Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người truyền thần cho mặt nạ hát bội Bình Định

T.Nhân-N.Quỳnh - 10:28, 15/11/2023

Bình Định được xem là một trong những cái “nôi” của nghệ thuật tuồng (hát bội). Lịch sử nghệ thuật tuồng Bình Định gắn liền với tên tuổi của Tiền tổ Đào Duy Từ và Hậu tổ tuồng Đào Tấn. Qua thời gian, nhiều thế hệ nghệ sĩ dành cả cuộc đời để cống hiến và làm cho nghệ thuật tuồng Bình Định phát triển rực rỡ. Song hành cùng nghệ thuật tuồng, có những con người không phải là nghệ sĩ nhưng vì tình yêu với thuật tuồng đã dồn tâm huyết vẽ nên những chiếc mặt nạ hát bội độc đáo, sinh động.

Ông Trần Ngọc Vân là người đầu tiên vẽ mặt nạ chân dung hát bội trên chất liệu composite
Ông Trần Ngọc Vân là người đầu tiên vẽ mặt nạ của những nhân vật hát bội trên chất liệu composite

Đó là ông Trần Ngọc Vân, 62 tuổi, ở TP. Quy Nhơn (Bình Định). Đồng cảm với sự hi sinh cho nghề của các nghệ sĩ hát bội, nhất là nghệ sĩ không chuyên, ông Vân đã luôn ấp ủ mong muốn, sẽ làm một điều gì đó thật đặc biệt để tri ân họ. Sau nhiều năm tìm tòi, ông đã quyết định, vẽ những chiếc mặt nạ chân dung các nhân vật trong các vở hát bội trên chất liệu nhựa composite, như một lời cảm ơn các nghệ sĩ tuồng.

Nhà ông Vân nằm trong một con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Thái Học, TP. Quy Nhơn. Trong căn nhà trưng bày hàng trăm các mặt nạ lớn, nhỏ được ông tự tay vẽ trong hơn hai năm qua. Khi chúng tôi đến, ông Vân đang sửa soạn khuôn đúc để chuẩn bị cho ra lò những chiếc mặt nạ khắc họa lại chân dung những nhân vật hát bội.

Ông Vân đang chỉnh sửa khuôn cho mặt nạ hát bội
Ông Vân đang chỉnh sửa khuôn cho mặt nạ hát bội

Nói về cái duyên đến với việc vẽ mặt nạ, ông Vân cho hay: Mặc dù tôi không phải là nghệ sĩ hát tuồng hay một hoạ sĩ, nhưng từ nhỏ tôi đã theo cha đi xem hát bội nhiều lần và rất thích thú với loại hình này. Hơn nữa, trong 20 năm làm các công việc liên quan đến văn hoá – du lịch, ông Vân nhiều lần dẫn khách đến thăm quan các khu trưng bày mặt nạ hát bội và họ rất thích thú với những gam màu này. Từ đó, niềm đam mê đối với việc vẽ mặt nạ càng thôi thúc ông sớm thực hiện những bức vẽ của mình.

Chia sẻ thêm về điều này, ông Vân cho biết: Điều thôi thúc nhất khiến ông thực hiện những bức vẽ tạo hình mặt nạ hát bội, chính là để tri ân những người theo nghề hát bội. Tôi được biết, có những nghệ nhân cả đời theo nghiệp hát bội nhưng cuộc sống vẫn khó khăn. Có những người 50, 60 năm theo nghề hát bội mới được công nhận nghệ nhân. “Nhiều lần tiếp xúc với họ, tôi mới hiểu được nỗi vất vả của những người nghệ sĩ hát bội. Nhất là trong đợt dịch COVID-19 vừa rồi, có nhiều nghệ sĩ rất khó khăn trong cuộc sống, từ đó thôi thúc tôi phải làm một việc gì đó để tri ân những nghệ sĩ này”, ông Vân nói thêm.

Những chiếc mặt nạ được vẽ trên chất liệu composite của ông Vân.
Những chiếc mặt nạ được vẽ trên chất liệu composite của ông Vân.

Để biến đam mê thành hiện thực, ông Vân phải vào Sài Gòn vừa làm việc vừa tìm về các làng nghề gốm sứ để tìm hiểu, nghiên cứu. Cũng trong thời gian này, ông thường xuyên tham vấn nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân các đoàn hát bội trong tỉnh, các hoạ sĩ am hiểu về nghệ thuật truyền thống này, để từng bước hoàn thiện khuôn đúc. Để có được những sản phẩm đẹp, ông Vân cho rằng, phải tỉ mỉ từng công đoạn, trong đó phần quyết định sự tinh xảo của chiếc mặt nạ phụ thuộc vào khâu tạo hình khuôn mặt.

Chỉ tay vào một sản phẩm mới được tạo hình, ông Vân cho biết: Khâu tạo hình mặt nạ rất khó, từ ý tưởng tạo hình trong đầu, sau đó mới phát thảo và lên khuôn. Khuôn nếu làm không đúng thì khi vẽ lên sẽ khó có được những tác phẩm có thần thái. “Tôi từng thuê người tạo hình với giá cao, nhưng cũng không ai nhận làm. Do đó, phải tự hình dung, rồi bắt tay vào tạo hình theo ý mình”, ông Vân nói.

Mỗi một nhân vật, ông Vân sử dụng những gam màu riêng để phù hợp với biểu cảm của từng nhân vật. Có ba gam màu chính ông thường sử dụng để vẽ là đỏ, trắng, đen. Màu đen đại diện cho những nhân vật phản diện, hung dữ; gam màu đỏ tượng trưng cho trung thần. Màu trắng xanh đại diện cho quan nịnh, hoặc màu hồng phấn là đại diện cho nhân vật nữ.

 “Vẽ những nhân vật bình thường như hoàng tử, công chúa thì các gom màu đơn giản, còn đối với mặt nạ có biểu cảm phức tạp thì gam màu vằn là phù hợp. Nhưng để vẽ những khuôn mặt có màu vằn rất khó, đòi hỏi thời gian và sự tỉ mỉ rất cao của người vẽ. Tuy nhiên, dù sử dụng gam màu như thế nào thì cũng phải truyền hồn vào trong tác phẩm”, ông Vân chia sẻ .

Cũng theo ông Vân, trong quá trình vẽ mặt nạ, ông đã chọn nhiều chất liệu để tạo hình, nhưng cuối cùng ông chọn vẽ trên chất liệu nhựa composite vì có độ bền cao, màu sắc khó phai theo thời gian. Trong quá trình tạo hình trên chất liệu này, ông cũng bỏ thời gian nghiên cứu, cũng như tham vấn nhiều người để có được những chiếc mặt nạ ưng ý, đồng thời để những bức vẽ được thực tế và độc đáo hơn.

Học sinh trải nghiệp tập vẽ mặt nạ hát bội dưới sự hướng dẫn của ông Vân
Các em học sinh tham gia buổi trải nghiệm tập vẽ mặt nạ hát bội dưới sự hướng dẫn của ông Vân

Tính đến nay, ông Vân đã tổ chức hơn 10 buổi trưng bày mặt nạ hát bội tại nhiều địa điểm khác nhau, chủ yếu là ở các trường học. Từ những buổi trưng bày này, ông Vân cũng kết hợp mở các lớp dạy miễn phí cho các em học sinh, những người khuyết tật. Qua đó, ông mong muốn truyền cảm hứng đến giới trẻ về tình yêu hát bội đến với mọi người, đồng thời tạo cơ hội cho những người khuyết tật có được công việc tạo ra thu nhập.

Ở cái tuổi ngoại lục tuần, ông Vân đã nếm trải qua nhiều cung bật của cuộc sống. Giờ đây, tất cả đối với ông như một sự nghiệm sinh. “Làm việc gì có ích cho đời, cho dù là nhỏ nhất cũng phải cố gắng làm bằng cả trái tim. Thời gian tới, tôi dự tính nghiên cứu làm mặt nạ hát bội bằng mo cau, xơ dừa vừa nhẹ, thân thiện với môi trường”, ông Vân trải lòng. 

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.