Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Người thầy hơn 30 năm cống hiến để bảo tồn, phổ biến ngôn ngữ Bru Vân Kiều

Khánh Ngân - 19:34, 22/11/2022

Suốt hành trình hơn 30 năm, tận tâm từ giảng dạy đến biên soạn nhiều tài liệu tiếng Bru Vân Kiều, thầy Hồ Quang Tuyến - giáo viên Trường PTDT Nội trú Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, đã thực hiện được mong muốn của mình “không để ngôn ngữ, chữ viết của người Bru Vân kiều bị mai một”.

Thầy Hồ Quang Tuyến miệt mài cống hiến cho việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết Bru Vân Kiều
Thầy Hồ Quang Tuyến miệt mài cống hiến cho việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết Bru Vân Kiều

Tận tâm cống hiến

Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Vinh (2003), thầy Tuyến được phân công về Trường PTDT Nội trú Vĩnh Linh. Ngoài giờ lên lớp, thầy dành phần lớn thời gian cho việc nghiên cứu, biên soạn nhiều giáo trình, tài liệu tiếng Bru Vân Kiều chất lượng.

Để thực hiện được việc này, thầy Hồ Quang Tuyến đã chủ động tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ, văn hóa, tập quán người Bru Vân Kiều, thông qua các nguồn tư liệu có từ trước và thường xuyên gặp gỡ già làng, trưởng bản, bậc cao niên tại nhiều địa phương trong tỉnh để củng cố thêm kiến thức. 

Thầy Tuyến chia sẻ, ngôn ngữ Bru Vân Kiều đa âm, chữ viết ra đời muộn. Cái khó là ở chỗ chữ viết chưa được phổ biến rộng rãi, mà đồng bào chỉ lưu truyền bằng miệng. Do đó, các tài liệu về chữ viết không nhiều, nên khó khăn trong khâu biên soạn, hệ thống chữ viết. Cùng với đó, nhiều từ gốc bị mất đi, nên phải vay mượn từ ngôn ngữ khác để thay thế. Vì vậy, việc truyền giữ ngôn ngữ này gặp nhiều khó khăn. 

Để hệ thống lại chữ viết, thầy Tuyến phải đi khắp các bản làng vùng đồng bào Bru Vân Kiều để tìm gặp những người biết chữ để sưu tập, nâng cao hiểu biết, với mong muốn biên soạn ra được tài liệu dễ hiểu nhất, đúng nhất phục vụ cho việc dạy và học tiếng Bru Vân Kiều.

Với tâm niệm “không để cho ngôn ngữ và chữ viết của đồng bào mình bị mai một”, thầy Tuyến đã triển khai ngay ý tưởng ấp ủ nhiều năm trước đó, tranh thủ ngoài giờ để dạy tiếng nói và chữ viết Bru Vân Kiều cho cả học sinh lẫn giáo viên nhà trường. Với sáng kiến “20 từ Bru Vân Kiều/1 bảng tin/1 tuần”, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường giao tiếp cho học sinh, giáo viên. Xây dựng mối quan hệ gắn kết hơn giữa học sinh dân tộc Bru Vân Kiều với đội ngũ cán bộ, giáo viên người dân tộc Kinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

Giáo trình, tài liệu tiếng Bru Vân Kiều do thầy Hồ Quang Tuyến biên soạn đã được đưa vào giảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị
Giáo trình, tài liệu tiếng Bru Vân Kiều do thầy Hồ Quang Tuyến biên soạn đã được đưa vào giảng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

Chắp cánh ước mơ

Với hiểu biết sâu rộng và kinh nghiệm truyền thụ tiếng nói, chữ viết Bru Vân Kiều, tận tâm với công việc, năm 2011, thầy Tuyến được Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị điều động tham gia Hội đồng bộ môn tiếng Bru Vân Kiều. Cũng từ đó, ý tưởng truyền dạy để bảo tồn tiến tới phổ biến tiếng Bru Vân Kiều được lan tỏa trong cộng đồng dân tộc Bru Vân Kiều.

Từ chủ trương của ngành giáo dục, các cấp các ngành ở Quảng Trị, những lớp học tiếng Bru Vân Kiều liên tục được khai giảng. Cán bộ ở các sở, ban, ngành cấp tỉnh hoạt động vùng đồng bào DTTS được cử đi học tiếng Bru Vân Kiều. Rồi những lớp học dành cho công chức, viên chức các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh… cũng được triển khai. Thầy Hồ Quang Tuyến lại miệt mài lên lớp dạy tiếng Bru Vân Kiều trong niềm say sưa. Hết lớp này đến lớp khác được truyền dạy, ấp ủ dự định của thầy Tuyến dần được hiện thực hóa. Ngôn ngữ Bru Vân Kiều không những được bảo tồn mà đang hướng tới phổ biến.

Từ năm 2013 - 2019, thầy Tuyến đã tham gia chỉnh sửa, biên soạn nhiều tài liệu quan trọng liên quan đến ngôn ngữ Bru Vân Kiều như, tài liệu giảng dạy cho học sinh người Bru Vân Kiều trong các trường học; bồi dưỡng tiếng Bru Vân Kiều dành cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại vùng DTTS, miền núi tỉnh Quảng Trị do UBND tỉnh chủ trì; tự học tiếng Bru Vân Kiều do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì…

Dân tộc Bru Vân Kiều có chữ viết và ngôn ngữ riêng
Dân tộc Bru Vân Kiều có chữ viết và ngôn ngữ riêng

Hơn 30 năm âm thầm cống hiến, thầy Tuyến đã "thổi hồn" và góp phần bảo tồn, phổ biến tiếng nói, chữ viết Bru Vân Kiều. Trước vòng xoáy của cơ chế thị trường, hội nhập sâu rộng, tiếng nói và chữ viết người Bru Vân Kiều vẫn có một chỗ đứng vững chắc không mai một.

Thầy Tuyến cho biết, thầy ấp ủ dự định sẽ phối hợp thực hiện giới thiệu văn hóa dân tộc Bru Vân Kiều thông qua mạng xã hội để phản ánh một cách cụ thể, từ nguồn gốc, ngôn ngữ, phong tục tập quán, lễ hội đến phong cảnh, đời sống, trang phục, ẩm thực, làn điệu dân ca… Qua đó, lưu giữ những nét đẹp cho thế hệ sau hiểu hơn về cội nguồn, khơi dậy ý thức, tình yêu, lòng tự hào đối với truyền thống dân tộc.

Những năm qua, từ những chương trình, chính sách ưu tiên phát huy giá trị văn hóa vùng DTTS  nói chung, dân tộc Bru Vân Kiều nói riêng, còn có sự đóng góp tích cực của rất nhiều nghệ nhân, đội ngũ cán bộ trí thức, và những giáo viên như thầy Tuyến, đang cống hiến âm thầm công sức, trí tuệ, mà không đòi hỏi bất cứ thù lao nào cho công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc... nhờ đó nhiều loại hình văn hóa đặc sắc của đồng bào DTTS được bảo tồn và phát huy giá trị.

Để tiếp tục phát huy thành quả này, trong Dự án 6, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người DTTS trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy người kế cận...

Tin rằng, với sự triển khai quyết liệt, hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS sẽ tiếp tục được lan tỏa, sống mãi trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.