Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Người Thổ Hà “chơi quan họ”

PV - 09:35, 21/02/2019

Trong Chương trình chào Xuân 2019 “Sắc màu văn hóa tỉnh Bắc Giang” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, nhóm nghệ nhân quan họ làng Thổ Hà đến từ xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang đã có dịp giới thiệu những câu hát quan họ mượt mà, ngọt ngào của quê hương mình. Bằng lối hát giản dị của lề lối cổ xưa, các liền anh, liền chị đã tạo nên chất riêng cho quan họ bờ bắc sông Cầu.

Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp cùng các liền anh, liền chị hát quan họ Thổ Hà tại Chương trình “Sắc màu văn hóa Bắc Giang”. Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp cùng các liền anh, liền chị hát quan họ Thổ Hà tại Chương trình “Sắc màu văn hóa Bắc Giang”.

Là người có giọng ca "vang, rền, nền, nảy" vào bậc nhất vùng Kinh Bắc, liền anh Nghệ nhân Ưu tú Phú Hiệp-Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ Thổ Hà trải lòng: "Quan họ của làng Thổ Hà có nét độc đáo mà khắp vùng Kinh Bắc không đâu có được, đó là cảnh hát chào bạn trên sông. Bao năm chơi quan họ, chưa bao giờ thấy ai phải phàn nàn việc liền anh, liền chị Thổ Hà "ngả nón xin tiền".

Nghệ nhân Phú Hiệp cũng cho biết, vào dịp Xuân, đầu làng cuối ngõ ở Thổ Hà đâu đâu cũng có bóng dáng của liền anh, liền chị xúng xính khăn xếp, áo the trẩy hội và đắm say với câu quan họ. Cũng chính cái chất quan họ mộc mạc, đúng lối, cốt cách cổ ấy mà ông cùng với một nghệ nhân khác của làng được mời tham gia lưu diễn tại Pháp.

Ở Thổ Hà, những người có nghề gọi là “chơi quan họ”, không ai nói "hát quan họ”, cũng chẳng ai gọi là "bài" quan họ mà là "câu" quan họ, mỗi "đoạn" gọi là một “trổ”. Anh hai Hiệp bảo: "Hát quan họ thì dễ, nhưng chơi quan họ thì không phải làng nào và không phải ai cũng hiểu và làm được. Chơi thì thanh tao, khiêm nhường, có lề, có lối và đắm đuối hết lòng. Mình chơi quan họ thì phải giữ cái gốc để cho con cháu sau này nhìn vào còn biết thế nào là quan họ. Bây giờ người ta quen gọi Câu lạc bộ quan họ chứ đúng chất cổ xưa thì phải là “bọn quan họ”, dù rằng từ "bọn" bây giờ nghe không lịch sự”.

Quan họ ở Thổ Hà không chỉ là nghệ thuật mà còn là văn hóa ứng xử. Khách đến chơi nhà, không chỉ “rót nước pha trà” mà có cả những câu hát thắm đượm nghĩa tình: Mỗi khi khách đến chơi nhà/ Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi/ Trà này quý lắm người ơi/ Mỗi người một chén cho tôi vui lòng.

Vào mùa Xuân, “bọn” quan họ Thổ Hà thường mời “bọn” quan họ trong vùng đến giao lưu, đối đáp, ca xướng cho đến sáng hôm sau mới tàn cuộc. Anh hai, chị hai cùng nhau khoe sắc đua tài trong bộ trang phục khăn xếp áo the, bộ áo tứ thân mớ ba, mớ bảy cùng chiếc nón quai thao duyên dáng. Một "bữa tiệc" quan họ mùa Xuân trong không gian trầm mặc được cất lên từ những làn điệu làm đắm say thi nhân mặc khách. Càng về khuya, quan họ càng bay bổng, mặn nồng tình nghĩa, tâm trạng người quan họ được thăng hoa, giãi bày hết qua những câu hát, đẩy cuộc vui đến cao trào. Những làn điệu mang đầy nỗi niềm, cái sầu man mác, tương tư của đôi lứa như lời của một làn điệu liền anh Phú Hiệp thể hiện cho chúng tôi nghe: Bây giờ còn sớm người ơi/ Xin người nghỉ lại mà chơi mai về - Bây giờ chia rẽ đôi nơi/ Kẻ về người ở như khơi mạch sầu/Ruột tằm chín khúc quặn đau... Từng lời, từng câu hát cứ văng vẳng thánh thót, nghe sao mà sâu lắng, thiết tha!

Nghệ nhân Phú Hiệp chia sẻ: "Câu hát mà chúng tôi khi cất lên không phải là "trót lưỡi đầu môi" mà là sự trải lòng mình. Quan họ Thổ Hà phải chơi, phải hát sao cho thể hiện được tấm chân tình, hiếu khách và tâm tình của người hát. Thế mới có câu: Xưa kia nam nữ trẻ già/ Ai mà ca được ắt là hiển vinh/ Ngẫm xem các giọng cho tinh/ Ai mà ca được hiển vinh muôn đời.

HỒNG MINH