Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người phụ nữ Tà Ôi đưa Dzèng lên sàn diễn quốc tế

PV - 12:28, 05/02/2018

Cuối tháng 12/2017, tôi được gặp chị-người phụ nữ dân tộc Tà Ôi ở mảnh đất miền Trung đầy nắng gió, trong lần chị ra Hà Nội. Chị là Mai Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX dệt Dzèng-thị trấn A Lưới (huyện A Lưới, Thừa Thiên-Huế), người đã đưa sản phẩm dệt truyền thống của dân tộc mình vươn tới trời Tây.

 Nghệ nhân Mai Thị Hợp (bên trái) bên khung dệt Dzèng… Nghệ nhân Mai Thị Hợp (bên trái) bên khung dệt Dzèng…

 

Sang Nhật làm… người mẫu!
Bộ sưu tập của NTK Viết Bảo (Huế) đưa chất liệu thời trang vải thổ cẩm có hoa văn bằng hạt cườm của dân tộc Tà Ôi, Cơ-tu, góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt truyền thống tại Huế. Bộ sưu tập của NTK Viết Bảo (Huế) đưa chất liệu thời trang vải thổ cẩm có hoa văn bằng hạt cườm của dân tộc Tà Ôi, Cơ-tu, góp phần mang lại sức sống mới cho nghề dệt truyền thống tại Huế.

 

Đã biết về chị Hợp từ lâu, nhưng khi năm 2017 đang đi hết những ngày cuối cùng của năm thì, tôi mới có cơ duyên được gặp trong dịp chị ra Thủ đô tham dự Lễ tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ, trí thức và doanh nhân tiêu biểu DTTS toàn quốc lần thứ Nhất năm 2017. Ấn tượng đầu tiên về chị, là phụ nữ Tà Ôi đầu tiên của huyện A Lưới “xuất ngoại’ với tư cách là một… người mẫu tham gia thao diễn nghề dệt Dzèng truyền thống của dân tộc mình.

Chị bảo, năm 2015, chị đi cùng Nhà thiết kế Minh Hạnh đến thành phố Fukuoka (Nhật Bản) để tham dự buổi trình diễn thời trang, trong đó có bộ sưu tập được Nhà thiết kế Minh Hạnh lấy chất liệu từ dệt Dzèng của đồng bào Tà Ôi. Đây cũng năm khởi đầu cho những chuyển xuất ngoại sau này của chị trong hành trình mang dệt Dzèng đến với trời Tây.

“Lần đầu tiên bước chân ra nước ngoài, lại đến một trung tâm văn hoá công nghiệp lớn, thú thật tôi hồi hộp và lo lắng. Hành trang trong chuyến xuất ngoại đầu tiên ấy cũng chẳng có gì ngoài những bức dệt Dzèng do chính tay chị em phụ nữ dân tộc Tà Ôi của mình làm ra”, chị Hợp kể lại.

Nhớ lại kỷ niệm tại sàn diễn thời trang trong ngày hội Kimono ở Nhật Bản năm 2015, chị Hợp chia sẻ: “Tôi trở thành người mẫu chính để thao diễn nghề dệt Dzèng trong đêm trình diễn thời trang năm ấy. Run lắm, nhưng được các anh chị trong Đoàn động viên, hỗ trợ, tôi đã sải bước trên sàn diễn cùng các người mẫu nổi tiếng. Ui chao, các cô ấy cao lắm, tôi chỉ đứng bằng vai thôi à, nhưng điều làm tôi tự tin nhất đó chính là niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc mình”. Và 20 tấm Dzèng A Lưới đã được trải thảm trên đường diễn thời trang của người mẫu quốc tế năm đó.

“Nhiều người hỏi trong văn hóa Tà Ôi những tấm Dzèng trải thảm diễn có ảnh hưởng đến tâm linh hay không. Tôi bảo, Dzèng cũng là lễ vật cúng tổ tiên của người Tà Ôi, nhưng đã là lễ vật sẽ không mang ra ngoài, còn những tấm Dzèng này là sản phẩm thời trang, được xem như hàng hóa nên không sao. Tại Nhật Bản, dù nhiều người hỏi mua Dzèng, nhưng tôi không bán, vì chuyến đi này là để quảng bá sản phẩm và văn hóa của dân tộc”, chị Hợp nhớ lại.

Trong tất cả các buổi biểu diễn thời trang, gặp gỡ giao lưu ấy, chị Mai Thị Hợp rút khung dệt từ trong chiếc túi khoác trên vai đặt xuống sàn diễn, rồi duỗi chân ra đặt lên và dệt ngay trước mắt mọi người… Chỉ với khung dệt đơn sơ bằng hóp (cùng họ tre nứa) và lấy đôi bàn chân làm điểm tựa, thông qua đôi bàn tay khéo léo của mình, chị Mai Thị Hợp đã biến những cuộn sợi thành tấm thổ cẩm tuyệt vời, trước sự thán phục của người xem.

Đến Pháp quảng bá sản phẩm

Nhận xét về dệt Dzèng, Nhà thiết kế Minh Hạnh chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã thấy khung dệt vải tơ tằm của bà tôi trong nhà. Nay xem khung dệt của chị Hợp, tôi không nghĩ nó đơn giản mà dệt được những mẫu vải với nhiều hình tượng, hoa văn sống động đến vậy! Bởi thế, đối với nhiều người sành thời trang lớn lên trong một đất nước công nghiệp phát triển thì họ lại càng ngạc nhiên hơn”.

Theo chị Hợp, thổ cẩm của dân tộc Tà Ôi có trên 50 loại hoa văn chủ yếu truyền tải cuộc sống thường nhật và nét đẹp văn hóa từ những câu chuyện cổ được truyền khẩu từ đời này qua đời khác nên ẩn chứa giá trị nhân văn sâu sắc. Nhưng khác với thổ cẩm của các dân tộc khác, thổ cẩm của người Tà Ôi sinh động, đẹp hơn là nhờ vào các hạt cườm được đính lên sản phẩm.

“Đây là công đoạn tỷ mỷ đòi hỏi sự kiên trì, khéo tay. Ngay từ lúc còn nhỏ, cũng như bao người con gái Tà Ôi khác, tôi được làm quen với khung cửi, sợi bông, nhuộm sợi... và được mẹ truyền dạy cho nghề dệt Dzèng truyền thống”, chị Hợp cho biết.

Sau chuyến đi Nhật của chị Hợp, dệt Dzèng A Lưới được nhiều du khách biết đến, nhiều nhà thiết kế đặt hàng. Tại Festival áo dài diễn ra ở Hà Nội năm 2016, ngoài lên sàn diễn, Dzèng được du khách đặt mua khá nhiều.

Cơ duyên một lần nữa Dzèng Tà Ôi có dịp xuất ngoại. Tháng 9/2016, chị Hợp cùng Nhà thiết kế Minh Hạnh đến Paris (Pháp) để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới các nước châu Âu. Chuyến quảng bá sản phẩm đó chỉ có 3 nước, Việt Nam, Ấn Độ và Philippines. Buổi trình diễn trang phục có cả các thành viên của Ủy ban châu Âu, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

“Người Pháp và giới thời trang của Pháp rất bất ngờ và ngưỡng mộ chị Mai Thị Hợp và Dzèng A Lưới. Với hai buổi biểu diễn tại Bảo tàng Albert Kahn, chị Hợp đã thể hiện sự điêu luyện dệt Dzèng cùng nụ cười thân thiện. Sự hiện diện của chị Hợp đã làm cho những thiết kế Haute Coute trở nên có chiều sâu và luôn cả sự kính trọng”, Nhà thiết kế Minh Hạnh bày tỏ.

Có lẽ còn quá nhiều điều để nói về chị Hợp, một người phụ nữ dân tộc Tà Ôi với niềm đam mê bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dệt Dzèng. Chị bảo: “Tôi sẽ mang Dzèng đến với các nhà thiết kế. Chất liệu Dzèng của đồng bào Tà Ôi sẽ trở thành điểm nhấn, độc đáo, hấp dẫn trong thiết kế thời trang không chỉ trong nước mà còn ở quốc tế”...

Ghi nhận công lao, tâm huyết trong việc giữ gìn và phát huy nghề dệt zèng Tà Ôi, chị Mai Thị Hợp đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015. Năm 2017, chị là đại biểu tiêu biểu xuất sắc được tôn vinh tại Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017.

HOÀNG THANH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.