Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người lao động đuổi theo nhà ở xã hội

PV - 18:30, 06/06/2022

Nhà ở xã hội là mong mỏi của hầu hết người lao động, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Những năm qua, nhà ở xã hội cũng đã được chú ý phát triển nhưng vẫn “chạy theo” nhu cầu, trong một số trường hợp lại xuất hiện việc trục lợi, vì thế người lao động vẫn rất khó tiếp cận.

Người lao động vẫn rất “khát” nhà ở xã hội. Ảnh: Quang Vinh
Người lao động vẫn rất “khát” nhà ở xã hội. Ảnh: Quang Vinh

TP. Hồ Chí Minh là địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội cao nhất cả nước. Tuy nhiên, nhiều dự án triển khai rất chậm, nguyên nhân chính là do năng lực tài chính yếu kém của chủ đầu tư. Chính vì thế dẫn đến tình trạng “nhà ở xã hội không biết ngày về đích”.

Điển hình là dự án nhà ở xã hội ở xã Vĩnh Lộc An, huyện Bình Chánh do Công ty An Nhân làm chủ đầu tư, được khởi công từ năm 2016 thế nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Một công nhân làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, tháng 7/2018 đã ký hợp đồng mua căn hộ có diện tích 60m2 với giá hơn 700 triệu đồng thuộc dự án, thanh toán trước 600 triệu đồng cho chủ đầu tư. Phía chủ đầu tư cam kết trong điều khoản hợp đồng sẽ bàn giao nhà vào quý II/2019.

Tuy nhiên, đến thời điểm giao nhà theo hợp đồng, dự án vẫn chưa xong. Đã thế, chủ đầu tư lại đề nghị khách hàng ký một hợp đồng khác với cam kết bàn giao căn hộ lần 2 cho khách hàng vào quý I/2020 và đề nghị khách hàng phải đóng thêm tiền.

Phóng lao phải theo lao, người mua nhà đã chấp nhận đóng thêm tiền nhưng cho tới nay vẫn không thấy nhà đâu.

Theo Luật sư Trần Minh Cường (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), về mặt pháp lý thì kể cả chủ đầu tư hay khách hàng đều có quyền khởi kiện vụ án. “Tuy nhiên qua việc này chúng ta thấy rằng, thị trường hiện nay rất nhiều chủ đầu tư "bán lúa non" sản phẩm bất động sản hình thành trong tương lai dù chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Và khách hàng là bên yếu thế, trong sự việc này khách hàng rõ ràng đã mất rất nhiều thứ như tiền bạc, thời gian nhưng tài sản của mình thì chưa thấy đâu”, Luật sư Cường nói.

Trên thực tế, nhu cầu nhà ở giá rẻ của người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp hiện rất lớn, thế nhưng số lượng phát triển dự án nhà ở xã hội triển khai nhỏ giọt, trong khi giá nhà đất liên tục biến động, bỏ xa mức thu nhập của người lao động hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, cả nước có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành, 98 dự án đang triển khai, các sở xây dựng ban hành văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở trong tương lai 9 dự án. Đáng chú ý, trong khoảng thời gian này, cả nước chỉ có 3 dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới, quy mô gần 1.200 căn tại Lạng Sơn, Phú Thọ và Quảng Ninh, nhưng lại có đến 39 dự án nhà ở thương mại quy mô gần 18.700 căn hộ được cấp phép.

Vẫn theo Bộ Xây dựng, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu về nhà ở xã hội cả nước cần khoảng 294.600 căn với tổng mức đầu tư khoảng 220.000 tỉ đồng. Việc thiếu hụt nhà ở xã hội thời gian qua được cho là chủ yếu đến từ vướng mắc về thủ tục pháp lý, từ đó khó thu hút nhà đầu tư.

Về lý do khiến các dự án nhà ở xã hội chậm được triển khai có thể có nhiều, nhưng mấu chốt ở đây là phải làm thế nào để giải quyết được nhà ở giá rẻ cho người lao động. Đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Một đôi vợ chồng công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) cho biết, họ đã làm việc ở đây 14 năm. Vợ chồng họ có 2 con nhỏ, cả nhà thuê trọ mỗi tháng hết 1,5 triệu đồng thuê nhà (bao gồm điện, nước). Tổng thu nhập của hai vợ chồng ở thời điểm này là 20 triệu đồng/tháng. Số tiền này họ chia 3 triệu đồng cho con học; 5 triệu đồng ăn uống; 1 triệu đồng hiếu, hỉ; 400.000 đồng xăng xe; tiền nhà; sữa... tính sơ sơ cũng mất một suất lương. Lại còn tiền thuốc men lúc ốm đau, sắm sửa đồ dùng trong nhà, mua quần áo... Mỗi tháng họ có thể tiết kiệm được 5 triệu đồng. 14 năm họ có ra 700 triệu đồng.

Khi được hỏi về việc mua nhà ở xã hội, cả hai vợ chồng cùng cười, cho đó chỉ là chuyện nói cho vui vì họ không thể nào có đủ tiền để mua. Họ cũng đã đi xem tới gần 10 dự án nhà ở xã hội nhưng cái thì quá xa nơi họ làm việc, cái thì dang dở, diện tích 55m2 cũng không dưới 900 triệu đồng. Với câu hỏi: Vậy phải tính sao? Người chồng trả lời: Chúng tôi dự tính làm mấy năm nữa, khi sức khỏe xuống thì về quê nương dựa cha mẹ, họ hàng. Còn hai đứa con? “Thôi thì “đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, cha mẹ nghèo thì con cái phải chịu”, người vợ nói.

Thông tin từ Ban Kinh tế Trung ương, ngày 16/5, cho biết đến cuối năm 2020, cả nước có 862 đô thị các loại. Tỉ lệ đô thị hoá xác định theo địa bàn có chức năng đô thị tăng từ 30,5% năm 2010 lên gần 40% năm 2020. Tuy nhiên, vấn đề nhà ở cho người lao động vẫn nan giải, cần thiết phải ban hành chính sách riêng về việc đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên, bố trí quỹ đất và các thiết chế ở khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là hạ tầng thiết yếu tại khu công nghiệp.


Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.