Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thúc đẩy khởi nghiệp trong thanh niên DTTS: “Đòn bẩy” từ các chính sách (Bài 1)

An Yên - 17:27, 21/12/2023

Lâu nay, vấn đề khởi nghiệp của thanh niên vùng DTTS được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương đặc biệt quan tâm. Cũng bởi vậy mà nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đã được ban hành, thực thi đã tiếp sức thêm cho những ý tưởng khởi nghiệp ở vùng miền núi "đơm hoa kết trái". Dẫu vậy, thì mảnh đất khởi nghiệp của thanh niên DTTS vẫn đang là dư địa rộng lớn, chưa khai thác hết tiềm năng và cần một chiến lược dài hơi.


Khởi nghiệp ở vùng DTTS dù rất tiềm năng nhưng chưa bao giờ là dễ dàng (Trong ảnh: Một bản làng vùng cao huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình)
Khởi nghiệp ở vùng DTTS dù rất tiềm năng nhưng chưa bao giờ là dễ dàng (Trong ảnh: Một bản làng vùng cao huyện Minh Hóa tỉnh Quảng Bình)

Cùng thanh niên DTTS lập thân, lập nghiệp

Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Trung ương hội LHTN Việt nam tổ chức 3 diễn đàn thanh niên khởi nghiệp: Lần thứ nhất diễn ra vào năm 2018; lần thứ hai vào năm 2020 và lần thứ 3 vào năm 2022. Cùng với đó là không ít các chính sách đã được các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh nhằm thúc đẩy sự phát triển hoạt động khởi nghiệp trong thanh niên nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây cũng đã ban hành Thông tư số 06 ngày 10/5/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định 80 ngày 26/8/2021 của chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nêu rõ các nội dung hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp sáng tạo. Các hỗ trợ này tạo điều kiện để thanh niên Việt Nam khởi nghiệp được đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng năng lực và thương mại hóa sản phẩm ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, là hàng loạt chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia đã hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Đặc biệt, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 897/QĐ- TTg phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” giai đoạn 2022 - 2030, với mong muốn nâng cao nhận thức, khát vọng khởi nghiệp, phát triển năng lực khởi nghiệp của thanh niên Việt Nam trong và ngoài nước. 

Mục tiêu hỗ trợ được 12.000 thanh niên khởi nghiệp, trong đó có 2.000 thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trang bị kiến thức, tập huấn nâng cao năng lực về khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp cho 200.000 thanh niên mỗi năm; và ít nhất 120.000 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp từ nay đến hết năm 2030.

Thanh niên người DTTS cần thêm nhiều diễn đàn để chia sẻ và kết nối khởi nghiệp
Thanh niên người DTTS cần thêm nhiều diễn đàn để chia sẻ và kết nối khởi nghiệp

Cùng với xu thế của cả nước, vùng đồng bào DTTS&MN cũng đã và đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hòa mình vào tiến trình đổi mới sáng tạo. Từ năm 2016 (năm được Chính phủ chọn là “Năm quốc gia khởi nghiệp”) đến nay, phong trào khởi nghiệp, chỉ số đổi mới sáng tạo ở vùng đồng bào DTTS&MN đang dần được đánh thức nhờ phát huy nội lực cùng nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và UBDT.

Trong đó, UBDT đã xúc tiến thành lập “Mạng lưới các nhà cố vấn, đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS” do đích thân Bộ trưởng, Chủ nhiệm làm Chủ tịch danh dự và chịu trách nhiệm kết nối với các đối tác cùng xây dựng chính sách có ý nghĩa và quan trọng này. 

Năm 2019, được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới và một số tổ chức quốc tế, UBDT đã phát động Cuộc thi “Ý tưởng chuỗi giá trị dành cho cộng đồng DTTS Việt Nam”. Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, sau 5 năm triển khai cũng đã góp phần thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở vùng đồng bào DTTS&MN…

Thêm chính sách bao trùm về khởi nghiệp

Ở thời điểm hiện tại, hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN, là một nội dung quan trọng trong Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719. Mục tiêu của dự án nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong đồng bào DTTS.

Ban chỉ đạo trung ương các chương trình MTQG hội thảo chia sẻ kinh nghiệp và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện chương trình MTQG 1719
Ban chỉ đạo trung ương các chương trình MTQG hội thảo chia sẻ kinh nghiệp và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện chương trình MTQG 1719

Đặc biệt, hiện nay, UBDT và nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã và đang nỗ lực thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp thu hút đầu tư theo nội dung số 3, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN.

Tháng 11/2022, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, Ngân hàng Thế giới, Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Phiên làm việc kỹ thuật trong khuôn khổ Hội thảo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển để thông tin chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch hợp tác, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư trong thực hiện Chương trình MTQG 1719. Trong đó, phiên làm việc kỹ thuật với nội dung chia sẻ định hướng thành lập mạng lưới trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS&MN.

Thanh niên là lực lượng nòng cốt để khởi nghiệp sáng tạo ở vùng DTTS và miền núi
Thanh niên là lực lượng nòng cốt để khởi nghiệp sáng tạo ở vùng DTTS và miền núi

Nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, ban hành nhiều kế hoạch nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp. Ví dụ như: tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp ở vùng đồng bào DTTS&MN”; Kon Tum tổ chức tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào DTTS năm 2023...

Đồng hành cùng những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, nhiều địa phương đã quan tâm tạo điều kiện giao đất, giao rừng, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực của mỗi cá nhân đã thúc đẩy những mô hình khởi nghiệp thành công.

Tại Tọa đàm “Khai thác giá trị văn hoá, phát triển sản phẩm vùng đồng bào DTTS&MN” được tổ chức ngày 29/9/2023, bà Bế Hồng Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, UBDT cho biết, thực hiện nội dung số 3, Tiểu dự án 2, thuộc Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719, đến nay đã hỗ trợ tạo được 249 mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ở vùng đồng bào DTTS&MN. 

“Cùng với đó, đã tổ chức được 445 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và 402 mô hình phát triển sản xuất cộng đồng. Đặc biệt, Chương trình đã tổ chức được 35 hội nghị tập huấn về năng lực thương mại, trong đó có tập huấn về kỹ năng thương mại, kỹ năng bán hàng - kinh doanh, với sự tham gia của hơn 1.400 đồng bào DTTS”, bà Vân nói.

Có thể thấy, bằng sự cần cù vượt khó vươn lên, bằng sự trợ lực với các chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước đã thúc đẩy phong trào khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp trong thanh niên vùng đồng bào DTTS. Đây cũng chính là nền tảng, động lực để hình thành một đội ngũ doanh nhân người DTTS ngày càng lớn mạnh, cùng với lực lượng doanh nhân cả nước, chung tay, góp sức xây dựng đất nước hùng cường.

Đánh giá về môi trường đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp dành cho thanh niên nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng, báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2022 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới đã ghi nhận: Việt Nam thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong hơn thập kỷ qua về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Việt Nam đứng thứ ba về cả tổng giá trị và số thương vụ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp. Vốn rót vào startup Việt Nam năm 2021 chiếm 13% tổng đầu tư vào khu vực, tăng so với mức 8% của năm 2020.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.