Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2)

Tào Đạt - 10:07, 13/12/2023

Những năm gần đây, với các nguồn đầu tư của Nhà nước, cùng sự tham gia tích cực của đồng bào người Cống, Mảng, Si La và Lự , một số hủ tục, lạc hậu còn tồn tại đang từng bước bị đẩy lùi khỏi đời sống của đồng bào các DTTS. Đồng bào ý thức việc xây dựng nếp sống văn minh, hiểu hơn về tầm quan trọng chung tay giữ gìn những giá trị, bản sắc văn hóa riêng có của dân tộc để phát huy trong đời sống cộng đồng.

Khởi sắc ở vùng từng là điểm nóng về hủ tục

Đổi thay nhiều nhất trong những năm qua phải kể đến vùng đồng bảo dân tộc Mảng tại huyện Nậm Nhùn, Lai Châu. Đây từng một trong những điểm nóng về tình trạng tảo hôn. Nhưng từ nhiều năm trở lại đây, nhờ sự vào cuộc mạnh mẽ, cùng nhiều hình thức tuyên truyền mà tình trạng tảo hôn nơi đây đã giảm và hôn nhân cận huyết đã không còn.

Ra đón từ tận đầu bản Pa Cheo (xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn), Trưởng bản Chỉn A Èo dẫn chúng tôi đi thăm các hộ dân, và phấn khởi khoe về những đổi thay của nơi đây trong thời gian qua.

(Bài CĐ Dân tộc KKĐT) Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2)
Bản Pa Cheo từng là điểm nóng nhiều hủ tục

Cả bản Pa Cheo có 62 hộ, với hơn 300 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mảng, có 40 hộ thuộc diện nghèo. Trước kia, vấn nạn tảo hôn và kết hôn cận huyết thống từng rất phổ biến, là tập quán lâu đời. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi kéo nhau về sống chung rồi sinh con. Nhưng từ năm 2020 đến nay, bản Pa Cheo chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn.

Là Người có uy tín và tích cực trong công tác vận động, bà con xoá bỏ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết, anh Chỉn A Éo chia sẻ: “Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã gây nhiều đau thương trong đồng bào dân tộc Mảng chúng tôi. Nguyên nhân một phần do trình độ dân trí còn hạn chế, cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi bà con người Mảng. So với trước, thì nay đời sống của bà con người Mảng khác xưa rất nhiều, đây là thành quả từ các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào DTTS”.

Cũng theo anh Chỉn A Éo, ngoài vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết, tình trạng nghiện rượu nay cũng hạn chế. “Hình ảnh đựng rượu trong túi nilong, hình ảnh những người đàn ông ngồi cả ngày uống rượu, ngã dúi dụi, đánh vợ con, lười lao động… nay đã không còn thấy ở bản Pa Cheo”.

Anh Chỉn A Éo chia sẻ, người dân bản Pa Cheo giờ đây cũng đã dần đổi thay cách nghĩ, cách làm, vươn lên xây dựng đời sống mới, giữ gìn bản sắc văn hóa, các lễ tết truyền thống của dân tộc. 

(Bài CĐ Dân tộc KKĐT) Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2) 1
Bộ đội Biên phòng đến bản Pa Cheo tuyên truyền, vận động người dân

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch HĐND xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, Lai Châu cho biết, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS đặc biệt là đồng bào dân tộc Mảng trên địa bàn xã Hua Bum đã có nhiều biến chuyển. Ngoài ra, các tệ nạn xã hội như nghiện rượu cũng đang dần được đẩy lùi.

“Bằng việc nâng cao nhận thức, đưa luật vào thực tiễn, chắc chắn trong thời gian tới các hủ tục và tệ nạn sẽ được xóa bỏ. Các cấp chính quyền xã đa và đang vận dụng các nguồn lực, các chính sách nhằm hỗ trợ và nâng cao đời sống cho bà con dân tộc Mảng. Khi đời sống kinh tế tốt lên, người dân được nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật thì những hủ tục lạc hậu cũng sẽ dần lùi vào quá khứ. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng vận động bà con giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình", ông Nguyễn Văn Cao cho hay.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Nhùn đã đẩy mạnh triển khai quan tâm đầu tư hỗ trợ đồng bào, thông qua các chính sách hỗ trợ như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghị định 116/2016 của Chính phủ; Quyết định số 536 của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội, hỗ trợ con em đồng bào Mảng về giáo dục, giống cây trồng vật nuôi, máy móc nông cụ…

Nỗ lực xây dựng nếp sống văn minh

Đã có một thời, người Cống ở xã Nậm Khao, huyện Mường Tè (Lai Châu) đứng trước nguy cơ tụt hậu, trình độ dân trí thấp, nhiều phong tục, hủ tục còn tồn tại. Nhờ thực hiện Quyết định số 1672 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế-xã hội vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao”, cùng với đó là các nguồn vốn hỗ trợ theo Nghị quyết 30, Chương trình 135 hỗ trợ giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719 và nhiều những chương trình chính sách khác, mà cuộc sống của đồng bào Cống nơi đây có những thay đổi rõ rệt. Lần trở lại gần đây, chúng tôi không khó để thấy được người dân đã có ý chí, nghị lực vươn lên để xây dựng đời sống mới.

(Bài CĐ Dân tộc KKĐT) Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2) 2
Tết Ngô được các nghệ nhân người Cống ở xã Nậm Khao (huyện Mường Tè, Lai Châu) đem tới "Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người" diễn ra vào tháng 11/2023

Bà Lý Thị Giống, 58 tuổi, người Cống ở bản Lăng Phiếu, xã Nậm Khao chia sẻ: “Ở bản trước kia cũng có nhiều hủ tục nhưng được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền, mà giờ đây các hủ tục đã được bà con loại bỏ ra khỏi đời sống rồi. Các gia đình cũng đã chú ý làm ăn phát triển kinh tế. Bà còn tham gia các phong trào văn nghệ giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc nữa”.

Phó Chủ tịch xã Nậm Khao Lò Văn Hạnh, cho hay: Để bà con dần xóa bỏ các tệ nạn, hủ tục lạc hậu, tập trung phát triển kinh tế, địa phương thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy ước, hương ước của đồng bào dân tộc mình. Đồng thời phát huy vai trò, tiếng nói của Người có uy tín, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản; đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Mảng làm công tác tuyên truyền và làm gương trong đời sống sinh hoạt cũng như trong lao động và học tập. Xã cũng tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để người dân giao lưu, vừa tăng cường tình đoàn kết, vừa có thể giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, xóa bỏ được các hủ tục lạc hậu.

(Bài CĐ Dân tộc KKĐT) Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2) 3
Người Cống ở Nậm Khao nỗ lực giữ gìn truyền thống văn hóa

Men theo con đường ngược dòng sông Đà, chúng tôi đến bản Seo Hai, xã Can Hồ tìm gặp bà Hù Thị Xuân (dân tộc Si La, 73 tuổi). Bà từng là giáo viên và là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Can Hồ, là một trong những người tiên phong đứng nên vận động bà con xóa bỏ hủ tục, lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Vốn hiểu biết về văn hóa dân tộc mình, bà Xuân đã không ngừng giáo dục con cháu nâng cao nhận thức về văn hóa Si La. Bà đã tổ chức sưu tầm, truyền dạy các bài hát, điệu múa cho cho Đoàn Thanh niên và Chi hội phụ nữ bản; thành lập các đội văn nghệ, câu lạc bộ hát tiếng Si La, tham gia cùng cơ quan chuyên môn nghiên cứu và biên soạn tài liệu lưu giữ về những nét văn hóa của dân tộc Si La…

 “Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Si La khá phong phú và đa dạng. Ngoài các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi truyền thống của dân tộc Si La, còn có nhiều nghi lễ liên quan đến truyền thống gia đình, cộng đồng như Thờ cúng tổ tiên, tết năm mới, lễ cúng bản, lễ gieo hạt tượng trưng, lễ cơm mới… Có thời điểm, các phong tục này có nguy cơ bị mai một, nhưng nhờ chính quyền địa phương quan tâm nên cũng đã được bảo tồn và phát huy”, bà Hù Cố Xuân chia sẻ.

(Bài CĐ Dân tộc KKĐT) Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: “Giữ đẹp, dẹp xấu”, xây dựng nếp sống văn minh (Bài 2) 4
Bà Hù Thị Xuân truyền dạy lại cho con cháu những nét đẹp của dân tộc Si La

Ông Trần Thanh Đạm, Chủ tịch UBND xã Can Hồ, cho hay, người Si La chỉ có ở huyện Mường Tè và sinh sống ở 2 bản Seo Hay, Sì Thâu Chải, xã Can Hồ, với trên 500 người. Thời gian qua, địa phương phát động phong trào xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá; khuyến khích bà con người Si La gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá riêng của dân tộc mình. Đến nay, phong trào đã đi sâu vào trong thực nếp nhà của người dân.

Giống như người Mảng, Cống và Si La, người Lự ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường cũng đang cố gắng phát huy đa dạng bản sắc văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh hơn. Nghệ nhân Lò Thị Sọn (dân tộc Lự ở xã Bản Hon) năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng vẫn miệt mài lên lớp dạy những bài múa cổ, những làn điệu dân ca, rộn ràng khắp các bản làng. Việc giúp cộng đồng bỏ đi cái lạc hậu và giữ gìn cái tốt đẹp đang là niềm vui, tình cảm trách nhiệm của bà đối với cộng đồng dân tộc.

“Những người lớn tuổi như tôi chỉ lo văn hóa truyền thống mai một. Do đó, khi còn sức khỏe là tôi vẫn sẽ cố gắng trao truyền, vận động con cháu kế thừa và phát huy”, bà Lò Thị Sọn nói.

Phụ nữ dân tộc Lự tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ Nhất tại Lai Châu
Phụ nữ dân tộc Lự tham gia Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người lần thứ Nhất tại Lai Châu

Để gìn giữ, lưu truyền văn hóa của dân tộc Lự, những năm qua, nhiều lớp truyền dạy văn hóa đã được tổ chức để các nghệ nhân am hiểu như bà Sọn trực tiếp đứng lớp. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bản Hon còn thành lập 8 đội văn nghệ, với 80 thành viên là hội viên, phụ nữ các bản tham gia luyện tập.

Được biết, với mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cho người dân, trong đó bao gồm cả vùng đồng bào dân tộc có số dân dưới 10.000 người, tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương thực hiện theo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với nhiều giải pháp linh hoạt và các chỉ tiêu chủ yếu như: số hộ được công nhận gia đình văn hóa, số bản khu phố đạt tiêu chuẩn văn hóa, số đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn, cũng như các giải thi đấu thể thao...

Lai Châu còn chú trọng bảo tồn, khôi phục các lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của từng dân tộc. Thông qua đó, người dân được thỏa mãn nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, góp phần bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc trong tỉnh.

Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu, cho biết, các nét đẹp văn hóa và lễ hội của các dân tộc như Mảng, Cống, Lự, Si La được tỉnh đưa vào danh mục tổ chức thực hiện hàng năm và được hỗ trợ kinh phí cho tổ chức thực hiện phục dựng và duy trì. Đặc biệt, nhờ có Chương trình MTQG 1719 đã giúp Lai Châu có thêm nguồn lực để hỗ trợ, đầu tư bảo tồn được nhiều di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS, nhất là đối với những dân tộc còn khó khăn đặc thù.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.