Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Trăn trở bảo tồn nghệ thuật tuồng làng Dương Cốc

PV - 10:48, 19/06/2018

Đã có một thời, vào những đêm trăng thanh gió mát, đình làng Dương Cốc (xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) lại vang lên rộn rã tiếng trống chầu, tiếng kèn và những câu hát tuồng vừa hùng tráng, mạnh mẽ, dứt khoát, nhưng cũng thấm đẫm chất bi ai. Nhưng đã qua rồi cái thời “vàng son” của tuồng làng Dương Cốc danh bất hư truyền.

Vang bóng một thời

Ông Nguyễn Tài Minh, Trưởng thôn Dương Cốc cho biết, Dương Cốc từ xưa là một “làng ca hát” mang đặc trưng văn minh lúa nước của Đồng bằng Bắc bộ với chiếu chèo và những giọng hát mượt mà ngân nga chốn sân đình. Dương Cốc còn  là mảnh đất lành cho bộ môn nghệ thuật tuồng bén rễ, phát triển và trở thành máu thịt của người làng hơn nửa thế kỷ nay...

Đường vào làng Dương Cốc hôm nay. Đường vào làng Dương Cốc hôm nay.

 

Kể về lịch sử nghệ thuật tuồng “bén duyên” với làng Dương Cốc, ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tuồng Dương Cốc hồi tưởng lại. Những năm đầu thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước, làng Dương Cốc đã có Đội cải lương, Đội chèo cổ phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đến năm 1967, Đoàn tuồng Quân khu 5 (hiện là Nhà hát tuồng Đào Tấn-Bình Định) sơ tán về làng Dương Cốc, các nghệ sĩ đã nhiệt tình truyền “lửa tuồng” cho người dân trong làng. Được các nghệ sĩ chuyên nghiệp dạy tỉ mỉ từ cách hát tuồng, cách diễn xuất, biểu đạt động tác múa đến những “ngón nghề” trong diễn tuồng, những người nông dân làng Dương Cốc đã hóa thân trở thành những nghệ sĩ, diễn viên thực thụ. Ban ngày thì chân lấm tay bùn với công việc ruộng nương, đồng áng, ban đêm họ lại khoác lên mình những xiêm y lộng lẫy để hóa thân vào các nhân vật trong vở diễn “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”; “Trần Bình Trọng”; “Trần Quốc Toản”…, làm lay động trái tim của hàng trăm khán giả.

Nhiều nghệ nhân cao tuổi của làng Dương Cốc là diễn viên hát tuồng. Nhiều nghệ nhân cao tuổi của làng Dương Cốc là diễn viên hát tuồng.

 

Năm 1970, Đội diễn tuồng làng Dương Cốc được thành lập với hơn ba mươi diễn viên, nhạc công đều là người làng. Ấy vậy mà mỗi lần mang tuồng đi biểu diễn sang các địa phương khác, có hàng trăm người dân trong làng đi theo vận chuyển đạo cụ sân khấu phục vụ hậu đài. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi 70 còn chống gậy đi theo Đoàn để bế cháu cho bố mẹ chúng lên sân khấu diễn tuồng. Vất vả là vậy nhưng đi đến đâu, diễn viên làng tuồng Dương Cốc cũng được bà con đón tiếp nồng hậu và trả công hậu hĩnh. Có lúc Đội Tuồng làng Dương Cốc đã lấy hẳn tên là Đoàn Tuồng Nam Dương để biểu diễn và bán vé thu tiền như một đoàn văn công chuyên nghiệp.

Bao giờ trở lại ngày xưa?

Trải qua bao thăng trầm của thời gian, làng Dương Cốc hôm nay vẫn còn đó mái đình cổ kính, những chiếc cổng làng cũ kỹ, rêu phong, những cái ao làng soi bóng thời gian... Những “nghệ sĩ tuồng”, nhạc công tài hoa, trẻ trung ngày xưa như ông Nguyễn Ngọc Đỉnh, đôi vợ chồng Huy Thường-Bích Hảo; ông Nguyễn Văn Thống đều đã lên bậc tuổi cụ, kị. Thế hệ diễn viên là các cháu độ tuổi thiếu niên ngày xưa như Nguyễn Ngọc Khánh, Nguyễn Thanh Lực, Nguyễn Ngọc Huyền, Nguyễn Văn Lý… nay cũng đã ở độ tuổi lục tuần.

Các thành viên CLB Tuồng Dương Cốc truyền dạy hát tuồng cho thế hệ trẻ. Các thành viên CLB Tuồng Dương Cốc truyền dạy hát tuồng cho thế hệ trẻ.

 

Bằng niềm đam mê cháy bỏng, các nghệ sĩ, diễn viên quần chúng đã tụ họp lại với nhau, quây quần sinh hoạt trong CLB Tuồng Dương Cốc. CLB hiện có 25 thành viên, đều ở độ tuổi trung niên, cao niên. “Trong những dịp làng mở hội hay có sự kiện chính trị của huyện, của thành phố, Đội tuồng làng Dương Cốc vẫn tham gia biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ điển. Khi diễn tại đình làng, có khá đông khán giả độ tuổi trung niên, cao niên đến xem. Tuy nhiên, thế hệ trẻ thì không mặn mà lắm với nghệ thuật diễn tuồng. Thường những buổi biểu diễn phục vụ bà con ở các địa phương khác đều miễn phí không bán vé thu tiền. Ban Tổ chức họ mời đến và trả chút ít thù lao cho các diễn viên thôi. Nếu bán vé thì không ai vào xem đâu”, chị Ngọc Huyền, thành viên CLB bộc bạch.

Hiện nay, CLB Tuồng Dương Cốc có vốn “tài sản” khoảng trên 40 vở diễn, bao gồm cả tuồng cổ, tuồng hiện đại như: “Trưng Nữ Vương”, “Trần Quốc Toản ra quân”, “Trần Bình Trọng”, “Nắng soi dòng suối Păng Pơi”, “Nghêu Sò Ốc Hến”, “Tình cá nước”, “Cô dân quân trên vùng kinh tế”... CLB đã gặt hái được hàng trăm giấy khen, bằng khen, huy chương Vàng, Bạc cho cá nhân và tập thể qua các lần Hội diễn nghệ thuật.

Mặc dù treo những tấm bằng khen, những huy chương lấp lánh đầy nhà, nhưng những thành viên tâm huyết trong CLB Tuồng Dương Cốc vẫn không khỏi băn khoăn, trăn trở khi nhìn thấy thế hệ trẻ không cháu nào còn mặn mà với môn nghệ thuật truyền thống của làng mình.

Năm 2016, một lớp tập huấn hát tuồng cho thế hệ trẻ làng Dương Cốc do Trung tâm Văn hóa Hà Nội phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quốc Oai và xã Đồng Quang phối hợp tổ chức. Lớp học thu hút hơn 20 cháu độ tuổi từ thiếu nhi đến thanh niên tham gia, do các thành viên trong CLB Tuồng Dương Cốc truyền dạy. Tuy nhiên, sau đợt tập huấn, các cháu lại tản đi làm ăn xa, mỗi người mỗi việc. Và tuồng Dương Cốc vẫn chỉ còn lại với vài chục người ở độ tuổi cao niên, trung niên.

NGỌC ÁNH

Tin cùng chuyên mục
Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Hồi sinh thổ cẩm Cơ Tu ở Hòa Bắc

Sau một thời gian dài tưởng như đã “ngủ quên” trong các bản làng vùng cao, thổ cẩm của người Cơ Tu trên mảnh đất đầu nguồn sông Cu Đê đã được đánh thức bởi những bàn tay tài hoa của chị em phụ nữ ở Tà Lang - Giàn Bí, mang lại thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ nét đẹp văn hóa cho thế hệ mai sau.