Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Người nuôi ong lao đao- Cần tìm thị trường mới cho mật ong Việt

Nguyệt Anh (T/h) - 16:28, 18/07/2022

Năm 2021, ngành nuôi ong gặp khủng hoảng lớn khi nước Mỹ- thị trường xuất khẩu mật ong lớn nhất của Việt Nam điều tra chống bán phá giá và áp dụng mức thuế cao với sản phẩm mật ong của Việt Nam. Bước sang năm 2022, ngành nuôi ong vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn do chưa tìm kiếm được những thị trường mới .

Người nuôi ong ở Đắk Lắk thu hoạch mật ong (Ảnh tsttourist)
Người nuôi ong ở Đắk Lắk thu hoạch mật ong (Ảnh tsttourist)

Mật ong xuất khẩu chịu mức thuế quá cao

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, sản lượng sản phẩm mật ong Việt Nam hàng năm khoảng 64.000 tấn, xuất khẩu đạt 54.000 tấn; trong đó, thị trường Hoa Kỳ là 51.000 tấn, chiếm 95% tổng số lượng xuất khẩu. Sản phẩm mật ong của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ chủ yếu là mật lá được làm nguyên liệu chủ yếu trong ngành công nghiệp thực phẩm.

Hiện, Việt Nam có khoảng 28 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong. Đắk Lắk có 2 doanh nghiệp xuất khẩu mật ong là Công ty cổ phần Ong mật Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ong mật Ban Mê Thuột hàng năm xuất khẩu đạt xấp xỉ 20.000 tấn.

Từ cuối năm 2021, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ban hành kết luận sơ bộ vụ việc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam và đã áp thuế chống bán phá giá mật ong Việt Nam từ 410,93-413,99%. Sau đó, mức thuế chống bán phá giá với sản phẩm mật ong Mỹ áp dụng chính thức cho các doanh nghiệp Việt Nam đã giảm rất mạnh, xuống còn 58,74-61,27%.

Công ty sản xuất mật ong điển hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Công ty sản xuất mật ong điển hình trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Tuy nhiên, với mức thuế này, mật ong Việt Nam vẫn thế yếu khi cạnh tranh với mật ong của nhiều nước khác xuất khẩu vào Mỹ.

Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá mà Mỹ áp dụng cho Ấn Độ chỉ ở mức 5,85% trong khi mức áp dụng đối với Việt Nam lên 58,74-61,27%. Với mức thuế này, mật ong của Việt Nam không thể cạnh tranh được mật ong của Ấn Độ tại thị trường Mỹ.

Việc DOC áp mức thuế chống bán phá giá đối với mật ong Việt Nam không không chỉ ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người nông dân nuôi ong, gây thiệt hại cho các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong của Việt Nam mà cũng gián tiếp gây ra khó khăn cho các nhà nhập khẩu mật ong tại Mỹ do thiếu nguồn cung nguyên liệu cho chế biến.

Người nuôi ong lao đao

Trang trại ong 550 đàn của ông Viên Đình Sơn (tổ dân phố 4, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) là một trong những cơ sở nuôi ong lớn nhất tại địa phương này. Đang là mùa mật cà phê nhưng ông Sơn không vui bởi năm nay giá mật quá thấp. Những năm trước, giá mật bình quân từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, tuy nhiên thời điểm hiện tại chỉ còn 22.000 đồng/kg. Mặc dù giá mật xuống rất thấp nhưng vẫn khó bán. Hiện, gia đình ông còn tồn 20 tấn mật cao su khai thác từ trong Tết Nguyên đán.

Một trang trại ong tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh BGL)
Một trang trại ong tại xã Ea Tul, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk (Ảnh BGL)

Còn bà Huỳnh Thị Ngọc, chủ Cơ sở mật ong Ngọc Thụy tại xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) chia sẻ, gia đình đã gắn bó hơn 20 năm với nghề nuôi ong cũng như kinh doanh mặt hàng này. Chưa bao giờ thị trường xuất khẩu lại gặp khó khăn như giai đoạn hiện nay. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu mật ong lớn trên địa bàn tỉnh giảm quy mô hoạt động, thậm chí đóng cửa.

Cũng theo bà Ngọc: “Tập quán nuôi ong của Việt Nam theo kiểu du mục, sống nay đây mai đó để di chuyển đàn ong đến những vùng có nguồn hoa cỏ và cây trồng tiết mật lớn để cắm trại. Sinh hoạt của các trại nuôi ong thường tạm bợ, đơn sơ. Trong khi đó, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu mặt hàng này ngày càng cao đối với quy trình nuôi, nhất là vấn đề vệ sinh thực phẩm”.

Ngoài ra, nghề này cũng ngày càng rủi ro vì có thể mất trắng trại ong khi dời trại đến vùng hoa vừa bị xịt thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Theo đó, nhiều trường hợp con ong đã “ăn mất nhà, mất đất”, nhiều người gắn bó bao nhiêu năm với nghề sau đợt khó khăn vừa qua hiện không còn đủ vốn giữ nghề nuôi.

Tìm thị trường mới cho mật ong Việt

Hiện nay, Bộ Công Thương đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp chế biến mật ong đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng như tiếp cận các thị trường khác, khai thác hiệu quả lợi ích của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia.

Sản phẩm mật ong đóng chai xuất khẩu của của một công ty xuất khẩu mật ong tại TP. Hồ Chí Minh
Sản phẩm mật ong đóng chai xuất khẩu của một công ty xuất khẩu mật ong tại TP. Hồ Chí Minh

Theo ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, Sở đang phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ nội địa, đưa các sản phẩm mật ong của các công ty kinh doanh, xuất khẩu mật ong trên địa bàn tỉnh vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Đồng thời, phát động chương trình chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm mật ong của Đắk Lắk đến các địa phương trên cả nước; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất khẩu mật ong tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và chương trình xúc tiến thương mại địa phương để mở rộng, phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Thông qua hệ thống các thương vụ, tham tán thương mại, đại sứ quán tại các nước trên thế giới nhằm giới thiệu sản phẩm mật ong Việt Nam, tìm kiếm thị trường, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh - Bắc Ai len (UKVFTA)... để chuyển đổi thị trường xuất khẩu, giảm bớt tỷ trọng xuất khẩu mật ong sang thị trường Hoa Kỳ.

Sở Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu mật ong một mặt nắm bắt thông tin từ DOC, mặt khác năng động đổi mới, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm mật ong, tăng cường chế biến nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng phát triển thương hiệu sản phẩm mật ong, giữ vững thương hiệu góp phần tăng giá bán trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản 15 tấn củ sen

Đồng Tháp lần đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản 15 tấn củ sen

Ngày 7/5, khoảng 15 tấn củ sen cấp đông của Đồng Tháp chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản. Lễ công bố xuất khẩu lô sen sang thị trường Nhật Bản là một trong những hoạt động của Lễ hội Sen lần thứ II năm 2024, của tỉnh Đồng Tháp.