Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Ngược ngàn săn ong

Minh Ngọc - 22:09, 31/03/2020

Những người săn ong len lỏi vào từng ngách rừng, dõi mắt lên từng tàng cây để tìm lộc rừng giữa trập trùng gian khó của nghề săn ong giữa đại ngàn.

Những tổ ong ruồi nguyên chất vừa được săn về.
Những tổ ong ruồi nguyên chất vừa được săn về.

Mùa săn ong rừng

Không phải nuôi, không cần vốn liếng, chỉ con dao, vài sợi dây rừng, ống quẹt ga và vài điếu thuốc cùng với vài giờ len lỏi trong rừng có thể kiếm được hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ nghề săn mật ong ruồi.

Mùa này đang là mùa mật ong ruồi ở Gia Lai và Kon Tum. Những người săn ong bắt đầu đi tìm ong ruồi từ tháng 3 - 5 dương lịch. Ong ruồi không dữ như những ong rừng khác, quá trình cắt lấy tổ ong cũng không quá nguy hiểm như những loài ong khác. Nhưng để tìm được tổ ong ruồi lại không phải điều dễ.

Ksor But, mới 25 tuổi nhưng đã có thâm niên gần 10 năm rong ruổi săn ong ruồi. Nhà anh But trong một nông trại ở Ia Khươl (Chư Păh, Gia Lai) giáp với Kon Tum và vùng rừng Đăk Đoa, đây là vùng nhiều ong ruồi. Anh But bảo săn ong ruồi khổ nhất là quá trình tìm được chúng. Người săn phải leo rừng, lội suối, chui vào bụi rậm mới có thể tìm được tổ của chúng.

Anh But bảo thời điểm này là lúc ong tìm về đóng tổ trên khắp các cánh rừng ở miền Tây Nguyên. Tuy nhiên, để tìm được một tổ ong rừng cũng không phải đơn giản, nhiều toán thợ săn đã phải luồn rừng ngày này qua ngày khác. Anh But cho hay: “Săn mật ong ruồi chỉ có vào mùa Xuân đến cuối tháng 5 hàng năm. Lúc này các loại cây đều ra hoa, có thức ăn ong mới về hút mật xây tổ. Còn mùa thu với mùa đông thì trời chuyển lạnh, ong ruồi hạn chế hoạt động và thường chết nhiều”.

Với anh But và với cánh săn ong của làng này thì chỉ cần nhìn vào tổ ong là họ có thể biết được tổ nào nhiều hay ít mật. Tổ đóng ở những cây gỗ càng cứng thì mật càng đẹp và chất lượng.

Anh But bảo người săn mật muốn tìm thấy tổ ong phải có kinh nghiệm tìm con ong thợ, nhìn hướng bay và đi theo về tổ. Và anh But vừa phát hiện một tổ ong nên nhanh chóng đi theo. “Thợ săn phải dày công lùng sục, tìm chỗ ong lấy mật, hút nước, đón hướng ong bay tới đâu. Trong tiếng gió đã có thể ngửi thấy mùi mật, nhìn theo hướng ong bay là có thể đoán định được tổ ong nằm ở đâu”, anh But bật mí.

Mật ong ruồi có giá khá cao.
Mật ong ruồi có giá khá cao.

Mật của rừng

Theo anh But, làm nghề gì cũng phải có sự đam mê và lương tâm. Khi lấy tổ thì không nên tận diệt, tức là đừng bắt hết con ong, chỉ thổi khói cho ong bay rồi cắt lấy ổ. Ðặc biệt là phải cẩn thận không để tàn lửa rơi vãi trong rừng gây hỏa hoạn. Săn mật ong ruồi vừa có thu nhập để cải thiện cuộc sống, vừa không để lãng phí nguồn đặc sản quý hiếm của địa phương, nhưng khai thác thế nào để vừa có lợi cho mình, vừa bảo vệ được một giống loài hữu ích là điều cần được quan tâm đúng mức. Anh But tâm đắc điều đó và luôn dặn mọi người như thế.

Thành quả sau hơn 4 giờ đồng hồ của But và những người đồng hành là gần chục tổ ong ruồi khá lớn. But bảo, đến mùa lấy mật, một người có thể thu được 500 nghìn đến 1 triệu đồng cho một chuyến đi kéo dài 1 - 2 ngày. Thế nhưng không phải ai cũng có thể kiếm được số tiền ấy dễ dàng. Trước đây ong ruồi có nhiều nên nghề săn mật ong ruồi này cũng kiếm ra tiền. Nhưng thời gian gần đây người ta phá rừng làm rẫy, máy móc vào rừng nhiều gây tiếng động nên ong cũng “bỏ xứ” đi hết.

Mang gần chục tổ ong về làng, dọc đường đi anh But và những người bạn đã bán được hết số tổ ong này. Anh but bảo: Hiện nay, mỗi lít mật ong ruồi nguyên chất được bán với giá 1,6 triệu đồng. Trước kia mật ong ruồi nhiều thì người ta vắt mật luôn ngay tại rừng. Nay mật ong ruồi càng ngày càng ít đi, tình trạng làm mật giả tràn lan nên phải để nguyên tổ mang về thì người mua mới tin.

Nghề săn ong ruồi tuy vất vả nhưng với anh But và những người săn ở vùng này thì đây chính là nguồn thu nhập để lo thêm miếng cơm, manh áo hằng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, mỗi lít mật ong ruồi nguyên chất được bán với giá 1,6 triệu đồng. Trước kia mật ong ruồi nhiều thì người ta vắt mật luôn ngay tại rừng. Nay mật ong ruồi càng ngày càng ít đi, tình trạng làm mật giả tràn lan nên phải để nguyên tổ mang về thì người mua mới tin”.

Ksor But

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.