Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên DTTS: Sức trẻ vươn xa (Bài 2)

An Yên - 07:36, 23/12/2023

Những chủ trương, chính sách về hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua dành cho thanh niên cả nước nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng đã đi đúng hướng và đang phát huy hiệu quả. Bằng chứng rõ nhất là, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên người DTTS.

Đinh A Ngưi (ở giữa) và hành trình du lịch bảo tồn văn hóa người ba Na
Đinh A Ngưi (ở giữa) và hành trình du lịch bảo tồn văn hóa người ba Na

“Tuổi trẻ mà không làm thì đến bao giờ”…

Thực tế cho thấy, việc khởi nghiệp là công việc đầy khó khăn thử thách, nhất là ở vùng DTTS - nơi điều kiện không mấy thuận lợi để thực hiện. Nhưng với sự hỗ trợ, khơi nguồn, tiếp sức từ những chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, nhiều mô hình khởi nghiệp của chính con em đồng bào dân tộc đã ra đời và hoạt động hiệu quả, nâng cao đời sống cho bà con nơi đây.

Đinh A Ngưi, dân tộc Ba Na (39 tuổi, làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, Gia Lai), là một trong những điển hình với hành trình khởi nghiệp nhiều gian nan, vất vả. A Ngưi sinh năm 1982, tốt nghiệp Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, rồi về làm ở Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. A Ngưi kể về cơ duyên đến với việc khởi nghiệp từ du lịch, rằng: Trong một lần được giao nhiệm vụ đón đoàn khách Hải Phòng vào thăm, A Ngưi đã tham mưu với lãnh đạo thiết kế nhanh một tour “hoang dã” bao gồm, đi rừng, thăm thác, tổ chức biểu diễn cồng chiêng và thưởng thức cơm lam, gà nướng bản địa. Tất cả các hoạt động đều do người địa phương trực tiếp thực hiện khiến du khách rất tâm đắc, say sưa.

Những thành công bước đầu là động lực lớn để A Ngưi quyết định làm du lịch. Để có thêm kinh nghiệm thực tế, A Ngưi đi thăm quan, học tập tại nhiều nơi về cách làm du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm. “Nếu không quyết đoán thì rất khó thành công bởi, khởi nghiệp cô đơn, áp lực và gian nan lắm. Hơn nữa, tuổi trẻ mà không làm thì còn chờ đợi đến bao giờ”, A Ngưi bày tỏ.

Sau nhiều năm vất vả, A Ngưi đã có cơ ngơi gồm hai khu nhà sàn lớn, nhà sàn thưởng thức ẩm thực, các chòi ngủ trải nghiệm thiên nhiên, khu lửa trại, nhà vườn… Chỉ trong năm 2022, homestay của anh đã đón khoảng 6.000 lượt khách. Năm 2023, mỗi tháng anh đón trên 400 lượt khách. Mới đây, anh đã mạnh dạn thành lập Công ty du lịch cộng đồng mang tên mình, tên quốc tế là “A Ngui Travel Services Company Limited”. Cũng chính A Ngưi đã đào tạo, hướng dẫn làm du lịch cho hàng chục hộ dân trong làng.

Trịnh Thanh Hòa hướng dẫn người dân quanh vùng chăm sóc cây sachi
Trịnh Thanh Hòa hướng dẫn người dân quanh vùng chăm sóc cây sachi

Còn tại tỉnh Hòa Bình, một cô gái người Tày cũng đã khởi nghiệp thành công từ những mô hình trồng các loại cây bản địa. Cô gái ấy chính là Trịnh Thị Thanh Hòa và hai dự án “Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc” và “Sản xuất sợi tự nhiên từ cây gai lai”. Thanh Hòa đã trở thành tấm gương lan tỏa về tinh thần và nghị lực khởi nghiệp cho thanh niên DTTS, góp phần từng bước giúp người dân huyện vùng cao Đà Bắc cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh đến thị trường trong nước và quốc tế.

Cả hai dự án đều được Thanh Hòa triển khai thực hiện, xây dựng vùng nguyên liệu tại các xã vùng cao, nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống. Hiện, diện tích trồng cây gai lai từ dự án đã mở rộng lên hơn 60ha tại các xã Trung Thành, Yên Hòa, Mường Chiềng, Tân Thành (Mai Châu). Đây là cây trồng không đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí đầu tư ban đầu chỉ khoảng 25 - 30 triệu đồng/ha song mỗi năm lại cho thu hoạch từ 4 - 5 lứa, bình quân đạt 100 - 120 triệu đồng/ha. Qua đó, giải quyết việc làm ổn định cho trên 200 lao động địa phương với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng.

Cùng với Trịnh Thị Thanh Hòa, A Ngưi… những chàng trai, cô gái là người DTTS trên địa bàn các tỉnh, thành của cả nước cũng đã thể hiện sức trẻ, khát vọng bản thân… bằng nhiều ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo mang giá trị cho cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Thành công của những ý tưởng, mô hình khởi nghiệp của thanh niên người DTTS còn minh chứng cho tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vươn lên làm giàu, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, cho thu nhập cao, làm giàu cho chính mảnh đất quê hương…

Niềm cảm hứng từ những mô hình

Những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên người DTTS đã thổi một luồng gió mới để người dân vùng DTTS&MN thay đổi cách nghĩ, nếp làm, thay đổi định kiến để phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Cơ sở sản xuất diếp cá Lụa Vy
Cơ sở sản xuất diếp cá Lụa Vy

Giờ đây, những mớ rau, con gà, củ mì… từng phải gùi ra chợ huyện mới bán được thì nay chỉ cần bán cho A Ngưi cũng đã đắt hơn. Rồi, những bà, chị… áo quần truyền thống chỉ mặc dịp hội lễ xong lại cất thì việc cho A Ngưi thuê để khách du lịch mặc chụp ảnh cũng đã có thu nhập… Khoảng 200 người các làng trong xã đã được Ngưi tạo công ăn việc làm dưới nhiều hình thức. Riêng làng Kgiang của Ngưi đã có trên 100 hộ, thu nhập của họ tùy lượng khách, dao động từ 3 – 5 triệu đồng/tháng.

Chị Đinh Thị Hà, người làng Kgiang (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) trải lòng: Đồng bào ở đây nếu không làm thêm nghề phụ thì cuộc sống khó khăn. Khi nghe người ta nói làm du lịch cộng đồng có thu nhập cao nhưng không ai biết phải bắt đầu từ đâu và thấy phải đầu tư nhiều tiền của thì cũng sợ. May mắn là có anh A Ngưi tiên phong thành lập công ty làm du lịch cộng đồng và hướng dẫn bà con cùng làm, giúp hàng chục hộ gia đình có việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Y Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang (Gia Lai) cho biết: anh Ngưi rất năng nổ, có những ý tưởng kinh doanh phù hợp với quan điểm phát triển du lịch địa phương. Huyện rất hoan nghênh và hỗ trợ anh một số hoạt động vì cách làm du lịch của anh Ngưi vừa giúp bà con phát triển kinh tế, vừa giữ gìn văn hóa dân tộc.

Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên DTTS đã rất thành công, tiếp thêm động lực cho người trẻ vùng DTTS&MN trên hành trình lập thân lập nghiệp
Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên DTTS đã rất thành công, tiếp thêm động lực cho người trẻ vùng DTTS&MN trên hành trình lập thân lập nghiệp

Câu chuyện đổi thay tư duy, nếp nghĩ, cách làm của bà con các DTTS từ chính những mô hình khởi nghiệp tại quê hương đã không còn là câu chuyện hiếm thấy, hiếm nghe. Và nếu cần phải tìm thêm những ví dụ minh chứng thì đã không còn là chuyện khó khăn như trước.

Ở tỉnh Lạng Sơn, HTX chế biến nông sản Lụa Vy của thanh niên dân tộc Tày Vy Thị Lụa (sinh năm 1988, ở thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng) đã là mô hình truyền cảm hứng khởi nghiệp, làm giàu cho thanh niên địa phương. Từ năm 2019, nhận thấy nhu cầu thị trường về các sản phẩm nước uống giải nhiệt, giảm huyết áp, thực phẩm chức năng làm đẹp có nguồn gốc từ sản phẩm nông nghiệp khá cao trong khi nguồn nguyên liệu sẵn có; Lụa đã thành lập Hợp tác xã chế biến nông sản Lụa Vi và cho ra sản phẩm đầu tiên là “Trà Diếp cá Lụa Vy”. Lụa còn thu mua một số nông sản như nghệ, tam thất, bí đỏ… để chế biến thành đồ uống, thực phẩm, sản phẩm mặt nạ làm đẹp… Cơ sở của Lụa đã tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động địa phương. Hơn hết, từ việc mua các loại nông sản, Lụa đã và đang hướng bà con người Tày sản xuất an toàn hơn, thân thiện hơn để có sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Truy cập trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, YouTube, TikTok… là sự sôi động các bài quảng cáo về các sản phẩm thiết yếu của cuộc sống, trong đó có nhiều sản vật địa phương của đồng bào DTTS. Điều đó cho thấy, phong trào khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vùng DTTS đang ngày một phát triển mạnh mẽ. Nhưng, mảnh đất khởi sự kinh doanh của thanh niên vùng DTTS dẫu vậy thì vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.