Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người lính biên phòng với người dân Cù Lao Dung

PV - 09:23, 18/06/2018

Từ trong chiến tranh đến thời bình, hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ đã gắn bó với đồng bào các DTTS… Hiện nay, người lính tiếp tục sát cánh hỗ trợ cùng bà con tăng gia sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… Phum sóc càng xa, các chiến sĩ bộ đội càng tăng cường giúp dân. Những người lính Đồn Biên phòng An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) là một minh chứng.

Huyện Cù Lao Dung là một trong 3 huyện của tỉnh Sóc Trăng có đường biên giới biển. Trên địa bàn huyện có Đồn Biên phòng An Thạnh Ba thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Sóc Trăng. Ngoài xác định nhiệm vụ giữ vững biển đảo quê hương, đảm bảo an ninh trật tự vùng ven biển, BĐBP còn trực tiếp tham gia hỗ trợ giúp dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống cho người dân vùng ven biển.

Ông Nguyễn Thành Tâm bên con bò giống sinh sản do Đồn Biên phòng An Thạnh Ba trao tặng. Ông Nguyễn Thành Tâm bên con bò giống sinh sản do Đồn Biên phòng An Thạnh Ba trao tặng.

 

Theo Đại úy Cao Đình Cường, Phó Đồn, xã An Thạnh Ba có tỷ lệ hộ nghèo và không có đất hoặc thiếu đất sản xuất còn cao. Số hộ này chủ yếu đi làm thuê và đánh bắt gần bờ nên đời sống của bà con nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, chính quyền địa phương, lực lượng Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã có nhiều chương trình giúp đỡ bà con phát triển sản xuất để từng bước thoát nghèo.

Điển hình như, thực hiện phong trào “BĐBP chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, BĐBP Đồn Thạnh Ba đã xây dựng nhiều mô hình giúp dân phát triển kinh tế, gần đây nhất Đồn đã là trao 10 con bò giống cho hộ nghèo tuyến ven biển. Đây là một trong những cách hỗ trợ sinh kế để bà con nghèo tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế.

Ông Nguyễn Thành Tâm, ngụ ở ấp An Quới là hộ được nhận bò giống vào tháng 3 vừa qua phấn khởi cho hay: “Con bò giống của tôi lớn trông thấy, nó là tài sản lớn nhất đối với hộ nghèo như tôi. Đây là cả tấm lòng của mấy chú bộ đội nên gia đình tôi chú tâm chăm sóc để bò sinh sản, giao con giống cho hộ khác cùng chăn nuôi, tăng thu nhập cho hết nghèo”.

Cũng thuộc diện hộ nghèo ấp An Quới được hỗ trợ bò sinh sản, chị Thái Thị Thu, có 2 người con đều đang đi học nhưng các cháu thường xuyên nằm viện do sức khỏe yếu. Chị kể: “Gia đình nghèo, cuộc sống trông chờ vào ngày công lao động của chồng nên hôm nào có ai kêu làm là mừng lắm. Gia đình tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt bò giống để sau này sớm có bê giao lại cho hộ khác nuôi để cùng thoát nghèo”.

Quá trình triển khai thực hiện mô hình hỗ trợ cho hộ nghèo con giống bò cái sinh sản, đơn vị cử từng cán bộ phụ trách thường xuyên xuống địa bàn nắm tình hình các gia đình được hỗ trợ. Đồng thời, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại; cách phòng ngừa dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm, “phương châm của chúng tôi, phum sóc càng xa chúng tôi càng phải ưu tiên tăng cường giúp đỡ, chia sẻ với đồng bào”, Đại uý Cường cho hay.

Bên cạnh đó, các chiến sĩ “quân hàm xanh” cũng thường xuyên thăm, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho người dân, góp phần cùng hệ thống y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Tính 2 cái Tết (Tết Nguyên đán và tết cổ truyền đồng bào Khmer) Đồn An Thạnh Ba đã vận động và trao tặng hơn 1.000 suất quà cho hộ nghèo, hộ chính sách trên địa bàn.

Ngoài ra, thời gian qua, Đồn Biên phòng An Thạnh Ba còn xây dựng và duy trì nhiều mô hình kinh tế giúp cho hộ nghèo, cận nghèo. Đặc biệt, sau cơn bão số 16 vào cuối năm 2017 vừa qua, đã làm hư hại 120 căn nhà ngư dân ven biển. Sau bão, Đồn đã huy động lực lượng xuống đóng tại cơ sở tranh thủ làm ngày lẫn đêm cho đồng bào kịp sửa lại nhà đón Tết.

Sau khi đưa chúng tôi đi thăm các hộ dân được tặng bò, Trung uý Nguyễn Văn Linh, Bí thư Chi đoàn, Đội trưởng đội Trinh sát của Đồn đưa chúng tôi thăm quan vườn rau tăng cường, những luống rau xanh um với nhiều loại khác nhau. Anh cho biết: Đồn cũng đang tiếp tục nghiên cứu một số mô hình mang tính đột phá để thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập quán canh tác truyền thống của bà con.

Chúng tôi thường xuyên xuống cơ sở cùng ở, cùng bà con trồng thử nghiệm rau sạch, đưa ra thị trường bán, giúp bà con tăng thu nhập, góp phần cùng với địa phương chăm lo đời sống người dân vùng biên giới biển.

N.TÂM