Xóm Thang Sặp có 48 hộ dân sinh sống, 100% là dân tộc Mông. Trước đây, người dân chỉ chủ yếu trồng lúa, ngô, năng suất đạt thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển sang trồng mía, do thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng, năng suất, hiệu quả kinh tế cao, nên nhiều hộ đã chuyển đổi từ trồng lúa, ngô sang trồng mía; cây mía trở thành cây xóa nghèo của xóm.
Anh Đào Văn Súa, Trưởng xóm Thang Sặp cho biết: Năm 2010, tôi trồng thử nghiệm hơn chục ngọn mía. Sau một thời gian, cây mía cho thu hoạch với năng suất cao. Thấy giống mía ngon, bà con trong xóm đến xin ngọn về trồng. Đến năm 2012, cây mía được trồng đại trà. So với cây lúa, ngô, mía cho thu nhập cao gấp 2 lần.
Đến Thang Sặp vào thời điểm này, bà con đang tập trung thu hoạch mía, xe ô tô của tiểu thương chở mía ra vào trên con đường bê tông mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Anh Trương Văn Thịnh, xóm Thang Sặp phấn khởi chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1.000 ngọn mía giống, năm nay được mùa, được giá. Giá bán tại chợ từ 5-15 nghìn đồng/cây. Thời điểm Tết Nguyên đán vừa qua, mỗi ngày tôi bán hơn 200 cây mía, thu nhập hơn 20 triệu đồng.
Thang Sặp là xóm trồng mía nhiều nhất xã Cao Chương. Từ cây mía, cuộc sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Những năm gần đây, tỷ lệ hộ nghèo của xóm liên tục giảm mạnh. 100% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, 97% có xe máy đi lại; 100% trẻ em đều được đến trường.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Cao Chương Bế Thị Minh cho biết: Nếu trồng 1ha lúa, ngô, mỗi năm thu về 8 tấn, trị giá khoảng 50 triệu đồng; nhưng trồng mía thu nhập có thể lên tới 120 triệu đồng. Trồng mía không chỉ đem lại giá trị kinh tế cao, lá mía bóc ra còn làm thức ăn cho gia súc và nuôi cá, giảm được một phần chi phí trong chăn nuôi
THU HÀ