Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Hoa đón Tết

PV - 09:56, 11/02/2019

TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng 500.000 người Việt gốc Hoa, sống rải rác ở các quận, huyện nhưng tập trung đông nhất là ở quận 5, quận 6 và quận 11. Ngoài việc góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển chung của Thành phố, những giá trị văn hóa của cộng đồng người Hoa đã làm cho đời sống, văn hóa TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung thêm đa dạng, phong phú. Trong đó, ngày Tết cổ truyền cùng những phong tục đón mừng năm mới của cộng đồng người Hoa là một nét văn hoá đặc sắc và ý nghĩa.

Chuẩn bị đón năm mới

Dấu ấn đầu tiên khi bước sang tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) là, các khu phố-nơi có cộng đồng người Hoa sinh sống luôn rộn ràng với việc quét dọn, tân trang nhà cửa. Trên những tuyến phố chính như Lương Nhữ Học, Hải Thượng Lãn Ông… bao lì xì, câu đối, đèn hoa và hàng nghìn vật phẩm trang trí bày bán dọc các tuyến phố đã khiến khu Chợ Lớn rực rỡ không khí Tết. Thậm chí, nhiều cửa hàng bán đồ Tết năm nay, còn có thêm dịch vụ tới tận nhà để trang trí cho ngày Tết với giá từ 1 đến 10 triệu đồng, tùy theo tính chất, quy mô của ngôi nhà, khoảng cách xa hay gần…

Chùa bà Thiên Hậu (quận 5) là nơi người Hoa thường đến vào ngày mùng Một để cầu bình an, may mắn, làm ăn suôn sẻ cho cả năm. Chùa bà Thiên Hậu (quận 5) là nơi người Hoa thường đến vào ngày mùng Một để cầu bình an, may mắn, làm ăn suôn sẻ cho cả năm.

Không cúng ông Táo trong đêm 23 tháng Chạp như người Việt, mà đến sáng ngày 24 tháng Chạp, người Hoa mới bày mâm cúng đưa ông táo về trời. Họ gọi là lễ tạ táo. Trong mâm cúng tiễn ông táo, ngoài thịt, gà, cá (cá chép) thì còn có thèo lèo và quýt (quýt phát âm trong tiếng Hoa là “cát”, đồng âm với từ “cát” có nghĩa là “cát tường” (may mắn), với mong muốn ông táo sẽ trình lên Ngọc Hoàng những điều tốt đẹp, mang lại may mắn cho gia đình.

Trong nhà người Hoa thường dán câu đối liễn. Đến ngày 30 Tết, người ta thay câu đối liễn mới, giấy đỏ chữ vàng, nội dung thường mang thông điệp tốt lành như: Xuất nhập bình an, Kim ngọc mãn đường, Tân xuân đại cát... Với những gia đình làm ăn buôn bán tại nhà, nội dung câu đối liễn thường là: “Nhất bổn vạn lợi, Khai trương hồng phát, Sinh ý hưng long...”.

Ngoài ra, người ta còn dán chữ “Xuân” và “Phúc” ngược trên cửa, chữ “ngược” tiếng Hoa đọc là “đáo”, nghĩa là Xuân đến, Phúc đến. Sau khi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, thay câu đối liễn treo trong nhà, chưng các loại hoa mang ý nghĩa phát lộc, phát tài như hoa mai, hoa cúc, hoa thuỷ tiên và chậu quýt, người Hoa đã sẵn sàng đón một năm mới.

Thiếu nữ dân tộc Hoa duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống. Thiếu nữ dân tộc Hoa duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống.

Giao thừa cũng là ngày đoàn tụ gia đình. Tối giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn bữa cơm đoàn viên thịnh soạn.

Người Việt có mâm ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài”, thì người Hoa có quýt, bánh bao, bánh tổ. Tiếng Hoa gọi bánh bao là “phát bao”, bánh tổ là “niên cao”… Tựu trung đều mang ý nghĩa là sự ước mong cho năm mới, gia chủ được may mắn, phát tài, năm mới sẽ tốt hơn năm trước…

Ngoài ra, nhiều gia đình người Hoa khi cúng Giao thừa còn có giò heo, cải xà lách xanh sống. Tên những thứ này khi đọc lên thường có ý nghĩa tốt lành. Heo đọc là “trư”, đồng âm với “châu”-ý là "châu long nhập thủy", châu báu đầy nhà. Cải xà lách đọc là “Phát soi”, đồng âm với “Phát tài”…

Khi làm lễ cúng Giao thừa, các gia đình đặt mâm cúng trước hiên nhà và tất cả những người trong gia đình, từ nhỏ đến lớn đều ra quỳ vái lạy thiên công nhằm tạ ơn thiên công cho một năm sung túc và cầu năm mới bình an, suôn sẻ.

Tục lì xì ngày Tết của người Hoa

Cô Giang Tứ Liên, 66 tuổi, sống ở khu phố Trần Hưng Đạo (quận 5) cho biết, ngày mùng Một là ngày cả gia đình đoàn viên, sum họp, cúng bái, chúc Tết họ hàng và phát bao lì xì. Người lớn phát bao lì xì cho con cháu, cho người già… những ai còn độc thân, chưa có gia đình với ý nghĩa phát những đồng tiền may mắn đầu năm, những ai còn độc thân dù lớn tuổi vẫn được nhận bao lì xì như những người nhỏ tuổi. “Khi đến thăm viếng, chúc mừng năm mới các gia đình khác, cũng phải chuẩn bị bao lì xì để lì xì cho các em bé, những người độc thân trong gia đình mình đến. Ngoài ra, những ông chủ, giám đốc các doanh nghiệp cũng lì xì cho nhân viên trong ngày họp mặt đầu Xuân gọi là “khai công đại cát” hay “khai trương đại cát” để lấy hên, với quan niệm phát lộc đầu năm để cầu mua may, bán đắt, phát lộc, phát tài trong năm mới…”, cô Giang Tứ Liên cho hay.

Ngày mùng Một, các gia đình người Hoa chủ yếu đi chùa cầu bình an, may mắn, ít khi đến nhà người khác thăm viếng, chúc tụng, vì họ sợ sẽ mang điều không may đến cho gia chủ trong năm mới. Người Hoa cũng kiêng kỵ quét nhà trong ngày mùng Một và chỉ nói những điều vui vẻ, những câu chúc “phát tài, phát lộc” trong ngày đầu năm.

Đến ngày mùng Hai, người phụ nữ chủ của gia đình người Hoa sẽ chuẩn bị một bữa cơm đầu năm, với các món mang ý nghĩa may mắn như gà, cá, bánh củ cải, rau xà lách sống… để làm lễ cúng khai niên, tiếp khách đến chơi nhà và sau đó là đi viếng thăm, chúc Tết lẫn nhau trong xóm làng, khu phố. Tục này được gọi là “cung hỷ phát tài”.

Người Hoa thường ăn Tết đến ngày rằm tháng Giêng. Đối với dân tộc Hoa, rằm tháng Giêng tức ngày Tết Nguyên tiêu, là một lễ trọng đại trong đời sống của họ. Trong ngày này, bà con nô nức đi lễ chùa cầu phúc và trong khu vực dân cư cộng đồng người Hoa rất rộn ràng, náo nhiệt bởi các lễ nghi như các đám rước diễu hành qua phố, đội lễ nhạc cổ truyền, kèn trống vang lên, các cô gái người Hoa trong trang phục truyền thống múa hát, đèn hoa trang trí rực rỡ…

Có thể thấy, dân tộc Hoa vẫn bảo lưu được những nét văn hoa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng được lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác góp phần làm cho văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc.

BẰNG GIANG