Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Người làm nên thương hiệu "Gạo tím than Lò Gạch Cũ"

T.Nhân-H.Trường - 08:58, 12/03/2024

Ít ai ngờ được nơi cánh đồng trũng ở vùng rốn lũ của huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) lại có thể gieo trồng được lúa tím than cho năng suất cao. Đặc biệt ấn tượng hơn là chị Lê Thị Thanh Nga, người gieo trồng thành công giống lúa ấy lại tiếp tục biến cánh đồng lúa của mình thành một sản phẩm du lịch độc đáo, mang lại thu nhập khá cho gia đình và bà con nông dân trong vùng...

Chị Nguyễn Thị Thanh Nga đã khởi nghiệp thành công từ cánh đồng lúa tím than kết hợp cùng lò gạch cũ
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga đã khởi nghiệp thành công từ cánh đồng lúa tím than kết hợp cùng lò gạch cũ

Từ ý tưởng “điên rồ”…

Trong thời gian gần đây, nhiều người truyền tai nhau về điểm check-in độc đáo có một không hai ở vùng rốn lũ Duy Vinh, huyện Duy Xuyên. Đó là một lò gạch cũ hoang sơ, nằm giữa cánh đồng lúa tím than xanh ngắt và cây cầu tre dài uốn lượn dẫn đến một quán cà phê nhỏ xinh xắn bên kia cánh đồng. 

Đây là sản phẩm du lịch độc đáo của vợ chồng chị Nga và anh Boonlert Kamyai. Từ lúc lên ý tưởng, nhiều người cho rằng đó là “điên rồ”, nhưng vợ chồng chị đã quyết tâm biến nó thành hiện thực.

Khi chúng tôi đến, chị Nga đang giới thiệu cho khách về những sản phẩm được làm từ những hạt lúa tím than, trên cánh đồng bao quanh một chiếc lò gạch cũ. Chị cho biết: Ban đầu khách đến, vợ chồng chị lồng ghép các sản phẩm như cơm, trà, sữa, rượu được chế biến từ gạo tím than cho du khách thưởng thức. Trong quá trình khách sử dụng, chị cũng không quên chia sẻ cho họ về cách canh tác loại gạo này. Rất nhiều thực khách sau khi sử dụng bắt đầu thích, đặt mua. Nhãn hiệu gạo tím than “made in Lò Gạch Cũ” từ đó mà ra đời.

Chị Nga vốn xuất thân là người ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, trong gia đình chủ yếu làm về lĩnh vực kinh doanh. Năm 2011, chị tốt nghiệp ngành ngoại ngữ và ra trường làm nhân viên văn phòng cho một công ty thức ăn gia súc. Nhưng chị đặc biệt có niềm say mê với nông nghiệp, mặc dù kiến thức, kinh nghiệm trong lĩnh vực này là khá non nớt. May mắn, chồng chị là một kỹ sư chăn nuôi người Thái Lan. Trong những chuyến đi cùng chồng đến một số nước, chị chú tâm học hỏi về cách làm nông nghiệp của họ, và nhận thấy tiềm năng nông nghiệp của quê mình là rất lớn.

“Mình đi nhiều nơi, thấy nhiều nước làm nông nghiệp rất bài bản và năng suất rất cao. Trong khi ở quê hương mình thì ruộng đồng rất lớn, nhưng việc khai thác dường như chưa hết tiềm năng. Lúc đó, mình nghĩ cần phải thay đổi phương thức làm nông nghiệp, phải có một cái gì đó mới và khác lạ thì mới thành công được. Được sự động viên và sự hỗ trợ từ chồng, mình đã mạnh dạn khởi nghiệp trên chính cánh đồng tại địa phương”, chị Nga nhớ lại.

Chị Nga đang giới thiệu cho khách các sản phẩm được làm ra từ gạo tím than
Chị Nga đang giới thiệu cho khách các sản phẩm được làm ra từ gạo tím than

Sau nhiều lần khảo sát, tìm địa điểm, vợ chồng chị đã quyết định thuê 2ha đất tại thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh để làm nông nghiệp. Ở giữa cánh đồng lúa có cái lò gạch cũ với vẻ bề ngoài hoang sơ đã bỏ hoang nhiều năm, ở giữa có một khoảng trống đủ cho nhiều người đứng. Hai vợ chị chồng chị bàn tính và quyết định mua lại lò gạch cũ để làm điểm check-in. Chị sửa soạn, bắt một cầu tre uốn lượn giữa cánh đồng ra đến lò gạch. Sau đó, chị mở thêm quán nước để phục vụ cho du khách, bên cạnh công việc chính của vợ chồng chị là trồng lúa tím than.

Thời điểm chị chọn khu đất để trồng lúa tím than, nhiều người ở địa phương nói chị “điên rồ”, bởi đây là vùng rốn lũ, việc trồng những giống lúa thông thường cũng gặp nhiều khó khăn, huống hồ gì là trồng lúa tím than- loại lúa mà nông dân ở đây chỉ lần đầu nghe tên. Hơn nữa, chị Nga chỉ là một nhân viên văn phòng, khi nghe đến việc chị làm đồng, ai nấy đều ái ngại. Mặc lời can ngăn của mọi người, vợ chồng chị vẫn quyết tâm biến cánh đồng cằn cỗi trở nên màu mỡ.

Thành quả ngọt ngào

Quyết là làm, vợ chồng chị bắt tay cày bừa, vun xới, làm tơi xốp đất, bón phân hữu cơ, rồi cho đất nghỉ, thả cỏ mọc để giữ đất. Cứ cải tạo liên tục theo cách như vậy, chỉ một thời gian ngắn, cánh đồng lúa xanh ngát đã dần hình thành, như đền đáp công của vợ chồng chị. Khi canh tác, vợ chồng tuân thủ các nguyên tắc nước-phân-cần-giống. Riêng đối với giống, ban đầu vợ chồng chị chọn sáu loại giống lúa tím than, gieo trồng ở khu vực khác nhau. Sau bốn mùa thu hoạch, chị sàng lọc lấy những hạt giống tốt nhất gieo trên diện rộng.

Cũng theo chị Nga, giống gạo tím than này có thời gian canh tác khoảng 120 ngày. Cách gieo, trồng, chăm sóc cũng không khác mấy so với các loại lúa khác. Khác là, vợ chồng trồng lúa hoàn toàn theo cách hữu cơ và không sử dụng bất cứ loại hoá chất nào. Trên cánh đồng, chị thả vịt, cá ăn ốc bưu vàng và sâu, đồng thời làm đất tơi xốp hơn. Lúc thu hoạch lúa, cũng là lúc bán bầy vịt đi, kiếm thêm thu nhập. Vì vậy, những hạt lúa tím than do vợ chồng chị làm ra hoàn toàn sạch, thuốc bảo vệ thực vật, vừa an toàn cho người sử dụng vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Từ một lò gạch cũ bỏ hoang, chị Nga đã “hô biến” thành điểm check-in với đông đảo người đến khám phá mỗi ngày
Từ một lò gạch cũ bỏ hoang, với ý tưởng "điên rồ" của chị Nga đã trở thành điểm check-in với đông đảo người đến khám phá mỗi ngày

Canh tác gạo tím than trên diện tích 2ha, mỗi năm chị Nga thu hoạch hai vụ với gần 12 tấn lúa, tương đương với khoảng 7 tấn gạo. Có thể năng suất của lúa tím than được gieo trồng theo phương thức của vợ chồng chị thấp hơn so với giống lúa khác, tuy nhiên giá thành lại cao hơn gấp 4-5 lần.

“Mình thấy loại gạo tím than có hàm lượng dinh dưỡng cao, nhiều chất có khả năng thanh lọc cơ thể, kháng ung thư và có giá thành cao, nhưng ở Quảng Nam chưa có người trồng. Do đó, vợ chồng tôi cũng rất mong được liên kết, hỗ trợ các hộ dân trong vùng cùng sản xuất gạo tím than để mang lại thu nhập khá hơn trên cùng một diện tích đất ruộng”, chị Nga chia sẻ.

Đến ngày thu hoạch, vợ chồng chị Nga thuê người gặt thủ công để khỏi lẫn với những giống lúa khác. Lúa sau khi thu hoạch được xay thành gạo, và đóng gói một cách cẩn thận, đẹp mắt. Cùng với bán gạo tím than, hiện nay chị đã nghiên cứu cho ra nhiều sản phẩm khác độc đáo từ loại gạo này như trà, sữa, rượu để phục vụ khách. 

Hiện nay, các sản phẩm này đã được khách hàng đón nhận và đánh giá cao. Ngoài việc bán đơn lẻ từng món, chị thường giới thiệu đến khách “combo” một phần quà có cả rượu, trà, và 1kg gạo tím than với giá rất ưu đãi. Sắp tới, vợ chồng chị có dự định đưa đến cho khách những dòng sản phẩm làm đẹp, bánh xèo, mỳ Quảng làm từ gạo tím than.

Sản phẩm gạo tím than “made in Lò Gạch Cũ” của vợ chồng chị Nga đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022
Sản phẩm gạo tím than “made in Lò Gạch Cũ” của vợ chồng chị Nga đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022

Sự kết hợp hài hoà giữa điểm check-in lò gạch cũ, cầu tre dài uốn lượn giữa cánh đồng lúa xanh rì và những sản phẩm làm từ gạo lúa tím than đang mang đến một lượng khách ngày càng dồi dào.

 “Lượng khách đến đây ngày càng tăng, 2ha lúa tím than sợ không đáp ứng đủ. Vợ chồng đang tính sẽ liên kết với bà con để mở rộng diện tích trồng lúa lên khoảng 5-7ha, trong tương lai cũng muốn hình thành cánh đồng lúa nếp than rộng lớn với hàng chục, thậm chí hàng trăm ha. Việc này không chỉ giúp cho gia đình chị yên tâm đầu ra, mà còn giúp cho bà con trong vùng cải thiện thu nhập lớn hơn trên cùng một diện tích đất ruộng”, chị Nga cho hay.

Đáng mừng hơn, năm 2022, gạo tím than “made in Lò Gạch Cũ” của vợ chồng chị Nga được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện. Như vậy, chỉ với cánh đồng ngập lụt, một cái lò gạch cũ, vợ chồng chị Nga đã dám nghĩ, dám làm, đầu tư công sức và trí tuệ, biến những thứ tưởng chừng như bỏ đi trở nên hữu ích. Hiện nay, mô hình Lò Gạch Cũ Farmstay của chị là một trong những điểm đến check-in không thể thiếu mỗi khi du khách du lịch, trải nghiệm tại Quảng Nam.

k

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.