Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người tâm huyết lưu giữ ngôn ngữ dân tộc Thái

PV - 14:21, 14/08/2018

Với tâm huyết bảo tồn văn hóa dân tộc, đặc biệt là tiếng nói, chữ viết, suốt 10 năm qua ông Lò Văn Thâng, dân tộc Thái, trú tại tổ 14, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã dày công sưu tầm, biên soạn tài liệu dạy học chữ Thái cho người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Đến nay, ông Thâng đã biên soạn thành công 3 cuốn sách Tài liệu dạy tiếng và chữ Thái, được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên sử dụng trong chương trình dạy học.

Từng là thầy giáo, sau khi nghỉ hưu, ông Lò Văn Thâng nhận thấy một số phong tục, tập quán dần bị mai một. Riêng chữ viết của dân tộc Thái, những người biết đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn thế hệ trẻ thì hầu như không biết. Từ đó, ông bắt đầu đi khắp các bản làng người dân tộc Thái sinh sống ở trong và ngoài tỉnh để thu thập tài liệu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái, phục vụ cho việc xuất bản sách về bảo tồn chữ viết, tiếng nói của dân tộc.

Ông Lò Văn Thâng thông tin về tài liệu dạy chữ dân tộc Thái do ông biên soạn. Ông Lò Văn Thâng thông tin về tài liệu dạy chữ dân tộc Thái do ông biên soạn.

Suốt 10 năm thu thập tài liệu, đến nay, ông Thâng đã lưu giữ hàng trăm tư liệu về văn hóa dân tộc Thái phục vụ cho việc xuất bản sách, trong đó có nhiều tư liệu về chữ viết dân tộc Thái. Theo phân tích của ông Thâng, những sách dạy chữ Thái cách tân hiện nay chữ viết được đổi mới từ chữ Thái cổ, nét viết rất rõ ràng, có dấu, tách câu nên rất dễ đọc và dễ nhớ. Tuy nhiên, chữ Thái mới chưa được lớp trẻ quan tâm, trong khi những người cao tuổi biết chữ thì dần quên lãng hoặc lần lượt qua đời, không ai truyền dạy lại cho lớp trẻ.

Sau bao năm miệt mài, ông Thâng đã nghiên cứu, biên soạn thành công 3 cuốn sách dạy tiếng và chữ Thái tập 1, 2 và 3 cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên (năm 2010) đưa vào giảng dạy trong một số trường học. 3 cuốn sách do ông Thâng biên soạn được chia theo từng cấp bậc. Ở tập 1 nội dung chủ yếu là học vần, tập đọc; tập 2 người học sẽ được thực hành viết các đoạn văn ngắn; riêng tập 3 không chỉ có đọc, viết thành thạo, mà còn kết hợp đọc các tác phẩm văn học của dân tộc Thái.

Ngoài ra, ông Lò Văn Thâng còn tham gia nhóm nghiên cứu biên soạn, chỉnh sửa thống nhất chữ, bộ vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm của dân tộc Thái cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Thái (Thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Điện Biên). Từ những nghiên cứu của ông Lò Văn Thâng, Câu lạc bộ sẽ xây dựng Ðề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái Ðiện Biên để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Thái ở Ðiện Biên.

Vài năm trở lại đây, cứ đều đặn 1 tuần 3 buổi sáng, tối, ông Thâng tham gia dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho các cán bộ, công chức lớp tiếng Thái, do Trung tâm Tin học-Ngoại ngữ tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên và Công an tỉnh. Từ đó, nhiều thế hệ học viên đã nói và viết tiếng Thái một cách chuẩn xác hơn.

HỒNG MINH - P. LIÊN

Tin cùng chuyên mục
Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Gia đình 7 đời làm nghề chạm bạc trên cao nguyên đá

Trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), thôn Lao Xa, xã Sủng Là là cái nôi của nghề chạm bạc truyền thống của người Mông. Đã từ rất lâu, không chỉ riêng người Mông, mà bất cứ ai muốn mua được một món đồ trang sức bằng bạc ưng ý, đều lên đường đến Lao Xa…