà con hiểu ngay.

Bản Rào Tre đang từng ngày đổi mới
Bản Rào Tre đang từng ngày đổi mới

Nói về Trưởng Ban công tác Mặt trận Hồ Xuân Nam, bà Hồ Thị Sơn - người dân bản Rào Tre cứ mãi tấm tắc: Ai cũng tin tưởng anh Nam, có việc gì cũng gọi nhờ anh chỉ bảo.

Về bản Rào Tre hôm nay, sự đổi thay hiện rõ từng ngày. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Ban Công tác Mặt trận bản đã cùng phối hợp để hướng dẫn bà kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, phát triển trồng rừng, trồng cây ăn quả để bà con tự túc lương thực, thực phẩm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày. Những đổi thay trên bản làng người Chứt ấy, có sự đóng góp không nhỏ của Trưởng Ban công tác Mặt trận Hồ Xuân Nam.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.