Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Raglai và văn hóa lúa rẫy

PV - 09:51, 26/02/2018

Đối với người Raglai, hạt cơm lúa rẫy không chỉ nuôi sống lớp lớp thế hệ mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, tạo nên bản sắc văn hóa riêng của người Raglai. Chính vì thế cho đến ngày nay, lúa rẫy vẫn được xem là cây trồng chủ lực của người dân các xã vùng cao, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).

Rộn ràng mùa lúa rẫy

Trong không khí se lạnh của buổi sớm mùa Xuân, chúng tôi theo chân người dân xã Liên Sang đi gặt lúa rẫy. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vượt qua nhiều con dốc cao, để được ngắm nhìn những vạt lúa vàng nối tiếp nhau dưới chân núi, đẹp như một bức tranh thủy mặc giữa đại ngàn. Bà Cao Thị Là Đê tay tuốt những bông lúa trĩu hạt bỏ vào gùi, vui vẻ nói: “Ở đây nhà nào cũng trồng lúa rẫy. Nhà trồng nhiều thì mấy chục gùi thóc giống, hộ ít nhất cũng phải gần 10 gùi. Năm nay do ảnh hưởng của bão nên lúa rẫy của bà con bị hư hại nặng, nhưng lại nhờ mưa nhiều mà bông lúa nào cũng đầy hạt, Tết đến không còn phải lo cái đói”.

Cơm được nấu từ lúa rẫy của người Raglai. Cơm được nấu từ lúa rẫy của người Raglai.

 

Lúa rẫy có ý nghĩa rất quan trọng với người dân vùng cao nên không chỉ có Liên Sang mà các xã khác như Sơn Thái, Khánh Thượng... của huyện Khánh Vĩnh đều trồng lúa rẫy. Ông Cao Niếng, Trưởng thôn Bàu Sang, xã Liên Sang cho hay: Người Raglai vẫn trồng lúa rẫy theo phương pháp truyền thống trên lưng chừng đồi. Vào tháng 4, tháng 5 âm lịch hằng năm, người Raglai lại đem lúa lên trỉa trên những mảnh rẫy vừa mới đốt, đàn ông cầm trĩa đi trước chọc lỗ, phụ nữ theo sau bỏ lúa vào từng lỗ rồi lấp lại. Những hạt lúa sau khi được xuống giống chủ yếu “uống” nước từ những cơn mưa rừng, hay những giọt sương sớm để vươn mình nảy mầm xanh. Thời gian sinh trưởng của lúa khoảng từ 5-6 tháng. Phương thức canh tác vẫn theo bao đời truyền lại, sau 3 mùa liên tục, lúa lại được đem trồng ở một rẫy khác, rẫy cũ để hoang và đợi đến 3 mùa rẫy sau, người dân mới quay lại phát đốt để bắt đầu một chu kỳ lúa rẫy mới.

Theo già làng La Thế Trong, thôn Bàu Sang, xã Liên Sang, người Raglai dùng lúa rẫy không chỉ để ăn mà còn dùng để ủ rượu cần (Tapai) cúng Yang và dâng lên tổ tiên. Nếu lúa rẫy được xem là “hạt ngọc của trời”, thì Tapai chính là hiện thân của sự kết tinh trời đất. Được mùa nhưng thiếu Tapai thì coi như mất hết truyền thống ông cha. Vụ nào lúa trên nương trĩu hạt mình cũng làm mấy chục ché rượu. Một phần để cúng thần, dâng lên tiên tổ, một phần đem biếu những người thân mừng cho một mùa lúa mới.

“Tapai không chỉ đơn thuần là thức uống mà còn tượng trưng cho một nền văn hóa lúa rẫy. Còn lúa rẫy thì còn Tapai, hết lúa rẫy rượu có được làm thì hương Tapai cũng đã phai nhạt”, già làng bộc bạch.

Ước vọng giữ gìn

Ông Ngô Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Liên Sang cho biết: Do đặc điểm riêng về địa hình và phong tục tập quán sản xuất nên người dân vẫn duy trì lúa rẫy. Cả huyện Khánh Vĩnh có đến vài trăm ha lúa rẫy, riêng xã Liên Sang cũng đã có gần 100ha. Tuy năng suất không cao, chỉ tầm 1,4 tấn/ha nhưng ở những vùng núi cao khô hạn, không một loại cây trồng nào có sức sống tốt như cây lúa rẫy. Xét về mặt kinh tế chưa cao nhưng nó đảm bảo cho người dân không bị thiếu đói. Chúng tôi đang tìm cách nâng dần năng suất cho cây lúa rẫy để người dân không những đủ ăn mà còn có thể bán để kiếm thêm thu nhập.

Với những người Raglai, họ vẫn đau đáu việc gìn giữ cây lúa rẫy như một nét văn hóa của dân tộc mình. Khi được hỏi về “văn hóa” lúa rẫy, Away Tuấn, xã Khánh Thượng hồ hởi chia sẻ: “Ăn cái gạo trên núi lâu ngày thành quen, ăn cái gạo dưới xuôi dù dẻo hơn mà vẫn thấy nhạt cái miệng. Giữ cây lúa rẫy cũng là giữ linh hồn của người Raglai, những ai là con cháu người Raglai phải có trách nhiệm giữ loại cây trồng truyền thống này, người dân trong làng rất quý giống lúa rẫy, nhất là người cao tuổi”.

Ước vọng của Away Tuấn cũng chính là mong mỏi của nhiều bậc cao niên. Già làng Cao Thiên nhớ lại: “Ngày xưa mùa thu hoạch lúa rẫy chính là thời điểm đồng bào dân tộc Raglai mong đợi nhất trong năm, Lễ cúng lúa mới được tổ chức linh đình trong tiếng chiêng, tiếng trống vang vọng khắp núi rừng. Giờ đây, văn hóa Raglai ở Khánh Vĩnh đã nhạt đi nhiều lắm rồi. Cái hủ tục thì mình có thể bỏ, nhưng nét văn hóa truyền thống của cha ông thì nên giữ lại để mỗi mùa rẫy bội thu đi qua thêm phần ý nghĩa”.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Đặt tên âm và lên đèn – Nghi thức quan trọng trong lễ Cấp sắc của người Dao

Lễ Cấp sắc là nghi lễ thể hiện nhân sinh quan, tín ngưỡng, văn hóa của người Dao. Trong đó, “đặt tên âm và lên đèn” là một trong những nghi thức rất quan trọng, khi đó người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.