Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Hồ Chí Minh trong trái tim đồng bào Bru -Vân Kiều: Niềm tự hào được mang họ Hồ (Bài 1)

Phạm Tiến - 15:55, 07/06/2022

Từ những già làng đầu tiên, đến dân bản người Bru- Vân Kiều mang họ Hồ tiếp nối lớp lớp con cháu hậu sinh người Bru- Vân Kiều mang họ Bác, đó là tình cảm máu thịt, thiêng liêng. Trong trái tim người Bru- Vân Kiều, niềm tin với Đảng, tình yêu dành cho Bác là bất diệt.

Bác Hồ luôn trong trái tim đồng bào Bru- Vân Kiều (ảnh tư liệu)
Bác Hồ luôn trong trái tim đồng bào Bru- Vân Kiều (ảnh tư liệu)

Nơi đại ngàn Trường Sơn, ở gian trang trọng nhất mỗi nếp nhà sàn của người Bru- Vân Kiều là ban thờ Bác. Mỗi người dân Việt Nam luôn chan chứa tình cảm sâu nặng với vị Cha già của dân tộc. Với người Bru- Vân Kiều, Bác Hồ, họ Hồ luôn là niềm tự hào riêng...

Nhớ ngày mang họ Bác

Tháng 6 năm nay là tròn 65 năm người Bru - Vân Kiều được mang họ Hồ. Trải qua chừng ấy thời gian, họ Hồ đã gắn liền với lớp lớp con em người Bru- Vân Kiều trên đỉnh Trường Sơn. Đó là tình cảm máu thịt, là niềm tin tuyệt đối của người Bru- Vân Kiều gửi trọn vào Đảng, Bác Hồ kính yêu.

Trong bài viết “Nhớ mãi ngày ấy…”, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Đỗ Duy Văn đã ghi lại lời kể của ông Cổ Kim Thành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình: Đồng bào Bru- Vân Kiều mang họ Hồ của Bác được tính từ ngày 16/6/1957, ngày Bác Hồ về thăm Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Quảng Bình. Câu chuyện được tác giả Đỗ Duy Văn ghi lại nguyên văn như sau:

“Sau khi Bác Hồ làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, gặp gỡ đồng bào. Đến 11 giờ rưỡi, khi Bác đang nghỉ trưa, có 2 đoàn đại biểu dân tộc Bru- Vân Kiều ở xã Dân Hóa (huyện Tuyên Hóa) và xã Đình Phùng (huyện Lệ Thủy) bất ngờ vào gặp Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đề đạt nguyện vọng xin được vào gặp và hỏi thăm sức khoẻ Bác Hồ.

Vừa gặp đồng bào, Bác hỏi ngay: - Đồng bào đi đường xa, đến thăm Bác, Bác cảm ơn! Bà con dân tộc mình có mạnh khỏe không? - Dạ thưa Bác, khỏe nhiều, vui hung! - Gặp Bác, đồng bào có đề xuất gì không? - Thưa Bác, đồng bào Vân Kiều nhớ Bác nhiều, nhắn xin Bác Hồ cho đồng bào miềng lấy họ Hồ của Bác đặt họ chung.- Sao đồng bào không lấy họ của mình?- Thưa Bác! Dân tộc Vân Kiều lâu lắm mất họ rồi!

Bác lặng đi, suy nghĩ rồi thân mật trả lời: - Muốn vậy thì Bác đồng ý!

Thế là từ đó, đồng bào Vân Kiều mang họ Bác Hồ”.

Từ câu chuyện nguyên văn của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, ông Cổ Kim Thành kể trong bài viết “Nhớ mãi ngày ấy…”. Lần về lịch sử, giai đoạn 1959- 1960, ở xã Trường Xuân và xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) có rất nhiều lão thành cách mạng người Vân Kiều mang họ Hồ. Chẳng hạn ông Hồ Thanh Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trường Xuân vào Đảng những năm 60. Bà Hồ Thị Khéo, ở bản Khe Dây, xã Trường Xuân cũng mang họ Hồ từ năm 1960 và cũng là người vinh dự đã được gặp Bác.

Câu chuyện nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Cổ Kim Thành kể, được nhà văn hóa dân gian Đỗ Duy Văn ghi lại trong bài viết “Nhớ mãi ngày ấy…” là một dẫn chứng thuyết phục.

Có một thực tế cảm động, là các thế hệ đồng bào Vân Kiều đều rất tự hào về họ Hồ của mình. Lớp lớp con cháu hậu sinh kế tiếp nhau mang họ Hồ. Và trong mỗi nếp nhà sàn của người Vân Kiều đều có ban thờ Bác. Trong trái tim người Bru -Vân Kiều Bác Hồ là tình yêu máu thịt, đồng bào luôn biết ơn công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ đã giúp đồng bào có độc lập, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong câu chuyện về Bác của tác giả với em Hồ Thị Thủy 11 tuổi ở bản Chuồn, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình
Em Hồ Thị Thủy 11 tuổi ở bản Chuồn (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) với tác giả

Lớp Lớp con cháu tin Đảng, mang họ Hồ

Chúng tôi có chuyến công tác về với Quảng Bình trong những ngày đầu tháng 6 “rực lửa”. Ngược đường 16 phẳng lỳ, xuyên quan đường Hồ Chí Minh để về với bà con Bru- Vân Kiều ở xã Kinh Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình). Qua cầu Khe Sụt khi trời gần đứng bóng, đường 16 xuyên qua bạt ngàn rừng tràm mơn mởn. Bản Chuồn với phần đông người Bru- Vân Kiều định cư là nơi đầu tiên trên hành trình về với những người con mang họ Hồ trên đỉnh Trường Sơn.

“Nhà em treo ảnh Bác Hồ/Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/Ngày ngày Bác mỉm miệng cười”…

Lời thơ trong trẻo của bé gái người Bru- Vân Kiều vẳng ra từ ngôi nhà sàn nằm ngay đầu đường vào bản Chuồn (xã Kim Thủy, Lệ Thủy- pv) đã níu chân “khách đường xa”. Thấy có khách lạ, bé gái rụt rè bỏ dở  bài thơ “Ảnh Bác” đang đọc!

Trong câu chuyện về Bác Hồ, bé gái nhanh nhảu: “Cháu họ Hồ mà, Hồ Thị Thủy 11 tuổi. Ở bản Chuồn gia đình Vân Kiều nào cũng mang họ Hồ chú ạ”. 

Không chỉ ở bản Chuồn, theo thống kê, xã Kim Thủy có 65% dân số là người Bru-Vân Kiều thì có 100% người Bru -Vân Kiều mang họ Hồ. Điều đặc biệt, gần như nhà nào cũng dành không gian trang trọng để treo ảnh, thờ Bác.

Ngược đường 16, rẽ phải về phía bắc qua đường 10 lên xã Ngân Thủy (Lệ Thủy) khi trời sắp về chiều. Là xã vùng cao của huyện Lệ Thủy, Ngân Thủy có 80% dân số là người Bru – Vân Kiều sinh sống.

Ban thờ Bác tại gia đình Người có uy tín Hồ Bách, bản Làng Ho, xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình
Ban thờ Bác tại gia đình Người có uy tín Hồ Bách, bản Làng Ho, xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình

Đón khách tới địa phương, ông Hồ Văn Núi, Chủ tịch UBND xã liên tục hỏi: “Xa không, mệt hẹ…Miềng vui quá". Rồi ông nói, tỉnh nhà sắp kỷ niệm 65 năm ngày Bác về thăm Quảng Bình. Trong trái tim đồng bào Bru- Vân Kiều, Bác Hồ là người thân vì chúng mình mang họ Hồ mà. Trong giai đoạn đất nước có chiến tranh, người Bru –Vân Kiều một lòng theo Đảng, theo Bác. Người già, người trẻ gùi đạn, tải lương nuôi bộ đội. Hòa bình lập lại chúng mình vâng theo lời Bác “hăng say lao động, sản xuất làm cho quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tỉnh Quảng Bình hiện có 14.631 người Bru- Vân Kiều, chiếm 19,6 % người Bru- Vân Kiều trên toàn quốc. Bà con cư trú chủ yếu ở vùng miền núi các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa. Trong lần làm việc với Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trần Hữu Ninh, Phó trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình đã khái quát: “Tôi làm công tác dân tộc ở tỉnh nhà đã lâu năm, một điều đặc biệt dễ nhận thấy đó, là bà con Bru- Vân Kiều có niềm tin tuyệt đối với Đảng, luôn đoàn kết, nỗ lực vươn lên xây dựng cuộc sống; đồng bào có tình cảnh sâu nặng máu thịt với Bác Hồ. Biểu hiện rõ nhất là trong nhà của người Bru - Vân Kiều đều có gian trang trọng thờ Bác”.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.