Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người nối truyền văn hóa của đồng bào Thái

PV - 15:25, 08/02/2018

Giữa những ngày giáp Tết Mậu Tuất 2018, khi hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc, chúng tôi tìm đến nhà Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại (sinh năm 1945), người con dân tộc Thái tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên (Điện Biên). Người đã dành cả cuộc đời mình để đi sưu tầm chữ Thái cổ và những nét đặc sắc trong văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Bà là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Điện Biên được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Múa là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Thái. Múa là một trong những loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo của dân tộc Thái.

 

Trong ngôi nhà sàn truyền thống được gia đình bà xây dựng mang đậm nét văn hóa của đồng bào Thái nơi đây, ngồi bên chiếc bàn nhỏ quen thuộc, bà miệt mài đọc, dịch, ghi chép lại những tài liệu chữ Thái cổ mà bà sưu tầm được.

Đây là công việc mà bà dành hơn nửa đời người để theo đuổi. Công việc này không chỉ là niềm say mê từ nhỏ của bà, mà còn như bà nói, là trọng trách của một người con dân tộc Thái trong việc nối truyền những nét văn hóa của cha ông để lại cho thế hệ sau.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại cho biết: “Chúng tôi quan niệm chữ Thái cổ là chìa khóa để mở vốn quý văn hóa của dân tộc, vốn quý của cha ông để lại. Nếu không có chữ Thái mà chỉ bằng truyền miệng thôi thì sẽ không gìn giữ được tư liệu quý của cha ông đầy đủ. Nếu mình không gìn giữ lại, không đi thu thập lại để mà giữ lại cho con cháu mai sau thì sẽ mất hết”.

Theo bà Đại, chữ Thái cổ rất khó hiểu, bởi một chữ phải đọc thành ba tiếng, liền với chữ thứ hai và ghép thành cả câu có nghĩa thì mới hiểu được. Do đó trong quá trình đọc dịch người đọc phải đọc ít nhất 3 lần mới có thể hiểu và ghi chép lại được.

Những nội dung trong các bản chữ Thái cổ sẽ mô tả lại tất cả đời sống của dân tộc Thái. Về tâm linh, ma chay, cưới hỏi, hát, câu đố, những câu dạy con người, con cháu trong cuộc sống… và nếu không giữ lại sẽ không thể biết được những việc người xưa đã làm.

Vì vậy, suốt những năm qua, hễ phong thanh ở bản làng nào có những bản chữ Thái cổ, có những người còn biết những nghi lễ của tổ tiên xa xưa là bà Đại tìm đến. Tư liệu mà bà thu thập là các lễ hội cổ truyền, các tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ, những phong tục, tập quán sinh sống của người Thái đã và đang dần mất đi.

Bà Đại tâm sự: Khi mới bắt đầu làm công tác sưu tầm (năm 1963), bà gặp rất nhiều khó khăn. Đường sá đi lại vất vả chỉ là những lối mòn của bản làng, có những nơi phải đi bộ 2-3 ngày mới đến, trong khi đó một thân một mình bà đội nắng mưa, rét mướt, có những lúc vừa đi vừa khóc vì quá kiệt sức nhưng bà vẫn quyết tâm đi đến nơi có tư liệu quý cần tìm và thu thập lại. Thời điểm đó kinh phí cho công tác này cũng rất eo hẹp, không có chế độ hỗ trợ cho cán bộ đi làm công tác sưu tầm.

Suốt từ năm 1963, khi đang công tác ở Phòng sưu tầm văn hóa của Ty Văn hóa Lai Châu cũ cho đến nay, bà Đại đã giữ lại được hàng ngàn sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo của người Thái, cho xuất bản gần 10 đầu sách, với hàng ngàn trang viết về phong tục tập quán và tác phẩm văn học cổ dân tộc Thái nổi tiếng, như: “Tang lễ người Thái” (nghiên cứu, dịch thuật); “Tạo Sông Ca, nàng Si Cáy” (truyện thơ cổ, song ngữ Thái-Việt), “Lời ca trong lễ hội xên bản, xên mường của người Thái” (Nghiên cứu), “Xên phắn bẻ”…

T9_5

Chia sẻ về những ấp ủ, dự định trong thời gian tới, Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Đại cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu những nét đặc sắc của ngành Thái trắng Mường Lay, đặc biệt là đối với 2 loại hình hát Then và Kim Pang Then. Về nội dung này bà cũng đã viết được tài liệu hơn 1.000 trang gửi cho Hội Văn học dân gian Việt Nam.

Và sẽ tiếp tục viết đến khi nào không thể viết được nữa bởi sức khỏe không cho phép. Đồng thời, mong muốn sẽ có một bộ gõ hoàn chỉnh đúng tiếng Thái cổ cho các phần mềm soạn thảo trên máy vi tính để phục vụ tốt hơn cho công tác lưu trữ về sau.

Với những đóng góp to lớn đó, bà là một trong những nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của tỉnh Điện Biên (năm 2015); được Chủ tịch nước tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2017.

CHU PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Mãn nhãn màn tranh tài của 64 nài ngựa ở thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái

Giải Đua ngựa Shanrila Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái) được diễn ra với sự tham gia thi đấu của 64 nài ngựa, đến từ 5 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Tuyên Quang, Sơn La, Yên Bái. Đây là sự kiện thể thao Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024) và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024).